24/11/2024

Lực lượng chi viện rút đi, y tế TP.HCM chuẩn bị ra sao để trị COVID-19?

Lực lượng chi viện rút đi, y tế TP.HCM chuẩn bị ra sao để trị COVID-19?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, chậm nhất ngày 15-10 lực lượng chi viện cho TP.HCM chống dịch sẽ rút. Câu hỏi là TP.HCM sẽ làm gì để khoả lấp “khoảng trống” về nhân sự.

 

Lực lượng chi viện rút đi, y tế TP.HCM chuẩn bị ra sao để trị COVID-19? - Ảnh 1.

Các giảng viên, sinh viên Trường CĐ Y tế Bạch Mai ghi lại khoảnh khắc kỷ niệm với TP.HCM trước khi chia tay TP này – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh tại TP.HCM, nhân viên y tế khắp nơi đã lên đường chi viện cho TP chống dịch. Họ chăm sóc, điều trị, tiêm chủng, xét nghiệm và vận hành các trạm y tế lưu động trong suốt hơn 3 tháng qua.

Y tế TP.HCM có thể đảm đương được?

Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức còn được gọi vui là “bệnh viện thập cẩm”, bởi là nơi nhận được sự chi viện đông đảo các lực lượng y tế từ cả nước. Theo thống kê có 11 đơn vị (bệnh viện trung ương và địa phương) với gần 500 nhân viên y tế chi viện hỗ trợ điều trị gần 3 tháng qua.

TS.BS Nguyễn Tri Thức – giám đốc điều hành bệnh viện này – chia sẻ trước đây các đoàn chi viện vẫn thường xuyên “đảo quân”, nhưng lần này rút thật sự. Có đoàn y bác sĩ từ Nghệ An và Hà Nội với 79 người đã rút, dự kiến trong các ngày tới, các đoàn còn lại sẽ tiếp tục về.

“Tất cả y bác sĩ chi viện đã làm việc hết mình, khi dịch bệnh tạm ổn, tôi nghĩ cần cho họ có khoảng thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động”, bác sĩ Thức nói và cho rằng số ca mắc, chuyển nặng giảm; các bệnh viện tầng 1 và 2 tương đối vắng bệnh nhân, do đó không còn quá lo lắng về áp lực điều trị.

“TP cũng đã chỉ đạo chúng tôi làm việc với Sở Y tế TP nhằm bổ sung lực lượng làm việc sao cho phù hợp nhất”, ông nhấn mạnh.

Còn TS.BS Nguyễn Thanh Vinh – phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng, kiêm quản lý Bệnh viện dã chiến số 10 (TP Thủ Đức) – cho hay khi lượng bệnh nhân ngày càng giảm, việc rút quân là hợp lý. “Suốt thời gian qua họ đã làm việc với 200% sức lực, nếu không có họ sẽ rất khó khăn”, bác sĩ Vinh nhận định.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Chánh Xuân – giám đốc Bệnh viện COVID-19 Củ Chi – cho hay đơn vị được chi viện của 3 đoàn y bác sĩ (70 người) từ các tỉnh. Với quy mô dự kiến trên 500 giường bệnh, bác sĩ Xuân nói rằng khoảng 1 tuần nay chỉ còn khoảng 40% bệnh nhân.

“Khi nhân lực chi viện rút, buộc chúng tôi phải cơ cấu lại nhân sự thay thế. Tuy vậy với lượng bệnh nhân ngày một giảm, chúng tôi có thể đảm đương được”, bác sĩ Xuân nói.

PGS.TS Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – khẳng định nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ các nguồn nhân lực y tế khắp cả nước, giúp ngành y tế TP triển khai đồng thời “2 mũi giáp công”, đó là mô hình điều trị 3 tầng và điều trị, chăm sóc dựa vào cộng đồng. Cả “2 mũi giáp công” này đã mang đến hiệu quả tích cực.

Lực lượng chi viện rút đi, y tế TP.HCM chuẩn bị ra sao để trị COVID-19? - Ảnh 2.

