26/12/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Tự do thể hiện trong tình yêu

Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, giờ đây chúng ta xem xét quyền tự do mà chúng ta đã được kêu gọi trong Đấng Kitô. Sự sống mới mà chúng ta nhận được trong phép rửa đã làm cho chúng ta trở thành con trai và con gái của Chúa Cha và giải thoát chúng ta khỏi nô lệ cho tội lỗi và sự chết.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Tư, 20 tháng 10 năm 2021

____________________________

Bài Giáo lý về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát:
12. Tự do thể hiện trong tình yêu

Anh chị em thân mến,
chào anh chị em buổi sáng!

Trong những ngày này, chúng ta đang nói về tự do của đức tin, khi lắng nghe Thư gửi tín hữu Galát. Nhưng tôi nhớ lại điều Chúa Giêsu nói về tính tự phát và tự do của trẻ em, khi em bé này được tự do lên đây và chạy nhẩy như thể em đang ở nhà… Và Chúa Giêsu nói với chúng ta: “anh chị em cũng vậy, nếu anh chị em không xử sự như trẻ em, anh chị em sẽ không được vào Nước Trời”. Sự can đảm đến gần Chúa, cởi mở với Chúa, không sợ hãi Chúa: Tôi cảm ơn em bé này về bài học mà em đã cho tất cả chúng ta. Và cầu xin Chúa giúp em trong sự hạn chế của em, trong việc lớn lên của em vì em đã cho chúng ta lời chứng phát xuất từ trái tim của em. Trẻ em vốn không cần một phiên dịch viên tự động từ trái tim ra cuộc sống: trái tim dẫn đầu. Cảm ơn con.

Thánh Tông Đồ Phaolô, với thư gửi tín hữu Galát, dần dần dẫn chúng ta vào sự mới mẻ tuyệt vời của đức tin. Từ từ, từng bước… đó là tính mới mẻ của đức tin. Nó thực sự là một điều mới mẻ tuyệt vời, vì nó không chỉ đổi mới một vài khía cạnh của cuộc sống, mà đúng hơn dẫn chúng ta vào “cuộc sống mới” mà chúng ta đã lãnh nhận với Bí tích Rửa tội. Ở đó, hồng ân lớn nhất, đó là được trở thành con cái của Thiên Chúa, đã được tuôn đổ xuống chúng ta. Được tái sinh trong Chúa Kitô, chúng ta đã từ một tôn giáo được tạo thành từ các giới luật – chúng ta đã từ một lòng đạo được tạo thành từ các giới luật – bước sang một đức tin sống động, mà tâm điểm là sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta, nghĩa là, tình yêu. Chúng ta đã từ ách nô lệ sợ hãi và tội lỗi bước vào tự do của con cái Thiên Chúa. Ở đây, một lần nữa, là chữ tự do…

Hôm nay chúng ta sẽ cố gắng hiểu rõ hơn, đối với Thánh Tông đồ, đâu là tâm điểm của tự do này, đâu là cốt lõi của nó. Thánh Phaolô khẳng định rằng nó không hề là “cơ hội cho xác thịt” (Gl 5,13): do đó, tự do không phải là một lối sống phóng túng, theo xác thịt hay theo bản năng, ham muốn cá nhân hay những thôi thúc ích kỷ của người ta; không, trái lại, Thánh Tông Đồ viết, sự tự do của Chúa Giêsu dẫn chúng ta trở thành “tôi tớ của nhau” (đd). Nhưng đây có phải là nô lệ chăng? Đúng vậy, tự do trong Chúa Kitô có một yếu tố nô lệ, một chiều kích dẫn chúng ta đến việc phục vụ, đến chỗ sống cho người khác. Nói cách khác, tự do đích thực được thể hiện trọn vẹn trong tình yêu. Tuy nhiên, một lần nữa, chúng ta thấy mình phải đối diện với nghịch lý của Tin Mừng: chúng ta được giải phóng bằng cách phục vụ, chứ không phải làm bất cứ điều gì chúng ta muốn. Chúng ta tự do trong việc phục vụ, và tự do phát xuất từ đó; chúng ta tìm thấy mình trọn vẹn ở mức độ chúng ta tự cho mình đi. Chúng ta tìm thấy mình trọn vẹn ở mức độ chúng ta tự cho mình đi, ở mức độ chúng ta có đủ can đảm để cho chính mình đi; chúng ta có sự sống nếu chúng ta mất nó đi (x. Mc 8,35). Đấy là Tin Mừng tinh tuyền.

