23/12/2024

Từ ngày 1.10 học sinh TP.HCM sẽ học thế nào ?

Từ ngày 1.10 học sinh TP.HCM sẽ học thế nào ?

Từ ngày 1.10, học sinh TP.HCM sẽ tiếp tục học tập như thế nào là điều nhiều phụ huynh, giáo viên rất quan tâm.
Học sinh TP.HCM quay trở lại trường sau đợt nghỉ phòng tránh dịch Covid-19 đầu năm 2021 /// ẢNH: KHẢ HÒA
Học sinh TP.HCM quay trở lại trường sau đợt nghỉ phòng tránh dịch Covid-19 đầu năm 2021  ẢNH: KHẢ HÒA

Củng cố điều kiện kết hợp dạy học trực tiếp

UBND TP.HCM đã gửi các sở, ban ngành và các quận huyện góp ý dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn và phục hồi kinh tế sau ngày 30.9. Trong đó, riêng về lĩnh vực giáo dục, TP.HCM tiếp tục tổ chức dạy học gián tiếp, dạy trên môi trường internet, dạy trên truyền hình, từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy học trực tiếp. Các loại hình đào tạo cho nhóm 18 tuổi trở lên, đã được tiêm đủ liều vắc xin, có thể dạy học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết trong thời gian tới đây, khi tiếp tục học theo hình thức gián tiếp, với chương trình lớp 1, 2, 6, Sở đã phối hợp Đài truyền hình TP thực hiện ghi hình, hỗ trợ và đầu tư thêm kho học liệu để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với khối lớp 1, 2, TP chú trọng khai thác nội dung dạy học trên truyền hình, video đã ghi hình. Khi học sinh (HS) đi học lại sẽ tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ, không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong thời gian này. Các khối lớp 3 đến lớp 5, tổ chức dạy học trên môi trường internet là chủ đạo, dạy học trên truyền hình và video đã ghi hình là bổ trợ, ưu tiên các khối lớp cuối cấp.

Trường đầu tiên của TP.HCM cho học sinh đến trường ngày 4.10

Ngày 29.9, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ (TP.HCM), cho biết huyện đã xây dựng phương án thí điểm cho HS ở xã Thạnh An đi học trở lại, trình UBND TP và Sở GD-ĐT phê duyệt. Trước tiên, huyện sẽ ưu tiên cho HS các khối lớp đầu và cuối cấp.
Ông Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Thạnh An,
cho hay theo phương án mà trường đề xuất, trường dự kiến cho 131 HS của 5 lớp, trong đó có 2 lớp khối 6, 2 lớp khối 9 và 1 lớp 12 đi học trở lại từ ngày 4.10. Các khối lớp còn lại tiếp tục học trực tuyến.
Theo lãnh đạo trường này, lớp học của trường đều có sĩ số dưới
30 em, lớp 12 đông nhất là 30 em/lớp. Với sĩ số này, trường không phải chia đôi lớp và đảm bảo được quy định giãn cách theo dự thảo về bộ tiêu chí an toàn phòng dịch của ngành GD. Nhà trường bố trí thời lượng tiết học 50% trực tiếp và 50% trực tuyến.
H.Cần Giờ là địa phương đầu tiên của TP.HCM đề xuất phương án thí điểm cho HS trở lại trường học sau thời gian ngừng đến đến trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Xây dựng phương án đưa học sinh trở lại trường

Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, dù xác định việc học trực tuyến có thể kéo dài đến hết học kỳ 1 nhưng khi TP từng bước mở cửa trở lại, phục hồi kinh tế…, ngành giáo dục cũng phải xây dựng phương án chuẩn bị cho HS quay trở lại trường. Đây là điều kiện rất quan trọng giúp các địa phương sớm ổn định, đồng thời giúp phụ huynh yên tâm đi làm.
Việc tận dụng “khoảng thời gian vàng” để HS đi học trở lại, được học trực tiếp, vừa là điều kiện rất cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa là điều kiện để ổn định xã hội. Tuy nhiên, trường học chỉ mở cửa trở lại khi đảm bảo các điều kiện an toàn đối với HS và giáo viên, công nhân viên…
Nội dung phương án mở cửa trở lại các trường học, HS đi học trở lại của sở này trình UBND TP.HCM vào đầu tháng 9 nêu rõ, khi TP.Thủ Đức và các quận, huyện được xác định là an toàn trong phòng chống dịch theo các tiêu chí chung của TP thì các quận, huyện xây dựng kế hoạch mở cửa trường học. Trong đó, cần thỏa mãn các yêu cầu theo Bộ tiêu chí an toàn trường học trong phòng chống dịch như khoảng cách, giáo viên phải được tiêm 2 mũi vắc xin… Chỉ tổ chức học trực tiếp cho HS trong địa phương và trên tinh thần tự nguyện. Song song đó các trường vẫn tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình… để đáp ứng yêu cầu của HS không thể học trực tiếp cũng như bổ trợ, song hành cùng học trực tiếp trên lớp.
Trong đó, đối với bậc mầm non, Sở GD-ĐT đề xuất ưu tiên chỗ học cho trẻ mẫu giáo và chỉ nhận giữ trẻ trong địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập hoạt động đúng quy định. Thời gian đầu các trường không tổ chức ăn sáng, bố trí thời gian đưa đón lệch giờ. Sau mỗi tuần, phòng GD đánh giá tình hình và điều chỉnh phương án…
Đối với bậc phổ thông, ưu tiên HS lớp 1, lớp 2, lớp đầu, cuối cấp. Thời gian đầu chia nhỏ lớp, chỉ bố trí học 1 buổi. Sau mỗi tuần, các trường đánh giá tình hình và điều chỉnh phương án mở dần HS các khối lớp khác. Trong thời gian này, vẫn duy trì việc học trực tuyến để đáp ứng yêu cầu của HS.
BÍCH THANH
TNO