23/01/2025

Lo lắng, căng thẳng làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện vì Covid-19

Lo lắng, căng thẳng làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện vì Covid-19

Nghiên cứu cho thấy căng thẳng, lo lắng làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19, theo Verywellmind.

 

Những người có tinh thần bất ổn và phải uống thuốc để giảm lo lắng, trầm cảm, có nguy cơ tử vong do Covid-19 cao hơn nhiều.

Lo lắng, căng thẳng làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện vì Covid-19 - ảnh 1
Nghiên cứu cho thấy căng thẳng, lo lắng làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19  SHUTTERSTOCK

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Hiệp hội Thần kinh châu Âu, đã xem xét dữ liệu của 33 nghiên cứu từ 22 quốc gia. Dữ liệu bao gồm thông tin về 1.469.731 người mắc Covid-19, với gần 44.000 người trong số đó gặp các vấn đề về tinh thần.

Kết quả đã tìm thấy bằng chứng những người có vấn đề về tinh thần, nếu mắc Covid-19 có nguy cơ nhập viện hoặc tử vong cao gấp đôi so với những bệnh nhân khác.

Những người bị rối loạn về tinh thần và tâm trạng bất ổn và những người phải uống thuốc điều trị lo lắng, trầm cảm và rối loạn tinh thần, cũng nằm trong số những nhóm dễ tử vong nhất do Covid-19, theo Verywellmind.

Lo lắng, căng thẳng làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện vì Covid-19 - ảnh 2
Nhiều người căng thẳng do quá lo lắng về việc mắc Covid-19 SHUTTERSTOCK

Mối liên quan giữa tinh thần và Covid-19

Tiến sĩ Thomas Kannon, Phó giáo sư và Phó trưởng khoa Điều dưỡng trực tuyến sau đại học, Đại học Shenandoah ở Winchester, Virginia (Mỹ), cho biết yếu tố chính là căng thẳng do lo lắng và trầm cảm có thể ngăn chặn hệ thống miễn dịch. Người lo lắng, căng thẳng có mức cortisol cao hơn, thường ngủ ít hơn, ngủ không ngon giấc và ít chăm sóc bản thân. Họ cũng không chăm lo việc ăn uống, tập thể dục và vệ sinh. Tất cả những điều này góp phần làm tăng nguy cơ tiếp xúc với Covid-19, tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng Covid-19, theo Verywellmind.

Căng thẳng mạn tính cũng có thể làm cho vắc xin kém hiệu quả. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng căng thẳng dẫn đến phản ứng kháng thể giảm, có nghĩa là ít khả năng bảo vệ chống lại bệnh hơn.

Thử nghiệm trước đây đã phát hiện ra rằng những người lạc quan, không bị căng thẳng – nếu tiêm chủng, vắc xin sẽ hoạt động tốt hơn, theo Vox.

Nghiên cứu trước đây cho thấy những người sống tích cực và vui vẻ có phản ứng kháng thể tốt hơn với việc tiêm chủng.

Nguyên nhân có thể vì cả lý do hành vi và sinh học thần kinh. Khi bị căng thẳng, mọi người có thể hành xử theo những cách làm tổn thương hệ miễn dịch, như uống rượu hoặc ngủ không đủ giấc.

Căng thẳng cũng ảnh hưởng đến nồng độ của nhiều hoóc môn, kể cả cortisol, tác động đến việc sản xuất kháng thể, theo Vox.

Căng thẳng, lo lắng khiến cơ thể tiết ra cortisol và các hoóc môn khác khiến cơ thể luôn ở trạng thái cảnh giác cao.

Người có mức cortisol cao mạn tính do bị căng thẳng, sẽ tạo ra rất nhiều cytokine gây viêm.

Mức độ cao của cytokine cũng đã được ghi nhận trong các trường hợp nghiêm trọng của Covid-19.

Các nghiên cứu cũng cho thấy nồng độ cortisol cao có liên quan đến mắc Covid-19 nghiêm trọng, theo Vox.

Trong một nghiên cứu gần đây trên 535 người được công bố trên tạp chí The Lancet, những người mắc Covid-19 có mức cortisol cao hơn nhiều so với những người không mắc bệnh.

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy nồng độ cortisol tăng gấp đôi có liên quan đến tỷ lệ tử vong tăng 42% do Covid-19, theo Vox.

Các nhà khoa học đang tìm kiếm các mối liên quan trực tiếp khác giữa căng thẳng mạn tính và Covid-19.

THIÊN LAN

TNO