Nhưng phải giải thích ra sao nghịch lý này? Vì nó là một nghịch lý! Câu trả lời của Thánh Tông đồ vừa đơn giản vừa rất đòi hỏi: “bằng tình yêu thương” (Gl 5,13). Không có tự do nếu không có tình yêu. Tự do ích kỷ làm những gì mình muốn không phải là tự do, vì nó tự hướng vào chính mình, nó không sinh hoa kết trái. Nhờ tình yêu: chính tình yêu của Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta và chính tình yêu cũng giải phóng chúng ta khỏi chế độ nô lệ tồi tệ nhất, đó là sự nô lệ bản thân; do đó, tự do gia tăng cùng với tình yêu. Nhưng hãy cẩn thận: không phải bằng tình yêu vị kỷ, bằng tình yêu của một vở kịch ướt át, không phải bằng niềm đam mê chỉ tìm kiếm những gì chúng ta muốn và thích: không phải bằng điều đó, nhưng bằng tình yêu chúng ta thấy nơi Chúa Kitô, đức bác ái – đây là tình yêu thực sự tự do và giải thoát. Đó là tình yêu toả sáng trong việc phục vụ nhưng không, mô phỏng theo tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã rửa chân cho các môn đệ và nói: “Thầy đã nêu gương cho các con, các con cũng hãy làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Phục vụ lẫn nhau.

Vì vậy, đối với Thánh Phaolô, tự do không phải là “làm những gì anh chị em muốn và những gì anh chị em thích”: không. Loại tự do này, không có mục tiêu và không có điểm quy chiếu, sẽ là một thứ tự do trống rỗng, một thứ tự do của rạp xiếc: nó không tốt. Và quả thực, nó để lại sự trống rỗng bên trong: biết bao lần, sau khi chỉ làm theo bản năng, chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta chỉ còn lại một sự trống rỗng lớn bên trong và chúng ta đã sử dụng một cách tồi tệ kho tàng tự do của mình, vẻ đẹp của việc có thể chọn điều tốt thực sự cho cho chính chúng ta và cho những người khác. Tự do đích thực luôn giải phóng chúng ta, trong khi nếu chúng ta thực hành quyền tự do đó đối với những gì chúng ta thích và không thích, cuối cùng chúng ta vẫn trống rỗng. Chỉ có sự tự do này là hoàn toàn, chân chính và đưa chúng ta vào cuộc sống hàng ngày thực sự.

