28/12/2024

Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ 621 tài khoản, bài viết có nội dung xấu, độc

Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ 621 tài khoản, bài viết có nội dung xấu, độc

Từ tháng 10.2020 đến 30.9.2021, cơ quan chức năng Việt Nam đã yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ 621 tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, ngăn chặn truy cập 4.214 trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải nội dung thông tin xấu, độc.

 

Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ 621 tài khoản, bài viết có nội dung xấu, độc - ảnh 1
Vụ “bác sĩ Trần Khoa rút máy thở người thân” lan truyền khắp mạng xã hội hồi giữa thá CHỤP MÀN HÌNH

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 do đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký, gửi tới Quốc hội, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông trong kỳ báo cáo (từ 1.10.2020 – 30.9.2021) tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.

Trong đó, hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước có dấu hiệu gia tăng mức độ nghiêm trọng, với hơn 2.500 cuộc tấn công mạng, tăng 10% so với năm ngoái.

Tình trạng rao bán, chia sẻ trái phép thông tin, dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng có chiều hướng gia tăng; vấn đề tán phát tin chưa kiểm chứng của một số “người nổi tiếng” trên mạng xã hội tạo dư luận phức tạp, nguy cơ gây bất ổn về an ninh, trật tự.

Bên cạnh đó, tình trạng mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng trên internet, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiếp tục gia tăng.

Hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng phức tạp cả về quy mô và sự đa dạng, nhất là các hoạt động cá cược khi diễn ra các giải đấu thể thao quy mô lớn, với số vụ được phát hiện tăng trên 36% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, hành vi đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng trên không gian mạng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Báo cáo này cũng cho biết đã phát hiện nhiều đối tượng lập các sàn giao dịch tài chính trái phép, kêu gọi đầu tư các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo đã kèm theo các cam kết về lợi nhuận lớn hoặc lập các trang web với mục đích lừa đảo, mua bán các sản phẩm phòng, chống dịch.

Trong đó, Công an TP.HCM và Công an TP.Hà Nội đã triệt phá 4 sàn giao dịch tiền ảo, vàng, ngoại tệ trái phép (Rforex.com, Yaibroker, Vistraforex, Exwuiss) có thể trực tiếp can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Công an TP.Hà Nội phát hiện ổ nhóm lập hơn 300 website, thực hiện 40.000 giao dịch về các sản phẩm khan hiếm trong dịch bệnh như nước rửa tay, khẩu trang y tế với hơn 7.000 nạn nhân ở 50 bang của Mỹ, chiếm đoạt 975.000 USD.

Đáng chú ý, Chính phủ cho biết từ đầu tháng 2, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách tăng cường bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay; thành lập Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia do Thủ tướng làm trưởng ban. Chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục tham mưu với Chính phủ ban hành các nghị định triển khai luật An ninh mạng…

Đồng thờii, yêu cầu Facebook, Google bố trí nhân sự thường trực 24/7 tại Việt Nam, gỡ bỏ 621 tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, ngăn chặn truy cập 4.214 trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải nội dung thông tin xấu, độc.

Tập trung đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (số vụ khởi tố mới tăng 88,82%); tạo tính răn đe, cảnh báo đối với các đối tượng có biểu hiện, điều kiện hoạt động phạm tội.

 

THÁI SƠN

TNO