Chung tay bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19: Xót thương những bé sơ sinh mất mẹ ở TP.HCM
Chung tay bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19:
Xót thương những bé sơ sinh mất mẹ ở TP.HCM
Những ngày qua, chúng tôi rong ruổi khắp các nẻo đường của TP.HCM đi thăm, động viên, an ủi các trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, rồi nghẹn lòng trước những hoàn cảnh trẻ sơ sinh mất mẹ.
Bé gái 6 ngày tuổi đã mất mẹ
Gần 1 tháng qua, vợ chồng bà Phạm Thị Ngoan (59 tuổi, ở 178/3 Lê Văn Quới, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) cố nén nỗi đau mất đi người con gái bị nhiễm Covid-19, dồn sức chăm sóc cho cháu ngoại mồ côi mẹ khi mới sinh được 6 ngày tuổi.
Ôm cháu ngoại vào lòng, nhắc đến con gái, bà Ngoan lại khóc. Bà Ngoan kể khi dịch Covid-19 bùng lên, con gái bà là chị N.T.N.B (36 tuổi), giáo viên mầm non tại Q.11, TP.HCM ở cùng với bà vì chồng chị B. bị dương tính Covid-19, khu vực nhà chồng chị B. cũng nhiều người dương tính. Chị B. lúc đó đang mang thai tháng thứ 7.
“Ngày 17.7, B. xin tôi về bên nhà chồng vì chồng nó âm tính rồi. Tôi cũng tự tin là bên đó ổn rồi nên cho B. và con trai 4 tuổi của B. cùng về bên đó”, bà Ngoan cho biết. Thế rồi ngày 25.7, bà Ngoan không ngủ được khi nghe chị B. báo tin chị bị dương tính Covid-19, phải đến Bệnh viện Hùng Vương điều trị. Sau nhiều ngày theo dõi, điều trị, bệnh tình chị B. càng trở nặng. Ngày 4.8, bác sĩ ở đây buộc phải mổ bắt con cho chị B. khi tim thai ngừng đập. Con gái chị B. lọt lòng với cân nặng chỉ 1,5 kg, phải nuôi lồng kính. Sau khi sinh con, chị B. tỉnh táo và khỏe lên, tuy nhiên sau đó thì chị trở nặng và mất vào ngày 10.8, sau 6 ngày sinh con gái.
Nén nỗi đau mất đi người con có hiếu, ngoan hiền, ngày 23.8, bà Ngoan ẵm cháu gái về nhà chăm sóc theo phương pháp Kangaroo, tức áp bé vào người chăm sóc 24/24 để bé lớn dần. “Thương cháu, tôi hay nói nhỏ với B., từ nay mẹ sẽ bớt thương con, bớt nhớ con để lo cho cháu. Mẹ vừa xót, vừa nhớ con, vừa thức khuya lo cho cháu nữa thì mẹ không kham nổi”, bà Ngoan nói rồi lại khóc.
Khi đón cháu gái về nhà, vợ chồng bà Ngoan không có chút kinh nghiệm hay kiến thức gì về nuôi bé sinh non. Thế là bà phải đổi chiếc ti vi mới để vừa chăm cháu, vừa lên ti vi xem hướng dẫn chăm sóc trẻ sinh non. “Có lần cháu bị sặc sữa, tím tái, may có ông ngoại bình tĩnh cứu kịp, nếu không tôi không biết làm sao”, bà Ngoan nhớ lại. Bây giờ thì cháu gái của bà Ngoan đã quen uống sữa, quen hơi bà ngoại và lớn dần.
|
Vợ chồng bà Ngoan cả tháng nay bỏ công việc may quai dép, chỉ tập trung vào chăm cháu. “Tôi vất vả lắm mới nuôi được hai con gái lớn khôn, ăn học và có nghề nghiệp ổn định. Nay đã tới tuổi hưởng an nhàn. Nào ngờ, dịch bệnh đẩy vợ chồng tôi vào hoàn cảnh như thế này”, bà Ngoan lại thở dài.
Bà Ngoan dự tính, tới đây khi tình hình dịch ổn dần, có thể bà sẽ đón con trai đầu của chị B. về chăm luôn cho có anh có em. Chồng chị B. làm công nhân giày, cũng ít thời gian chăm sóc con. Con trai đầu của chị B. tên Nguyễn Khôi Nguyên, 4 tuổi. Lúc mang thai con gái, chị B. muốn đặt tên con là Nguyễn An Nhiên. “Nhà chưa làm đầy tháng cho cháu, chưa đặt tên nhưng chắc sẽ đặt tên là An Nhiên theo ý của mẹ cháu”, bà Ngoan nói.