Đội ngũ y bác sĩ chi viện cho TP.HCM điều trị COVID-19 tại trung tâm hồi sức tích cực do Bệnh viện Trung ương Huế điều hành đặt ở Bệnh viện dã chiến số 14, quận Tân Phú – Ảnh: TỰ TRUNG

Bổ sung và thu hút nhân lực cho y tế cơ sở

Sở Y tế TP.HCM vừa kiến nghị bổ sung các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực y tế cơ sở. Theo đó, cần sớm bổ sung nhiều loại hình nhân viên y tế cần thiết cho hoạt động y tế cơ sở; điều chỉnh mức lương cơ bản phù hợp, mở rộng loại hình khám chữa bệnh tại nhà và cho phép xã hội hóa các hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế và có cơ chế chính sách cho y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch…

Mục tiêu “2 trong 1”

Theo thống kê, hiện TP.HCM có 10 trung tâm hồi sức cấp cứu, trong đó 3 trung tâm hồi sức lớn thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức và Trung ương Huế quản lý. Dự kiến, các trung tâm hồi sức này sau khi nhân sự rút quân vẫn được duy trì, theo hình thức sáp nhập vào các bệnh viện dã chiến gồm số 16, 13 và 14.

Cụ thể, Bệnh viện ĐH Y dược sẽ tiếp quản trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Việt Đức (dự kiến ngày 15-10); Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp quản trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai (dự kiến ngày 20-10) và Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp quản trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Trung ương Huế (dự kiến cuối năm 2021).

Để từng bước tiếp quản, từ khá lâu ngành y tế TP.HCM đã chủ động cử lực lượng y tế của nhiều bệnh viện “cắm chốt” cùng làm việc để học tập, chuyển giao kỹ thuật.

TS.BS Nguyễn Thế Vũ – phó giám đốc phụ trách Bệnh viện quận 7 – chia sẻ đơn vị được giao tiếp quản một phần công việc khi trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai rút. Gần hai tháng nay, bệnh viện đã cử 9 bác sĩ, 11 điều dưỡng sang trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai vừa học vừa làm.

Được giao nhiệm vụ tiếp quản trung tâm hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế, TS.BS Phan Văn Báu – giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 – chia sẻ khá “tự tin” về chuyên môn. Ngoài nhân sự cơ hữu đang điều trị COVID-19 tại bệnh viện, Bệnh viện Nhân dân 115 còn “chia lửa” phụ trách 300 giường hồi sức tại Bệnh viện hồi sức Thủ Đức và hỗ trợ Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh.

“Khi được giao nhiệm vụ chúng tôi sẽ rút lực lượng từ các nơi về và đảo quân liên tục, đồng thời cũng cần thêm sự hỗ trợ từ nhiều bệnh viện khác nhằm đảm bảo nhân lực chăm sóc cho các bệnh nhân ở tầng 1, tầng 2 của trung tâm hồi sức”, bác sĩ Báu nói.

Theo Sở Y tế TP, ngoài các đơn vị được phân công chính, ngành y tế sẽ điều động luân phiên thêm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố; quận, huyện đến các “bệnh viện dã chiến 3 tầng”. Đây được xem là giải pháp “2 trong 1”, nhân viên y tế vừa làm nhiệm vụ, vừa được đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu để dần “tự lập” trong tương lai.

Nếu dịch bệnh quay trở lại thì sao?

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết song song với kiến nghị đầu tư phát triển y tế cơ sở, ngành y tế TP phải tiếp tục kiểm soát ngăn ngừa dịch bệnh. Đó cũng chính là lý do mà TP chưa thể “mở toang cửa” mà phải áp dụng chỉ thị 18 “từng bước mở cửa từ từ”.

Và thời gian tới, khi các lực lượng chi viện rút quân, ngành y tế TP phải tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tránh tình trạng để số ca mắc tăng đột ngột mất kiểm soát gây quá tải hệ thống điều trị. Ngoài ra sẽ xây dựng các “ngưỡng chịu đựng” của hệ thống y tế khi số lượng ca mắc tăng. Nếu số ca mắc tăng và diễn tiến nặng nhiều, lúc đó có thể tính toán áp dụng tạm thời giãn cách xã hội trở lại.

“Tất cả các hệ thống y tế, ngay cả tiên tiến nhất, khi số ca mắc tăng quá nhanh họ vẫn có các giải pháp linh hoạt là mở ra và đóng lại theo kiểu sống chung với dịch, chứ không thể cứ mở ra hoạt động thoải mái được”, TS.BS Châu nói.

Lực lượng chi viện rút đi, y tế TP.HCM chuẩn bị ra sao để trị COVID-19? - Ảnh 5.

