24/12/2024

Cuộc ‘di dân giáo dục’ gượng ép

Cuộc ‘di dân giáo dục’ gượng ép

Ví von hoạt động dạy học online là một cuộc ‘di dân giáo dục’ lên không gian số, nhà nghiên cứu Nguyễn Thúy Uyên Phương nhận định nhiều nước đã chủ động có kế hoạch cho hoạt động này trong khi Việt Nam khá gượng ép và vội vàng.

 

Cuộc di dân giáo dục gượng ép - Ảnh 1.

Trang thiết bị, hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong dạy học online. Trong ảnh: một học sinh lớp 7 ở TP.HCM trong giờ học trực tuyến – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM, nói: “Chúng ta chỉ mới nghĩ về việc học online như một hình thức ứng phó khẩn cấp trong dịch bệnh hơn là có một chiến lược đàng hoàng cho nó, nên mới dẫn đến những lúng túng khi triển khai như hiện nay”.

Dừng hay tiếp tục?

* Một số tỉnh thành tiếp tục duy trì dạy học online, một số nơi lại dừng, quan điểm của bà về việc này như thế nào?

– “Học online không hiệu quả” – tôi cho rằng đây là kết luận có phần vội vã và chủ quan, nhất là khi nó đến từ những người làm quản lý giáo dục. Theo tôi, câu hỏi cần đặt ra đối với vấn đề này là: Học online không hiệu quả là do bản chất của hình thức học tập này đã không ổn sẵn, hay là bởi vì chúng ta chưa làm tốt những gì cần làm để trở nên hiệu quả?

Nếu cho rằng vấn đề nằm ở bản chất hình thức học online, tôi e rằng không đúng lắm. Vì nhìn ra thế giới, chúng ta thấy nhiều quốc gia khác đã cho học sinh của họ học online suốt hai năm nay, không chỉ với các cấp lớn mà cả học sinh mẫu giáo, tiểu học. Hay ngay ở Việt Nam, vẫn có những trường học đã chuyển đổi được chương trình giáo dục của họ lên online rất hiệu quả.

Nhìn dưới góc độ kinh tế, “thị trường” học tập online toàn cầu hiện được định giá là có giá trị lên đến 100 tỉ đôla và được dự đoán còn tăng đến 300 tỉ đôla vào năm 2026. Động lực chính cho sự tăng trưởng này, theo các nhà đầu tư thế giới, đến từ phân khúc học sinh dưới 14 tuổi. Nếu hình thức này là không ổn và không có triển vọng thì chắc chắn sẽ không có những con số này.

* Vậy theo bà, nên tiếp tục hay dừng việc dạy học online?

– Việc dừng hay không dừng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Vì trong bối cảnh hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết khi nào thì dịch bệnh chấm dứt và là đủ an toàn để học sinh quay trở lại trường.

Việc dừng học trong thời gian dài mà không có phương án thay thế đủ hiệu quả, trước hết sẽ làm gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục. Vì trong lúc học sinh Việt Nam dừng học, học sinh thế giới vẫn tiếp tục học. Trong lúc học sinh nông thôn dừng học thì học sinh thành thị vẫn tiếp tục học.

Khoảng cách sẽ ngày càng lớn hơn giữa các học sinh được tiếp cận một chương trình học trực tuyến tốt với những học sinh mà việc học của các em trong giai đoạn dịch bệnh không được chăm lo tốt. Đó không chỉ là thiệt thòi trước mắt, mà còn ảnh hưởng đến cơ hội việc làm, cơ hội thành công của các em trong tương lai.

Tôi hy vọng nếu buộc phải dừng lại, thì sự dừng lại này là tạm dừng lại để sau đó bước tiếp, không phải là dừng lại mãi mãi.

Có một câu châm ngôn rằng: Đừng để năng lực của người thầy là giới hạn cho ước mơ của học sinh. Thế hệ học sinh ngày nay là thế hệ sinh ra hoàn toàn trong thời đại Internet, và vì vậy nếu nhìn theo cách tích cực, việc học online có thể là cơ hội để trang bị cho các em khả năng thích ứng với những phương thức học tập mới dựa vào công nghệ. Vấn đề là chúng ta, những người làm giáo dục, đã làm hết sức để dẫn dắt các em trên hành trình mới này hay chưa?

Bà NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG

Cần một chiến lược

* Để dạy học online hiệu quả, cần có một chiến lược thực thi nào, thưa bà?

– Theo tôi, để chuyển đổi online hiệu quả, cần có chiến lược thực thi bao quát cả bốn yếu tố sau đây: môi trường học tập online, chương trình và học liệu giáo dục số, phương pháp sư phạm của giáo viên, tâm thế của học sinh và phụ huynh.

