24/11/2024

Lắt léo chữ nghĩa: Cò bay thẳng kiếng

Lắt léo chữ nghĩa: Cò bay thẳng kiếng

Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, q.thượng, ghi nhận cò bay thẳng kiếng như vế đầu của cả câu Cò bay thẳng kiếng, chó chạy cong đuôi rồi giảng là “[tục ngữ] giàu có, ruộng đất rộng lớn”.

 

 

Đây là một câu lưu hành chủ yếu ở miền Nam để miêu tả ruộng đồng bao la, bát ngát của đại điền chủ.

Nhưng kiếng là gì? Cũng quyển từ điển này giảng kiếng là “cánh loài chim”, với nghĩa rộng là “vật có bản rộng như cánh: Kiếng cửa, cửa hai kiếng”. Trong phương ngữ Nam bộ, có một sự đối ứng giữa cặp vần ANH ↔ IÊNG ở một số từ, như: anh hùng ↔ yêng hùng; ánh sáng ↔ yếng sáng; cảnh ↔ kiểng; bộ hành ↔ bộ hiềng; mảnh chai ↔ miểng chai…

Chữ kiếng là “cánh loài chim” này, Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của ghi là “kiến” (không có -g cuối). Chữ “kiến” là “kính” trong “kính cẩn” và “kiến” là “gương soi” trong quyển tự vị này cũng viết không có -g cuối. Đây là một lối viết sai chính tả nên không thể chấp nhận làm cứ liệu để biện luận được. Có tác giả đã khẳng định “Kính (trong kính cẩn – AC) gọi là Kiến hoặc Kiếng”. Đây là một lời khẳng định sai lầm vì kiến không tương ứng với kính được.

Trong từ vựng của tiếng Hán thì cánh chim gọi là dực. Bài thơ Trường hận ca của Bạch Cư Dị có những câu:

“Tại thiên nguyện tác tỷ dực điểu Tại địa nguyện vi liên lý chi”.
nghĩa là “Trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành”

Nhưng xét về từ nguyên thì cánh trong cánh chim bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [梗] mà âm trong Quảng vận là cảnh, nghĩa là “nhánh cây, cành cây”. Từ nghĩa này, lấy hình ảnh của bộ phận chìa ra khỏi (thân cây) làm ẩn dụ, ta có từ cánh (trong cánh chim) như một điệp thức của cảnh [梗].

Đi vào tiếng Việt, chữ cảnh [梗] có nhiều biến chuyển về cách dùng. Theo Từ điển Hán Nôm của thivien.net thì chữ này còn đọc là cạnh. Đây là một từ rất thông dụng, từ cạnh bàn, cạnh ghế cho đến câu thơ Người hàng xóm của Nguyễn Bính:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu

mùng tơi xanh rờn.

Cũng theo thivien.net, lẽ ra phải đọc là cạnh thì ta thường đọc thành ngạnh với các nghĩa: cây cỏ có gai; cành cây, cọng, cuống; cây cỏ đâm vào người; ngang ngạnh, bướng; ngay thẳng… Chúng tôi suy đoán chữ [梗] mà đọc thành ngạnh là có sự đóng góp “hình âm nghĩa” của chữ ngạnh [硬] bộ thạch, là “cứng” (đối với mềm). Cũng từ âm ngạnh, ta có thêm các điệp thức ngành, ngánh, rồi nhành, nhánh.

Nếu chú ý rằng [梗] là một hình thanh tự mà nghĩa phù là mộc [木], còn thanh phù là cánh [更], mà một trong những nghĩa của cánh là “càng” trong “càng ngày càng …” thì ta còn thấy thêm rằng cảnh [梗] còn có một điệp thức nữa là càng trong càng cua, càng xe, tôm càng,… Với chữ càng, chúng tôi còn ngờ thêm rằng càng còn có một điệp thức là gọng (như trong gọng vó, gọng kính…), nhưng chưa có cứ liệu chắc chắn.

 

AN CHI

TNO