Tiêm ‘trộn’ vắc xin Johnson & Johnson với Moderna tăng kháng thể gấp 76 lần
Tiêm ‘trộn’ vắc xin Johnson & Johnson với Moderna tăng kháng thể gấp 76 lần
Theo một nghiên cứu sơ bộ của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) công bố ngày 13-10, những người đã tiêm mũi 1 vắc xin Johnson & Johnson nếu tiêm tăng cường mũi 2 bằng vắc xin công nghệ mRNA cho mức kháng thể vượt trội so với tiêm cùng loại.
Trong nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), các nhà nghiên cứu đã tổ chức tình nguyện viên thành 9 nhóm, mỗi nhóm khoảng 50 người.
Những người này được tiêm 1 trong 3 loại vắc xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ (Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson), sau đó là một mũi tiêm tăng cường. Có 3 nhóm được tiêm vắc xin cùng loại, 6 nhóm được tiêm nhắc lại bằng vắc xin khác.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những người được tiêm Johnson & Johnson (J&J) sau đó là mũi tăng cường Moderna có mức kháng thể tăng gấp 76 lần trong vòng 15 ngày. Trong khi đó những người được tiêm mũi tăng cường bằng J&J chỉ tăng gấp 4 lần trong cùng thời gian.
Tương tự, một mũi tiêm tăng cường Pfizer-BioNTech đã nâng mức kháng thể ở những người tiêm mũi 1 J&J lên gấp 35 lần.
Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu cảnh báo về quy mô nhỏ của nghiên cứu và chưa theo dõi các tình nguyện viên đủ lâu để xác định liệu họ có gặp phải các tác dụng phụ hiếm gặp hay không.
J&J từng được xem là “người thay đổi cuộc chơi” khi loại vắc xin COVID-19 do hãng này phát triển chỉ cần tiêm duy nhất 1 liều.
Hiện có khoảng 15 triệu người ở Mỹ đã được tiêm vắc xin của J&J và đang nóng lòng trước câu hỏi: có cần phải tiêm tăng cường mũi 2 hay không?
Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), dữ liệu J&J cung cấp để chứng minh cần phải tiêm tăng cường là “yếu”. Nghiên cứu sơ bộ được công bố ngày 13-10 chắc chắn sẽ làm nóng cuộc tranh luận quanh mũi thứ 2 vắc xin J&J, theo báo New York Times.
Ngoài J&J, FDA cũng đang xem xét mũi tiêm tăng cường cho người đã tiêm vắc xin Moderna. Một nhóm các nhà khoa học thuộc cơ quan này cho rằng không cần tiêm vì hiệu quả của mũi 2 vẫn còn cao.
Hội đồng cố vấn vắc xin của FDA sẽ họp ngày 14 và 15-10 để bỏ phiếu về việc có nên cho Moderna, J&J tiêm tăng cường hay không. Ủy ban tư vấn vắc xin của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng sẽ nhóm họp vào tuần tới để bỏ phiếu về cùng chủ đề trên.
Nếu cả 2 cơ quan cùng đồng ý, người Mỹ có thể được tiêm tăng cường vắc xin J&J, Moderna sớm nhất trong tuần tới.
Hôm 21-9, J&J công bố một kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy nếu tiêm mũi 2 khoảng 8 tuần sau mũi đầu tiên, nguy cơ bệnh nhân có triệu chứng từ nhẹ tới nặng sẽ giảm tới 94%. Mức độ hiệu quả khi tiêm 1 mũi là 74%.
Cũng theo J&J, lượng kháng thể khi tiêm mũi 2 trong vòng 8 tuần sau mũi 1 sẽ tăng từ 4 đến 6 lần. Một thử nghiệm khác cũng do J&J tiến hành cho thấy nếu tiêm mũi 2 khoảng 6 tháng sau mũi đầu tiên, lượng kháng thể sẽ tăng tới 12 lần.