Tạm biệt bé An Nhiên, nhìn bé ngủ ngon trong vòng tay của ngoại, chúng tôi ai cũng thầm mong bé sẽ lớn lên, trưởng thành, sống an nhiên như cái tên rất đẹp của bé. Chúng tôi đã trao cho bà Phạm Thị Ngoan số tiền 3 triệu đồng, hỗ trợ gia đình chăm sóc cháu An Nhiên. Đồng thời, Báo Thanh Niên sẽ đưa danh sách của anh em An Nhiên vào chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời nhằm bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên, tìm nhà bảo trợ cho các cháu cho đến khi trưởng thành.
Tối nào con cũng khóc vì nhớ hơi mẹ
Bé Nguyễn Phúc Đức (ngụ xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TP.HCM) chỉ mới 3 tháng tuổi đã phải rời xa vòng tay mẹ vì đại dịch Covid-19. Anh Nguyễn Bá Phúc (36 tuổi, cha bé Đức) cho biết khi bé mới 3 tháng tuổi thì gia đình lần lượt bị nhiễm Covid-19 và phải đi điều trị. Lúc đó, bé Đức cũng theo ba mẹ vào khu điều trị F0 vì ở nhà không có ai chăm sóc.
|
Khoảng 3 ngày sau, chị N.T.K.T (35 tuổi, vợ anh Phúc) và anh Phúc xét nghiệm nhanh âm tính Covid-19 nên được cho xuất viện. Về nhà khoảng 3 – 4 ngày thì chị T. sốt cao, cơ thể mệt mỏi, ho nhiều. Mặc dù được cứu chữa kịp thời, nhưng chị T. không qua khỏi. Chị T. mất ngày 13.9, đến ngày 15.9 ba vợ anh Phúc cũng qua đời vì Covid-19. Chỉ vỏn vẹn 3 ngày, bé Đức vừa mất mẹ vừa mất ông ngoại.
Anh Phúc chia sẻ, việc chăm sóc bé Đức cũng không dễ dàng gì, cũng nhờ có bà ngoại của bé (bà Phạm Thị Ngọc Phương, 56 tuổi) phụ giúp mỗi ngày nên anh đỡ tủi thân. “Dạo gần đây thấy bé Đức nằm mà cứ nghiêng qua một bên như muốn lật rồi. Để bé nằm chơi một mình cũng không khóc la. Tới giờ thì cho uống sữa, đi ngủ trưa. Thấy ban ngày bé dễ vậy mà ban đêm cứ khóc hoài”, anh Phúc nói và chia sẻ thêm: “Tối nào bé cũng bị giật mình, mếu máo khóc đòi mẹ. Tôi bật dậy pha sữa rồi lấy cái áo của vợ đắp lên thì bé nín, ngủ tiếp”.
Anh Phúc ở nhà cha mẹ vợ, căn nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ 2806 Huỳnh Tấn Phát, ấp 5, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè. Tâm sự với chúng tôi, anh Phúc cho biết anh lên TP.HCM lập nghiệp hồi năm 2005. Anh làm nhiều công việc như lơ xe, công nhân… để kiếm kế sinh nhai. Khi đó, chị T. làm công nhân công ty may. Sau khi cưới nhau, chị T. nghỉ việc, ở nhà lo chuyện bếp núc, còn anh Phúc là lao động chính trong gia đình.
“Trước dịch, lương công nhân của tôi được gần 6 triệu đồng/tháng. Nhưng 3 tháng nay thất nghiệp, khoản tiền dành dụm của 2 vợ chồng cũng đã cạn kiệt. Hôm vợ sinh con, trong nhà không còn tiền, phải mượn chị hai 5 triệu để lo viện phí”, anh Phúc kể.
“Mình thì sao cũng được, nhưng con còn quá nhỏ nên cỡ nào cũng phải tính cách lo cho con. Bây giờ chỗ ở thì nhờ bà ngoại, đỡ phải đóng tiền thuê nhà, nhưng suốt mấy tháng không có tiền, thiếu trước hụt sau, biết phải lấy gì nuôi con. Sau khi mẹ bé Đức mất, chị hai thương cháu nên mua sữa. Hoàn cảnh chị cũng khó khăn, đi làm vất vả lắm. Mong sớm hết dịch để tôi tiếp tục làm công nhân kiếm tiền nuôi con”, anh Phúc tâm sự.
DUY KHANG – BÍCH NGÂN
TNO