Những vấn đề về môi trường học tập đã bộc lộ rõ ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện việc dạy học theo hình thức này, khi mà đường truyền liên tục nghẽn, nhiều học sinh và cả giáo viên không có máy tính, thiết bị đủ tốt.

Nhiều trường học, giáo viên vẫn triển khai dạy online theo cách: bình thường dạy sao thì nay bê nguyên xi lên phần mềm như vậy mà không tiến hành các bước tinh gọn chương trình để đi vào phần “chất”, khiến học sinh vẫn cứ phải cắm mặt vào máy tính từ sáng đến tối để cho đủ phần “lượng”.

Các nguồn học liệu hỗ trợ cho việc giảng dạy trên môi trường số của giáo viên còn ít ỏi và chỉ giới hạn ở một số môn chính.

Tâm thế của học sinh và phụ huynh là một yếu tố có tác động rất lớn. Việc học online đòi hỏi học sinh phải có thói quen tự học và tự quản tốt, do cô trò chỉ kết nối với nhau qua một cái màn hình.

Học sinh Việt Nam nhìn chung là có thói quen học tập khá thụ động, do đã quen với việc học trong một môi trường do người lớn quản thúc. Các phụ huynh bình thường chỉ “giao con cho trường” là xong, nay bỗng nhiên lại phải đồng hành cùng việc học của con nên cũng thấy áp lực, căng thẳng.

Nhiều gia đình còn có người nhiễm COVID-19, bị cách ly, bị mất việc nay lại thêm gánh nặng này thì càng thấy mệt mỏi hơn.

Người vất vả nhất

Giáo viên là những người tội nghiệp và vất vả nhất trong cuộc “di dân” này. Họ như những người phải nhận nhiệm vụ “đi đầu khai hoang” nhưng không được chuẩn bị đầy đủ, cả về mặt tâm thế lẫn về mặt công cụ. Các nội dung tập huấn cho giáo viên trên diện rộng hầu hết dừng ở mức độ “đắp vội” các kỹ năng về ICT, về sử dụng phần mềm dạy học.

Một số ít trường đã chủ động tập huấn giáo viên ở những chủ đề giáo viên như hiểu tâm lý học sinh trên môi trường online như thế nào, các phương pháp để tổ chức bài giảng, để thiết kế các hoạt động tương tác ở học sinh ra sao…

Và theo quan sát của tôi, những trường đầu tư cho việc này đều gặt hái được thành công với chương trình online của mình.

Bắt đầu từ đâu?

* Cần làm gì để thực thi chiến lược chuyển đổi sang dạy học online hiệu quả?

– Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương: Cần bắt đầu với những việc dễ nhất và có thể thực hiện nhanh nhất, đó là cải thiện các trang thiết bị và hạ tầng dạy học online cho học sinh và giáo viên. Cần có các chương trình hỗ trợ giáo viên mua máy tính giá rẻ hoặc quỹ hỗ trợ máy tính cho học sinh nghèo. Nên miễn phí hoặc ưu đãi gói cước Internet cho giáo viên và học sinh.

Nhiều người nghĩ rằng những việc nào cần đến tiền thì sẽ khó. Tôi lại cho rằng cái gì mua được bằng tiền lại không phải là thứ khó nhất. Những việc liên quan đến chuyển đổi thói quen của con người mới khó và mất thời gian hơn nhiều.

img_8907 6-10 1(read-only)

Một học sinh tiểu học ở Bà Rịa – Vũng Tàu học online – Ảnh: N.HUY

Ví dụ như việc thay đổi những thói quen cũ trong việc dạy – học của giáo viên và học sinh, hay trong chuyện dạy con của phụ huynh… Cần có thời gian, có lộ trình từng bước một để thay đổi nhận thức và “cài đặt” những thói quen mới vào trong mỗi nhà trường, mỗi gia đình.

Với giáo viên, đó là thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng chủ động. Với học sinh, đó là nâng cao khả năng tự học và tự quản. Với cha mẹ, đó là việc kiên nhẫn cùng con và cộng tác với nhà trường.

Quan trọng hơn, cần truyền thông để nâng cao sự thấu cảm và tinh thần hợp tác giữa các mắt xích này, vì chỉ một bên nỗ lực thì khó tạo ra kết quả.

Về việc xây dựng các nguồn học liệu số, vì mỗi môn học là một kho kiến thức rộng lớn nên tôi nghĩ sẽ rất lâu nếu Bộ Giáo dục – đào tạo cứ tự làm một mình. Nên kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng giáo dục, nhất là từ sự sáng tạo của các giáo viên; cũng như không nên phân biệt công-tư, tránh tư duy độc quyền trong việc cung cấp học liệu.

THẢO THƯƠNG thực hiện
TTO