Dữ liệu: HOÀNG LỘC – Nguồn: Tổng hợp các báo cáo của Sở Y tế TP.HCM – Đồ họa: N.K

Rút có lộ trình, không thay đổi đột ngột

Ước tính về năng lực điều trị của ngành y tế TP, nếu đối chiếu với lộ trình chuyển trả công năng của các bệnh viện đến đầu năm 2022, TP vẫn còn duy trì trên 30 cơ sở điều trị với gần 30.000 giường (có 5.107 giường có hỗ trợ hô hấp). Điều này cho thấy ngưỡng năng lực điều trị của TP vẫn đủ sức đáp ứng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho rằng với tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng giảm, ngành y tế TP đang dần đáp ứng nhu cầu chăm sóc điều trị, cơ bản đủ sức tiếp quản khi các lực lượng chi viện rút quân.

Tuy nhiên, theo ông, ngành y tế cần phải có một hệ thống dự phòng cho tương lai, bằng việc củng cố hệ thống y tế cơ sở, thông qua điều chỉnh nhiều chính sách, cơ chế phù hợp nhằm thu hút nguồn nhân lực.

Khẳng định trong bối cảnh hiện nay, ngành y tế đang rất thận trọng trong việc theo dõi sát diễn tiến dịch bệnh; tránh tình trạng để dịch gia tăng đột biến như thời gian vừa qua dẫn đến quá tải hệ thống y tế.

“Việc rút quân vì thế cũng được xây dựng theo lộ trình, không thay đổi quá đột ngột. Khi số lượng ca bệnh giảm, các bệnh viện mới lần lượt đóng cửa hoặc dồn bệnh nhân lại một bệnh viện để tránh việc duy trì một hệ thống hồi sức kéo dài gây lãng phí”, TS.BS Vĩnh Châu nói.

Lực lượng chi viện rút đi, y tế TP.HCM chuẩn bị ra sao để trị COVID-19? - Ảnh 6.

Đồ họa: N.KHANH

Chủ động xác định ngưỡng điều trị

Từ trước ngày “mở cửa”, ngành y tế TP đã chủ động xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch đến hết năm 2021. Để “tự lập”, theo tính toán sơ bộ, hệ thống điều trị phải đảm bảo tối thiểu 900 giường hồi sức với đầy đủ máy thở, monitor và 3.000 giường có oxy. Song song đó, nguồn nhân lực y tế ngoài việc đủ về số lượng, phải có kiến thức chuyên môn cần thiết về hồi sức, truyền nhiễm.

“Đặc biệt dịch COVID-19 đã lộ rõ nhược điểm về nhân lực điều trị. Do đó ngành y tế đang chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa về hồi sức cấp cứu; truyền nhiễm nhằm sẵn sàng thay thế nguồn nhân lực của các bệnh viện khi chấm dứt chi viện”, một lãnh đạo Sở Y tế TP nói.

“Huế sẽ ở lại đến cuối năm 2021”

Bệnh viện Trung ương Huế (Bộ Y tế) là đơn vị chi viện rút quân cuối cùng khỏi TP.HCM, dự kiến cuối năm 2021. Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Phạm Như Hiệp – giám đốc bệnh viện – nói: “Vì vẫn còn bệnh nhân nặng và TP đang cần nên chúng tôi chưa rút quân. Chúng tôi sẽ ở lại cho đến khi TP hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh và sắp xếp đủ nhân sự thay thế”.

GS Hiệp cho biết từ đầu mùa dịch đến nay, lực lượng y tế của đơn vị chi viện cho TP.HCM khoảng 500 người. Việc lực lượng của đơn vị vẫn ở lại, theo ông, nhằm góp phần “san sẻ” các bệnh nhân nặng từ các bệnh viện khác.

Tháng 12-2021, bệnh viện dã chiến sẽ dừng hoạt động

6b 4(read-only)

Bệnh viện dã chiến số 6 tại TP Thủ Đức (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM vừa ký tờ trình gửi UBND TP.HCM về lộ trình tái cấu trúc các bệnh viện dã chiến trên địa bàn giai đoạn sau “mở cửa” 1-10.

Theo lộ trình này, từ cuối tháng 10 đến tháng 12-2021, các bệnh viện dã chiến của TP sẽ lần lượt ngừng hoạt động, hoàn thành “sứ mệnh” tiếp nhận chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 trong hơn 3 tháng qua.

Dừng dần dần

PGS.TS Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết tính từ đầu tháng 7-2021 đến nay, TP đã thiết lập 16 bệnh viện dã chiến (cấp thành phố) với quy mô khoảng 37.000 giường, nhiệm vụ chính là tiếp nhận điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Và sau hơn 3 tháng hoạt động, các bệnh viện còn đang điều trị 9.443 trường hợp F0.

