27/12/2024

Hà Nội muốn treo biển báo người về từ TP.HCM, Đà Nẵng: Đừng làm tổn thương người trở về

Hà Nội muốn treo biển báo người về từ TP.HCM, Đà Nẵng: Đừng làm tổn thương người trở về

Việc Hà Nội ban đầu định cách ly tập trung, sau đó muốn treo biển cảnh báo trước nhà người về từ TP.HCM và Đà Nẵng thể hiện tâm lý phân biệt đối xử, làm tổn thương người dân trở về.

 

Hà Nội muốn treo biển báo người về từ TP.HCM, Đà Nẵng: Đừng làm tổn thương người trở về - Ảnh 1.

Hành khách đi máy bay ở Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trong những ngày đầu thí điểm khôi phục bay nội địa sau dịch – Ảnh: Q.ĐỊNH

“Gia đình có người theo dõi sức khỏe phòng chống dịch COVID-19” là nội dung trên tấm biển báo mà Sở Y tế Hà Nội gợi ý UBND các cấp hoặc người dân treo trước nhà để phòng chống dịch. Nói “gợi ý” vì CDC Hà Nội cho biết đây chỉ là khuyến khích chứ không bắt buộc.

“Làm như vậy có gây tổn thương tinh thần cho người trở về?”, một bạn đọc của Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi.

Trên thực tế, lời gợi ý đi kèm những quy định rất chặt chẽ về phòng dịch mà Sở Y tế yêu cầu người dân tuân thủ khi muốn bay từ TP.HCM hay Đà Nẵng về Hà Nội trong thời gian này.

Đó là các quy định: tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 (ít nhất 14 ngày sau mũi 2), xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ. Như vậy, có thể nói người trở về không (hoặc chưa) phải là F0 để phải áp dụng biện pháp cảnh báo bằng biển báo.

Đồng thời, về đến Hà Nội, người dân phải theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày, luôn thực hiện thông điệp 5K, thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.

Tất cả yêu cầu này đòi hỏi sự cố gắng và tốn kém trong bối cảnh khó khăn này, nhưng vì mong ngóng được trở về Hà Nội bên gia đình, thăm người thân yêu, lo toan công việc bị ngừng trệ…, hàng nghìn người dân vẫn sẵn sàng chuẩn bị và đáp ứng.

Nếu dương tính với COVID-19 hay có bất cứ triệu chứng liên quan dịch bệnh, họ phải báo cáo với cơ quan y tế để được theo dõi, giám sát, điều trị. Công an khu vực, tổ COVID-19 cộng đồng và người dân xung quanh cũng được yêu cầu thực thi vai trò “giám sát” người trở về.

Với những biện pháp chặt chẽ như vậy, có thể nói, việc gắn biển trước nhà, dù khuyến khích hay bắt buộc, là không cần thiết.

So với những yêu cầu mà người dân phải đáp ứng để được lên chuyến bay có giá vé còn rất đắt đỏ để trở về Hà Nội, đây chỉ là một yêu cầu nhỏ. Nhưng vấn đề nằm ở cách tư duy cũ, vẫn nặng tính “ngăn sông cấm chợ”, chưa kể thể hiện tâm lý phân biệt đối xử với người về từ TP.HCM, Đà Nẵng.

Lời “khuyến khích” đó lại được đưa ra khi trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính – trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 – đã yêu cầu “không cát cứ, không chia cắt” về giao thông cho người dân đi lại thuận lợi. Sự thuận lợi đó không chỉ nằm ở các chính sách, quy định mà còn thể hiện ở tâm lý, thái độ của con người.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh khái niệm “pháo đài” chống dịch không phải để các địa phương biệt lập, ra các quyết định trái với quy định của trung ương, của thành phố để “ngăn sông cấm chợ” hay “cắt khúc địa phương này, địa phương khác”.

Đặt câu hỏi “Có gây tổn thương?” là cách nói còn nhẹ nhàng. Trên thực tế, yêu cầu này gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Những người phản ứng có cả người sống ở Hà Nội, người ở TP.HCM hay Đà Nẵng đang đếm từng ngày để được trở về Hà Nội, cả những người không có ý định đi Hà Nội lúc này cũng cảm thấy bất bình.

Trong đại dịch, người dân ở các địa phương có dịch như TP.HCM, Đà Nẵng đã nhiều lần hy sinh, chịu đựng những thiếu thốn bất tiện, thậm chí đau thương mất mát trong cuộc sống thường ngày vì mục tiêu tối thượng là chống dịch.

Gia đình sống xa cách, con cái không được ở bên chăm sóc cha mẹ, nhiều kế hoạch quan trọng của cuộc đời cũng đành phải để đổ bể. Sự thiệt thòi đã kéo dài dai dẳng nhiều tháng trời.

Sự hy sinh ấy của người dân xứng đáng được trân trọng. Họ không nên bị làm tổn thương hơn nữa vì những quy định hành chính khô cứng, thiếu sự thấu hiểu đối với người trở về từ những địa phương vốn đã chịu tổn thương nặng nề vì dịch.

MI LY
TTO