Được ơn chữa lành tâm hồn tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức của ông Robert
Được ơn chữa lành tâm hồn tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức của ông Robert
Ông Francis Vanhove ở Gironde, Pháp, sau 20 năm làm việc tại một bệnh viện, và hiện nay ông đã nghỉ hưu. Ông cho biết Lộ Đức là nơi ông thường xuyên đến theo các cuộc hành hương của Giáo phận, nhưng mối liên hệ của ông với đền thánh lại rất riêng tư, đó là việc cha ông đã nhận được ơn chữa lành thể xác và tâm hồn.
Gia đình ông thường dành thời gian nghỉ hè đến thung lũng Argelès-Gazost, Lộ Đức. Trong thời gian nghỉ nếu ngày nào thời tiết không được đẹp, mẹ ông sắp xếp cho gia đình một chuyến đi nhỏ đến đền thánh với những việc làm cụ thể: kính viếng Vương cung Thánh đường Mân Côi, leo lên các mái vòm lớn, đi chặng đàng Thánh Giá trước khi đi đến hang và lấy nước phép.
Năm này qua năm khác, tất cả gia đình Vanhove đều thực hiện những chuyến nghỉ như vậy. Ông Robert, người cha gia đình không còn thực hành đức tin, nhưng vẫn cùng với vợ và 6 người con đến đền thánh.
Ông Francis kể lại: “Khoảng 40 tuổi, cha tôi bị bệnh ngoài da. Bệnh làm cho ông rất khó chịu. Gia đình chúng tôi đã đưa ông đi chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Bệnh làm cho cha tôi phải băng đôi bàn tay suốt ngày.”
Khi gia đình trở lại Lộ Đức vào cuối mùa hè năm 1960, họ vẫn thực hành những việc đạo đức theo truyền thống. Ông Francis nhớ lại: “Chúng tôi cũng xếp hàng như mọi người để được đến hang đá có nguồn nước. Khi tới nơi, mẹ tôi nói cha tôi cởi băng ở tay ra để ngâm vào nước. Sau đó chúng tôi trở về nơi nghỉ đêm. Vào buổi tối, như thường lệ mẹ tôi thay băng cho cha tôi, nhưng bà nhận thấy có điều gì đó đang thay đổi.”
Sáng hôm sau, cả gia đình đều ngạc nhiên vì đôi bàn tay của ông Robert hầu như đã trở lại bình thường. Người vợ muốn thoa thuốc lên tay ông như mỗi sáng bà vẫn làm như vậy, nhưng ông từ chối. Và rồi từ ngày đó ông không phải dùng thuốc cũng không cần phải băng tay. Ông đã được ơn chữa lành hoàn toàn.
Nếu ông Francis Vanhove đã được chứng kiến một trong những cuộc chữa lành âm thầm trong thời thơ ấu của ông, thì khi trưởng thành ông đã tái khám phá. Ông kể: “Vào năm 1999, vài tuần trước khi qua đời, cha tôi đã nhắc lại cho chúng tôi nhớ về câu chuyện đẹp với một nụ cười rất tươi.” Một ân huệ đã lãnh nhận được trong 40 năm qua, nhưng ông không nói đến vì khiêm tốn.
Ông Francis kể tiếp: “Vào tháng 7/1999, cha tôi đi hành hương Lộ Đức và tôi được bệnh viện chỉ định là người đồng hành với cha tôi. Một hôm, cha tôi nói ông muốn xưng tội trước khi tham dự Thánh lễ. Tôi ngạc nhiên, vì đây là lần đầu tiên cha tôi muốn lãnh nhận Bí tích Hoà Giải. Cha tôi đã lãnh nhận Bí tích, tham dự Thánh lễ và rước lễ một cách sốt sáng. Sau khi trở về từ Lộ Đức, cha tôi đã được biến đổi hoàn toàn, sau đó vài tháng ông sống những tháng ngày với sự thanh thản mãn nguyện.”
Khi được nghe kể lại câu chuyện này, Cha Anne-Guillaume, linh mục tuyên uý tại đền thánh trong 5 năm qua, nói: “Nếu 70 phép lạ được Toà Thánh chính thức công nhận tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức, thì bên cạnh đó không thiếu những phép lạ chữa lành linh hồn, ơn hoán cải đã xảy ra tại đây. Nhà nguyện hoà giải là một nơi chữa lành tuyệt vời nhất.” Cha cho biết khi chào đón các tín hữu hành hương cha luôn nhắc nhở họ ơn chữa lành linh hồn và thể xác biểu lộ sự gần kề của Nước Trời. Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, thuật lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt (Lc 3,17-25) chỉ ra rằng ngôi nhà là biểu tượng của Giáo hội. Và Chúa Giêsu thực hiện việc chữa lành bởi quyền năng của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Thực tế, người bại liệt là người được Chúa chữa lành và Chúa Giêsu nói với anh ta rằng tội của anh đã được tha. Đây là điều mọi người chứng kiến xảy ra mỗi ngày ở Lộ Đức: sự gần kề của Nước Trời qua ơn chữa lành. Đức Mẹ nói về điều này, bằng cách mời gọi sám hối, nhắc nhở rằng Nước Trời đã gần đến. 163 năm sau khi Mẹ hiện ra, Lộ Đức vẫn là nơi đầy ân sủng. Cho dù điều này được thể hiện theo cách thể xác hay tinh thần, đời sống nội tâm.
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-10/chua-lanh-tam-hon-lo-duc-robert.html