23/12/2024

Quy tắc ứng xử nhắc nghệ sĩ không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng để trục lợi

Quy tắc ứng xử nhắc nghệ sĩ không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng để trục lợi

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đang được Bộ VH-TT&DL đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Bên cạnh những tán thành, ủng hộ cũng còn những băn khoăn về tính hiệu quả, những cân nhắc về một số quy tắc.

 

Quy tắc ứng xử nhắc nghệ sĩ không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng để trục lợi - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Xuân Bắc (thứ 3 từ trái qua) trong chuyến tặng quà cho bà con ở Khâm Thiên (Hà Nội), anh ủng hộ việc ra đời bộ quy tắc ứng xử – Ảnh: Facebook Xuân Bắc

Đối tượng của bộ quy tắc là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, ở các lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật và nhiếp ảnh nhưng không có văn học.

Phạm vi áp dụng khá rộng, bao gồm hành vi ứng xử của nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, với công chúng và khán giả, khi tham gia các hoạt động xã hội, báo chí, truyền thông và mạng xã hội.

Minh bạch từ thiện, quảng cáo trung thực

Dự thảo đưa ra những quy tắc ứng xử chung như: đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết; trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật; gương mẫu chấp hành, thượng tôn pháp luật; giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật.

Trong từng hoạt động và mối quan hệ cụ thể, bộ quy tắc đưa ra những quy tắc riêng. Ví dụ, trong hoạt động nghề nghiệp, người nghệ sĩ cần có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi cái mới, cái hay để phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống.

Bộ quy tắc yêu cầu nghệ sĩ không được sáng tác, phổ biến, lưu hành, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng.

Với công chúng, nghệ sĩ phải tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp; ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện và xây dựng hình ảnh đẹp của người hoạt động nghệ thuật. Và đặc biệt là “không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân”.

Trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội, bộ quy tắc khuyến khích nghệ sĩ sử dụng tài khoản mạng xã hội của cá nhân để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác; không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật.

Khi tham gia các hoạt động xã hội khác, nghệ sĩ cần nêu cao tinh thần tương thân tương ái; thực hiện, phối hợp thực hiện hiệu quả các phong trào, hoạt động từ thiện, nhân đạo theo quy định pháp luật; dùng uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn.

Đặc biệt, nghệ sĩ phải công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội; không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân. Khi tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.

Quy tắc ứng xử nhắc nghệ sĩ không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng để trục lợi - Ảnh 2.

Đại Nghĩa, Mỹ Tâm, Quyền Linh… lâu nay vẫn được coi là những cái tên vàng trong làng từ thiện

Ít hiệu quả?

Việc Bộ VH-TT&DL xây dựng dự thảo bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ trong bối cảnh thời gian qua có nhiều lùm xùm liên quan tới nghệ sĩ làm từ thiện hay quảng cáo sai sự thật, phát ngôn không chuẩn mực trên mạng xã hội đã nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của dư luận.

Nhưng bên cạnh những người ủng hộ, cũng có một số ý kiến cho rằng bộ đã coi các nghệ sĩ như “con nít” để phải đưa ra bộ quy tắc riêng về ứng xử với những quy định như phải tôn trọng đồng nghiệp đi trước, phải tôn sư trọng đạo…

Lãnh đạo một nhà hát tại Hà Nội góp ý quy tắc “bảo vệ đồng nghiệp” còn lỏng lẻo bởi nếu đồng nghiệp đúng thì bảo vệ mới đúng, chứ bảo vệ đồng nghiệp làm sai thì lại thành sai.

Về ý kiến cho rằng bộ quy tắc có thể không cần thiết, NSƯT Xuân Bắc – giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam – nói đây không phải văn bản quy phạm pháp luật, chỉ là bộ quy tắc đưa ra để những người hoạt động trong lĩnh nghệ thuật tham khảo mà điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

Phần lớn bộ quy tắc này đều nằm trong những nguyên tắc ứng xử mà mỗi người nghệ sĩ (chân chính và có nhận thức đầy đủ) đã phải luôn thực hiện mà không cần phải đưa ra bộ quy tắc.

Vì vậy, “ai thấy nó không phù hợp với mình hoặc thấy mình đã quá thuộc các quy tắc này rồi, mình vẫn thực hành hằng ngày thì bỏ qua. Còn ai thấy mình luôn cần phải soi lại những hành vi, cử chỉ, thái độ, hoạt động nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội khác thì hãy lưu tâm”.

Với Xuân Bắc, ông cho biết mình “cực kỳ vui mừng khi có bộ quy tắc ứng xử này để soi chiếu chính mình”.

Còn từ góc độ các chuyên gia pháp lý, ông Nguyễn Quang Đồng – chuyên gia chính sách công – cho rằng hiệu quả của bộ quy tắc là đáng nghi ngờ vì quy tắc thì không có chế tài xử phạt.

Chưa kể, “bộ không phải là nơi ban hành quy tắc ứng xử, mà có nhiệm vụ tư vấn và đề xuất Chính phủ ban hành quy định cụ thể (ở cấp độ nghị định) để điều chỉnh hành vi, nếu bộ thấy cần thiết. Bộ chỉ nên làm việc với các hội nghề nghiệp để hỗ trợ thúc đẩy các hội ban hành quy tắc ứng xử”, ông Đồng cho ý kiến.

Trong phần tổ chức thực hiện, dự thảo có đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí “cân nhắc sử dụng hình ảnh của người hoạt động nghệ thuật không thực hiện nội dung quy tắc ứng xử này”.

Ông Lê Minh Tuấn – phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nơi xây dựng bộ quy tắc này – cho biết bộ chỉ “đề nghị cân nhắc”. Ông cũng nói thêm: cục này vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý của đông đảo người dân trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, sửa đổi cho hoàn chỉnh.

Bộ quy tắc ứng xử là cần thiết để một bộ phận nghệ sĩ phải nhìn lại

Những năm gần đây mạng xã hội phát triển giúp ích cho nhiều lĩnh vực trong đó có văn hóa nghệ thuật, giúp người nghệ sĩ có thể dễ dàng giới thiệu sản phẩm nghệ thuật đến với công chúng, bày tỏ cảm xúc trực tiếp thông qua trang cá nhân đến với khán giả.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một bộ phận nghệ sĩ thiếu tiết chế, thiếu cân nhắc, thoải mái phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội, tung những sản phẩm kém chất lượng, bày chiêu trò…

Bộ quy tắc ứng xử ra đời là cần thiết để một bộ phận nghệ sĩ phải nhìn lại, điều chỉnh hành vi, phát ngôn của mình. Tuy nhiên trong bộ quy tắc ứng xử, tôi thấy có những cái thiếu mà cũng có những cái thừa.

Ví như sự lễ phép, tôn trọng… thuộc về sự hình thành đạo đức, nhân cách của mọi người nói chung trong xã hội, mỗi nghệ sĩ lại có cá tính riêng nên chúng ta không nên ép họ rập khuôn.

Quyết liệt nhất là tập trung xây dựng chi tiết để điều chỉnh những hành vi, lời nói không đúng đắn, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội vì nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng đến công chúng.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt (trưởng khoa kịch hát dân tộc
Trường ĐH Sân khấu – điện ảnh TP.HCM)
– Linh Đoan ghi

THIÊN ĐIỂU
TTO