23/12/2024

Chúa Nhật XXX TN B 2021 – Chúa Nhật Truyền Giáo: Bước đi trong ánh sáng và loan báo Tin Mừng cứu độ

Hôm nay là Chúa nhật Truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp và nhắn bảo chúng ta rằng: “Khi chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện hiền phụ của Ngài trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, chúng ta không thể không công bố và chia sẻ những gì chúng ta đã nhìn và đã nghe thấy”. Vậy chúng ta thử hỏi xem mình đã nhìn và đã nghe những gì trong cơn đại dịch này, để chia sẻ cho anh chị em như là một chứng nhân của Đức Giêsu Phục Sinh?

Chúa Nhật XXX TN B 2021 – Chúa Nhật Truyền giáo

Bước đi trong ánh sáng và loan báo Tin Mừng cứu độ

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay là Chúa nhật Truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi sứ điệp và nhắn bảo chúng ta rằng: “Khi chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện hiền phụ của Ngài trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, chúng ta không thể không công bố và chia sẻ những gì chúng ta đã nhìn và đã nghe thấy”. Vậy chúng ta thử hỏi xem mình đã nhìn và đã nghe những gì trong cơn đại dịch này, để chia sẻ cho anh chị em như là một chứng nhân của Đức Giêsu Phục Sinh?

1. Những người không cảm nghiệm, không thấy, không nghe

Phải thú nhận rằng, rất nhiều người chúng ta, trong cơn dịch bệnh, đã co rúm người lại vì sợ hãi, đã cắt đứt mọi giao tiếp vì sợ bị lây bệnh, thậm chí đã đóng kín cả tâm hồn với Chúa vì không thể tham dự thánh lễ và các buổi cầu nguyện. Chúng ta dành rất nhiều giờ để theo dõi tin tức xem dịch bệnh diễn tiến thế nào, để xem các kênh giải trí trên các phương tiện truyền thông xã hội cho qua thời giờ nhàn rỗi. Một số người vô tình bị cuốn hút trở thành những người nghiện chơi game trực tuyến, nghiện phim đồi truỵ, ma quái, tình cảm, ngôn tình của Hàn Quốc, Trung Quốc lúc nào không hay.

Kết quả là họ không cảm nghiệm được sức mạnh tình yêu của Cha Trên Trời, không sử dụng được quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu, nên không có gì để chia sẻ, dù đã nhìn và nghe thấy rất nhiều điều.

Chúng ta giống như đoàn dân Do Thái đông đảo bị lưu đày xa Chúa như tiên tri Giêrêmia đã nói trong Bài đọc I (Gr 31,7-9): “Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ, tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo”.

Chúng ta giống anh mù Bartimê trong bài Tin Mừng (x. Mc 10,46-52) ngồi ăn xin bên vệ đường, sống lây lất, tủi nhục, nhờ lòng thương xót của người qua kẻ lại. Đó là thân phận của những người chưa được ánh sáng Tin Mừng Phục Sinh soi chiếu, và đang phải vật lộn với kiếp người khốn khổ mà chưa tìm được lối thoát.

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta đã trải qua sự chán nản, thất vọng và mệt mỏi, chúng ta cũng không tránh khỏi sự tiêu cực ngày càng lớn bóp nghẹt niềm hy vọng khi thấy hàng trăm triệu người nhiễm bệnh và hàng triệu người chết trên khắp thế giới. Nhiều tín hữu nghi ngờ tình yêu, lòng thương xót và quyền năng của Cha Trên Trời và của Chúa Giêsu mà ít ai giải đáp cho họ. Vì thế, sau khi hết giãn cách xã hội, nhiều nhà thờ vắng bóng giáo dân.

Chúng ta ngồi yên chờ đợi những đồng bạc bố thí, những mớ rau củ quả, những túi gạo của người khác để sống qua ngày mà không tìm về nguồn sống là chính Thiên Chúa. Chúng ta nghe đủ thứ tin tức làm lòng ta bối rối, sợ hãi, lo âu hay những bài ca, vở kịch làm ta mệt mỏi chán chường mà không tìm về nguồn vui đích thực là Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu. Chúng ta mở to mắt nhìn nhưng không thấy gì ngoài màn đen tăm tối, mà không thấy được tình yêu của Cha Trên Trời đang bảo vệ sự sống của từng người con của mình và sai Con Một của Ngài đến chữa lành cho đôi mắt mù loà cũng như ban sự sống kỳ diệu cho ta.

