Khai mạc công đồng toàn quốc Australia
Khai mạc công đồng toàn quốc Australia
Tiến trình chuẩn bị
Cách đây 5 năm, hồi tháng 11 năm 2016, đứng trước nhiều thách đố mà Giáo hội Công giáo tại Australia phải đương đầu, các giám mục nước này đã quyết định xin Toà Thánh cho phép triệu tập một Công đồng toàn quốc để tìm cách đáp ứng các thách đố. Lời thỉnh cầu này đã được Toà Thánh chấp thuận và tiến trình chuẩn bị đã bắt đầu từ năm 2018.
Các thách đố
Đức cha Anthony Fisher O.P, Tổng Giám mục Giáo phận Sydney, giáo phận lớn nhất tại Australia, với 647.000 tín hữu Công giáo, cho biết cộng đoàn Giáo Hội tại nước này vẫn còn rất nhiều tiềm năng về nhiều mặt. Các tổ chức từ thiện và an sinh của Giáo Hội đứng thứ hai trong nước. Nhưng rồi cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, và cuộc điều tra sau đó của Uỷ ban Hoàng gia về các vấn đề này đã kéo theo những phê bình chính đáng và sự thất vọng dễ hiểu của nhiều tín hữu, những điều tra liên tục và những yêu cầu cải tổ Giáo Hội được đề ra, không những để đảm bảo cho mọi tổ chức của Giáo Hội trở thành nơi an toàn đối với các trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương, nhưng còn thăng tiến sự minh bạch và tinh thần trách nhiệm trong mọi lãnh vực của đời sống Giáo Hội.
Trào lưu tục hoá
Đức Tổng Giám mục Fisher cũng nhận định rằng trào lưu tục hoá làm cho nền văn hoá và hệ thống chính trị không còn những nền tảng vững chắc, nhiều người không có những chỉ nam luân lý đạo đức, quá nhiều người đánh mất ý nghĩa cuộc sống và hy vọng. Tình trạng nay đã đảo lộn đời sống của nhiều tín hữu Công giáo, làm hao mòn căn tính của một số tổ chức của Giáo Hội, làm suy yếu niềm tin của nhiều người trẻ và góp phần vào sự xa lìa đời sống Giáo Hội.
Thực hành đạo sa sút
Con số tín hữu Công giáo thực hành đạo tại Australia suy giảm nhiều. Số người tham dự Thánh lễ Chúa Nhật đều đặn xuống dốc mạnh mẽ: từ 75% trong thập niên 1950 xuống còn khoảng 10% như hiện nay. Việc lãnh nhận Bí tích Hoà Giải cũng xuống dốc rất nhiều so với trước đây, mặc dù tội lỗi các tín hữu phạm không suy giảm. Cả bí tích rửa tội và hôn phối cũng bị sa sút. Tình trạng này phản ánh sự giảm sút trong việc cầu nguyện thường xuyên.
Đức Tổng Giám mục Giáo phận Sydney nói: “Gia đình, giáo xứ và trường học tại Australia vốn là những nguồn mạch truyền thống mang lại tinh thần sáng tạo theo Tin Mừng, nhưng nay chúng ta phải nhận thực cả 3 đang bị áp lực đủ loại.”
Ơn gọi linh mục và tu sĩ tại Australia cũng bị khủng hoảng và suy giảm. Hồi thập niên 1960, con số chủng sinh trong các chủng viện vào khoảng 1.500 thầy, nhưng nay chỉ còn khoảng 200, trong đó hơn một nửa là những người sinh ở nước ngoài. Cả những người dấn thân trong đời sống hôn nhân cũng giảm sút.
Trong bối cảnh này, Công đồng toàn quốc Australia cũng nhắm tìm kiếm phương thức giúp các tín hữu trở lại với việc thực hành đạo, tham gia tích cực vào đời sống phụng vụ.