Trong một bức thư khác, thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Thánh Tông Đồ trả lời những người ủng hộ ý niệm không đúng về tự do. “Tất cả mọi thứ đều hợp pháp!” À, tất cả mọi thứ đều hợp pháp, có thể thực hiện chúng. Không: đó là một ý niệm sai lầm. Câu trả lời sẽ là “Đúng, nhưng không phải tất cả mọi thứ đều hữu ích”. Thánh Phaolô trả lời “Tất cả mọi thứ đều hợp pháp nhưng không phải tất cả mọi thứ đều hữu ích!”. Thánh Tông Đồ phản bác, “Tất cả mọi thứ đều đúng luật, đúng, nhưng không phải tất cả mọi thứ đều xây dựng”. Sau đó, ngài nói thêm: “Đừng ai tìm kiếm lợi ích của mình, nhưng tìm kiếm lợi ích của người lân cận”(1 Cr 10,23-24). Đó là quy luật để vạch mặt bất cứ kiểu tự do ích kỷ nào. Ngoài ra, đối với những người bị cám dỗ muốn giản lược tự do vào sở thích của riêng họ, Thánh Phaolô đặt trước họ nhu cầu tình yêu. Tự do được hướng dẫn bởi tình yêu là thứ tự do duy nhất giúp cho người khác và chính chúng ta được tự do, biết lắng nghe mà không áp đặt, biết yêu thương mà không ép buộc, biết xây dựng và không phá huỷ, không bóc lột người khác vì sự thuận tiện của mình và làm điều tốt, mà không tìm kiếm lợi ích của riêng mình. Nói tóm lại, nếu tự do không phục vụ – đây là thước đo – nếu tự do không phục vụ điều tốt, nó có nguy cơ bị cằn cỗi và không sinh hoa kết quả. Nếu tự do không phục vụ điều thiện, nó không sinh hoa kết quả. Mặt khác, tự do được tình yêu linh hứng sẽ dẫn đến người nghèo, nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô trên khuôn mặt của họ. Do đó, việc phục vụ lẫn nhau này cho phép Thánh Phaolô, khi viết cho tín hữu Galát, nhấn mạnh một điều không hề có nghĩa thứ yếu: theo cách này, khi nói về sự tự do mà các Tông Đồ khác đã trao cho ngài để rao giảng Tin Mừng, ngài nhấn mạnh rằng họ chỉ khuyến nghị một điều: nhớ đến người nghèo (x. Gl 2,10). Thật là đáng lưu ý, những gì các Tông Đồ nói sau cuộc chiến ý thức hệ giữa Thánh Phaolô và các Tông Đồ, các ngài đồng ý: “Hãy lên đường, hãy lên đường và đừng quên những người nghèo khó”, nghĩa là, mong sự tự do của bạn với tư cách một nhà rao giảng là một tự do trong việc phục vụ người khác, không phải phục vụ chính mình, làm theo ý mình.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng một trong những quan niệm hiện đại phổ biến nhất về tự do là: “tự do của tôi kết thúc nơi tự do của bạn bắt đầu”. Nhưng ở đây thiếu mối tương quan! Đó là một tầm nhìn theo chủ nghĩa cá nhân. Mặt khác, những người đã nhận được hồng ân tự do của Chúa Giêsu mang đến không thể nghĩ rằng tự do hệ ở việc tránh xa những người khác, như thể họ là một mối phiền toái; con người không thể bị coi như bị giam hãm trong chính mình, nhưng luôn luôn là một phần của cộng đồng. Chiều kích xã hội là nền tảng đối với Kitô hữu, và nó giúp họ hướng đến lợi ích chung chứ không quan tâm đến lợi ích riêng.

Đặc biệt trong thời điểm lịch sử này, chúng ta cần khám phá lại chiều kích tự do cộng đồng, chứ không phải chiều kích cá nhân chủ nghĩa: đại dịch đã dạy chúng ta rằng chúng ta cần có nhau, nhưng biết điều này mà thôi không đủ; chúng ta cần phải lựa chọn nó một cách hữu hình, để quyết định bước đi trên con đường đó, mỗi ngày. Chúng ta hãy nói và tin rằng những người khác không phải là một trở ngại cho tự do của tôi, mà đúng hơn họ là khả thể hoàn toàn thể hiện được nó. Vì tự do của chúng ta phát sinh từ tình yêu Thiên Chúa và lớn lên trong đức bác ái. Cảm ơn anh chị em.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An

Nguồn: vietcatholicnews.org

_____________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến: Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, giờ đây chúng ta xem xét quyền tự do mà chúng ta đã được kêu gọi trong Đấng Kitô. Sự sống mới mà chúng ta nhận được trong phép rửa đã làm cho chúng ta trở thành con trai và con gái của Chúa Cha và giải thoát chúng ta khỏi nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Thánh Phaolô dạy rằng sự tự do của chúng ta trong Đấng Kitô không phải là cơ hội để tự thả mình mà là sự triệu tập để trở thành “đầy tớ của nhau” (Gl 5,13) trong cộng đồng các tín hữu. Phaolô nói với chúng ta rằng chỉ có “nhờ tình yêu” (ibid.), được ban cho với lòng quảng đại phục vụ người nghèo, sự tự do của chúng ta trong Đấng Kitô mới có thể phát triển và sinh hoa trái. Chúa Giêsu đã nêu gương cho đời sống yêu thương vị tha này trong Bữa Tiệc Ly, khi trước cuộc khổ nạn cứu độ và cái chết, Người rửa chân cho các môn đệ, dạy chúng ta làm như vậy. Tự do Kitô giáo về cơ bản có một chiều kích xã hội. Những tác động của đại dịch hiện nay mời gọi chúng ta vượt qua những ý tưởng chủ nghĩa cá nhân giảm thiểu về tự do và khám phá lại khía cạnh cộng đồng sâu sắc hơn của nó. Qua việc làm chứng cho quyền năng giải phóng của ân sủng Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể giúp người khác thấy rằng sự tự do đích thực được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa và tìm thấy sự trọn vẹn của nó trong lòng nhân ái.