Đức Giêsu chính là vị thượng tế đời đời được Chúa Cha chọn lựa như Bài đọc II loan báo (x. Dt 5,1-6). Là Con Thiên Chúa, Người tự nguyện trở thành con người yếu đuối để cảm thông và liên đới với những kẻ ngu muội và lầm lạc là chúng ta. Người cũng trải nghiệm những khổ đau và cám dỗ nên thông cảm cho những lầm lỗi của chúng ta. Người chính là nguồn ánh sáng để chữa lành cho đôi mắt mù loà của chúng ta và giúp chúng ta nghe được, nói được lời Tin Mừng sự sống của Người. Nhưng chúng ta có dám hành động như Bartimê để gặp được Đức Giêsu không?

2. Gặp gỡ Đức Giêsu

Bartimê chính là hình ảnh của những ai muốn tìm thấy nguồn vui, nguồn ánh sáng, nguồn sự sống đích thực cho đời mình, muốn vượt qua đoạn đời tăm tối, buồn khổ và dựa dẫm vào người khác. Anh đã hành động như thế nào?

– Trước hết, anh lắng nghe những người chung quanh và để tâm đến các tin tức nói về Đức Giêsu, người có thể cứu giúp anh. Trong một xã hội tràn ngập những thông tin về đủ mọi chuyện như hiện nay, tin tức về Đức Giêsu không thiếu. Chúng ta chỉ cần mở mạng internet gõ tên Giêsu Nazareth là có rất nhiều bài nói về Người. Phim ảnh về Đức Giêsu cũng không thiếu, nhiều phim đoạt giải Oscar và trở thành kinh điển như: phim BenHur, Giêsu Nazareth, Cơn cám dỗ cuối cùng. Ca nhạc về Đức Giêsu cũng đầy rẫy, không phải chỉ những bài thánh ca quen thuộc, mà còn những ban nhạc nổi tiếng nhất thế giới như Beatles với Jesus Superstar (Giêsu Siêu sao). Tuy nhiên, chúng ta có biết lợi dụng những điều mắt thấy, tai nghe đó để khám phá ra một Đức Giêsu đang sống giữa chúng ta và tìm đến Người hay không?

– Hành động tiếp theo là chúng ta phải dám vượt qua những trở lực đang ngăn cản ta đến với Đức Giêsu. Trở lực đó đến từ chính những con người đang ở quanh ta, đang bắt ta phải câm miệng khi ta kêu lên với Giêsu, khi ta nói về Giêsu trong một xã hội chạy theo tiền bạc, chiều theo bản năng dục vọng, sống theo cá nhân chủ nghĩa để hưởng thụ hay tin theo những hệ tư tưởng duy vật vô thần. Chúng ta cần phải kêu to hơn nữa vì biết rằng Giêsu luôn nghe được tiếng kêu của ta, lời cầu xin của ta.

Trở lực đó có thể là chính chiếc áo choàng của người mù mà anh đã quăng đi để đến với Đức Giêsu. Tấm áo choàng thân thiết mà anh dùng nó để đắp qua đêm lạnh, để che nắng, che mưa, che gió khi ngồi ăn xin bên vệ đường. Chiếc áo choàng đó tượng trưng cho những sở thích cá nhân của mỗi người chúng ta, cho nỗi lo lắng về tương lai của ta, cho sự sợ hãi của ta đối với cơn dịch bệnh, cho sự bất toàn của ta đối với sứ mệnh Chúa muốn giao phó. Chúng ta cần phải vứt bỏ hết để đến với Giêsu, để chứng tỏ Đức Giêsu là tất cả đối với ta.

– Hành động chữa lành trọn vẹn của Đức Giêsu không phải là việc giúp cho Bartimê nhìn thấy được như để tưởng thưởng cho lòng tin của anh đối với Đức Giêsu, mà là việc “anh đi theo Người trên con đường Người đi”. Anh đã nhìn, đã nghe thấy Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại và nhận ra Người là Đấng Cứu độ, là nguồn vui, hạnh phúc, sự sống của mình nên anh đã bỏ mọi sự mà theo Người. Người thật sự chính là con đường dẫn đến sự thật toàn diện và sự sống vĩnh hằng.

Lời kết

Hành động của anh cũng là lời mời gọi từng người chúng ta trong ngày Khánh nhật Truyền giáo hôm nay. Chúng ta muốn bước đi trong ánh sáng để loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người tìm lại được niềm vui và hạnh phúc trong cơn dịch bệnh này.

HKK