“Các bệnh viện dã chiến TP được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, ký túc xá của trường đại học, cao đẳng nên không thể sử dụng lâu dài”, PGS.TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, để chuẩn bị cho học sinh – sinh viên các trường đại học, cao đẳng bắt đầu trở lại học tập cũng như đưa các khu nhà tái định cư phục vụ người dân, Sở Y tế TP xây dựng lộ trình ngừng hoạt động đối với các bệnh viện dã chiến này.

Theo đó, các bệnh viện lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, 11 và 12-2021. Trong đó các bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và số 5 (Thuận Kiều Plaza, quận 5) sẽ ngừng hoạt động sau cùng (cuối tháng 12-2021).

Đây là các bệnh viện được đầu tư hệ thống nguồn oxy lỏng, giường hồi sức đảm trách tiếp nhận F0 khi các bệnh viện dã chiến khác ngừng hoạt động hoặc tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện khu vực trung tâm như Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình.

Vẫn duy trì bệnh viện dã chiến quận

Song song với việc giải thể các bệnh viện dã chiến TP, Sở Y tế TP cho rằng rất cần duy trì các bệnh viện dã chiến quận, huyện nhằm đảm trách tiếp nhận các trường hợp F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Như vậy, ngoài việc duy trì 15 bệnh viện hiện có (quy mô gần 7.000 giường), Sở Y tế TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo các quận, huyện sớm thành lập (nếu chưa có) các bệnh viện dã chiến, quy mô từ 300 – 500 giường/bệnh viện, trong đó có 30 – 50 giường oxy.

Ngoài ra các bệnh viện dã chiến quận, huyện đang sử dụng cơ sở hạ tầng là trường học cần chuẩn bị phương án di dời sang cơ sở hạ tầng mới phù hợp. Ưu tiên sử dụng nguồn đất công thành lập bệnh viện để có thể sử dụng lâu dài.

HƯƠNG THẢO

Lực lượng chi viện rút dần, sẽ hỗ trợ qua telemedicine

dp_f0_3 4(read-only)

Nhân viên y tế chăm sóc cho F0 đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều bệnh viện trung ương khẳng định rút nhưng vẫn sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM điều trị từ xa.

Theo thông tin từ các bệnh viện trung ương chi viện cho TP.HCM, các y bác sĩ hỗ trợ đã rút dần từ 5-10. Dự kiến trong tuần này, Bộ Y tế và bệnh viện sẽ làm việc với TP.HCM để đánh giá xem TP cần hỗ trợ thêm những gì, đồng thời bàn giao bệnh nhân và cơ sở vật chất trước khi rút toàn bộ y bác sĩ về lại Hà Nội và Huế.

“Tình hình đã ổn hơn rất nhiều, ngày 14-10 có thể có một số trung tâm hồi sức COVID-19 bàn giao cho TP, nhưng sau khi y bác sĩ rút đi vẫn có thể hỗ trợ TP điều trị bệnh nhân nặng từ xa, qua hệ thống telemedicine”, một chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Một trong những vấn đề mà các bác sĩ nuối tiếc nhất trong đợt dịch này là tỉ lệ tử vong quá cao, con số cả nước vượt 20.000 ca, 80% trong số này ở TP.HCM, nâng tỉ lệ tử vong chung do COVID-19 tại Việt Nam lên 2,4%, cao hơn mức trung bình của thế giới là 2,04%.

Theo các bác sĩ, có nhiều lý do dẫn đến tình huống này, trong đó có việc những người có bệnh nền sau khi mắc COVID-19 tình trạng nặng hơn bình thường. Thứ 2 là giai đoạn bệnh nhân gia tăng nhanh từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9, bệnh viện quá tải và thứ 3 là tình trạng bội nhiễm và kháng thuốc.

Tại cuộc tập huấn phác đồ điều trị vừa được Bộ Y tế tổ chức, ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế – đánh giá chủng Delta lây lan nhanh, diễn tiến bệnh nặng khó kiểm soát là một trong những lý do quan trọng, bên cạnh đó còn có nguyên nhân là thiếu nhân lực y tế, đặc biệt là y bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực.

Ở giai đoạn đầu của đợt dịch này, ông Khuê cũng cho rằng một số bệnh viện của TP.HCM còn lúng túng trong chuyển viện, việc phân tầng điều trị (5 tầng là quá rộng, trong khi cả nước chia 3 tầng), việc phân chia các phòng điều trị chưa hợp lý dẫn đến chưa thuận tiện trong điều trị và chuyển viện.

LAN ANH

HOÀNG LỘC
TTO