Tự do tôn giáo bị đe doạ
Trước đây, tự do tôn giáo được coi là điều dĩ nhiên tại Australia. Nhưng hiện thời, theo Đức Tổng Giám mục Fisher, tự do này đang bị suy giảm. Có những người cho rằng việc bảo vệ tự do tôn giáo bị lạm dụng như khí giới để chống lại một nhóm nào đó, tuy rằng thành tích của nền giáo dục Công giáo tại đây vẫn còn mạnh mẽ, bao gồm mọi người và không hề loại trừ hay kỳ thị ai. Những thách đố hiện nay chống tự do tôn giáo đe dọa chính khả năng của Giáo Hội trong việc tuân giữ, thăng tiến và bảo vệ đức tin, đời sống mục vụ, giáo huấn về luân lý và kỷ luật. Vì thế, Đức Tổng Giám mục Fisher nói: “Tôi hy vọng Công đồng toàn quốc này sẽ giải quyết vấn đề: chúng ta phải làm gì về việc loan báo Tin Mừng cho nền văn hoá và giáo dục cộng đồng xã hội để họ cởi mở đón nhận hơn đối với Giáo Hội… Chúng ta đã thấy sự thù nghịch và phủ nhận ngày càng gia tăng đối với lập trường của Kitô giáo về sự quý giá của đời sống con người, về bản chất con người kể cả thân xác, về tính dục, hôn nhân và gia đình. Công đồng toàn quốc phải đưa ra giải pháp đứng trước hai vấn đề: tôn trọng gia đình và sự sống tại Australia. Làm sao chúng ta có thể phổ biến Tin Mừng về sự sống và tình thương đứng trước bao thế lực văn hoá thù nghịch, và những thách đố từ phía luật pháp. Làm sao Giáo Hội là tiếng nói của những người không tiếng nói và bảo đảm rằng chúng ta ở đây là để phục vụ họ.”
Đứng trước những thách đố và các vấn đề đó, theo Đức Tổng Giám mục Fisher Công đoàn toàn quốc Australia cũng là một cơ hội đưa ra những quyết tâm và sáng kiến mới để sống và hoạt động tốt đẹp hơn trong những thập niên đang tới. Ngài nói: “Tôi hết sức tin tưởng rằng nhờ ơn Chúa, chúng ta có dân, có đức tin và lòng quảng đại để thực hiện những đường hướng được đề ra trong Công đồng này.”
Các giai đoạn
Trong 3 năm qua, tiến trình chuẩn bị Công đồng toàn quốc Australia đã bắt đầu bằng giai đoạn lắng nghe và đối thoại: hơn 220.000 người đã tham gia. Họ trả lời câu hỏi: “Theo bạn, Thiên Chúa đang yêu cầu chúng ta làm gì tại Australia trong thời đại ngày nay?” Các ý kiến của những người tham gia được soạn thành 17.457 bản góp ý kiến. Có những người muốn Giáo Hội đi xa hơn trong việc cải tổ như truyền chức linh mục cho nữ giới, chấp nhận các linh mục có gia đình, lập hệ thống kiểm soát của các chuyên gia đối với các linh mục, xác định cách thức chi tiêu của các giáo xứ, cởi mở đón nhận những người đồng tính luyến ái, đổi giống và lưỡng giống, thay đổi thái độ của Giáo Hội đối với phụ nữ…
Sang đến giai đoạn thứ hai là lắng nghe và phân định. Các tín hữu Công giáo trên toàn quốc tham gia các khoá họp, với tâm trí cầu nguyện, để tiếp tục gửi các bản góp ý.
Năm ngoái, 2020, danh sách 278 thành viên đã được công bố, trong đó có các đại biểu do các giáo phận đề cử, các bề trên dòng tu và các lãnh vực khác của Giáo Hội. Danh sách được phổ biến trên trang mạng của Công đồng, Phần lớn các thành viên tham dự với quyền biểu quyết được ấn định theo khoản số 443 của Giáo luật hiện hành. Ngoài các thành viên còn có những người tư vấn và quan sát viên.
Hồi tháng 2 năm nay, tài liệu làm việc của Công đồng này đã được công bố và nói đến 16 vấn đề cần được thảo luận và biểu quyết: những vấn đề như về hình thái của Giáo Hội và cách thức làm thừa sai trong thế giới tân tiến, để đi tới các khu vực “ngoại ô” của cuộc sống, đáp ứng các nhu cầu của những người yếu thế nhất, cũng như trách nhiệm hàn gắn vết thương của các nạn nhân do nạn lạm dụng tính dục gây ra. Trong thời gian qua đã có những khóa họp để huấn luyện các đại biểu tham dự Công đồng.
Đức Cha Timothy Costelloe, Tổng Giám mục Giáo phận Perth, Chủ tịch của Công đồng toàn quốc Australia, nói rằng: “Chúng ta được kêu gọi cứu xét xem làm thế nào chúng ta có thể là một Giáo Hội ở ‘ngoại ô’ chào đón mọi người trong các cộng đoàn của chúng ta và biểu lộ khuôn mặt của Chúa Kitô cho thế giới.”
Theo giáo luật số 446, các quyết định được Công đồng toàn quốc Australia thông qua sẽ được gửi về Toà Thánh để cứu xét. Giai đoạn kế tiếp là thông báo các nghị quyết được phê chuẩn và sẽ được trình bày trong sắc luật được công bố, và sẽ được áp dụng cho toàn thể Giáo Hội tại Australia.
G. Trần Đức Anh, OP
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-10/cong-dong-toan-quoc-australia.html