ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Đời sống đức tin

Tiếp tục bài giáo lý  của chúng ta về Thư gửi tín hữu Galát, giờ đây chúng ta xem xét lời dạy của Thánh Phaolô về sự công chính. Đối với Thánh Tông đồ, Thiên Chúa trong lòng thương xót của Người, qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, đã ban sự tha thứ và cứu rỗi dứt khoát cho những người tội lỗi, nhờ đó hoà giải chúng ta với chính Người.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Tư, 29 tháng 9 năm 2021

____________________________

Bài Giáo lý về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát:
9. Đời sống đức tin

Anh chị em thân mến,
chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Trong hành trình của chúng ta để hiểu rõ hơn về giáo huấn của Thánh Phaolô, hôm nay chúng ta sẽ gặp một chủ đề khó hiểu nhưng quan trọng: sự công chính hoá. Công chính hoá là gì? Chúng ta, những người từng là những kẻ có tội, nay đã trở nên công chính. Ai đã làm chúng ta ra công chính? Diễn trình thay đổi này là sự công chính hoá. Chúng ta, trước mặt Chúa, được công chính. Đó là sự thật, bản thân chúng ta là người có tội. Nhưng trong căn bản, chúng ta công chính. Đó là sự công chính hoá. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về chủ đề này, để tìm ra cách giải thích phù hợp nhất với tư tưởng của Thánh Tông đồ và, như thường xẩy ra, những cuộc thảo luận này thậm chí đã kết thúc ở những lập trường mâu thuẫn nhau. Trong Thư gửi tín hữu Galát, cũng như trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô nhấn mạnh vào sự kiện này là sự công chính hoá đến nhờ đức tin vào Chúa Kitô. “Nhưng, thưa Cha, con công chính vì con tuân giữ mọi điều răn!” Đúng, nhưng sự công chính hoá không đến từ điều đó. Nó đến trước đó. Ai đó đã công chính hóa anh chị em, ai đó đã làm anh chị em nên công chính trước mặt Chúa. “Đúng, nhưng con là một người có tội!” Đúng, anh chị em công chính, dù là một người có tội. Nhưng trong căn bản, anh chị em công chính. Ai công chính hoá anh chị em? Chúa Giêsu Kitô. Đó là sự công chính hoá.

Điều gì ẩn phía sau chữ “công chính hoá” mà lại có ý nghĩa quyết định đối với đức tin như thế? Không dễ đi đến một định nghĩa thấu đáo, nhưng xét tổng thể tư tưởng của Thánh Phaolô, có thể đơn giản nói rằng sự công chính hoá là hệ quả của “sáng kiến nhân từ của Thiên Chúa ban sự tha thứ” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1990). Và chính Thiên Chúa của chúng ta, rất tốt lành, nhân từ, nhẫn nại, đầy lòng thương xót, đã liên tục ban sự tha thứ, liên tục. Người tha thứ, và sự công chính hoá là Thiên Chúa tha thứ cho mọi người trước hết trong Chúa Kitô. Lòng thương xót của Thiên Chúa ban sự tha thứ. Thực thế, Thiên Chúa, qua cái chết của Chúa Giêsu – và chúng ta cần nhấn mạnh điều này: qua cái chết của Chúa Giêsu – đã tiêu diệt tội lỗi và dứt khoát ban cho chúng ta sự ân xá và sự cứu rỗi của Người. Được công chính hoá như vậy, tội nhân được Thiên Chúa tiếp đón và hoà giải với Người. Như thể mối liên hệ ban đầu giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật trước khi tội bất tuân can thiệp vào đã được khôi phục. Do đó, sự công chính hoá do Thiên Chúa tạo ra cho phép chúng ta phục hồi sự trong trắng đã mất do tội lỗi. Sự công chính hoá xảy ra cách nào? Trả lời câu hỏi này có nghĩa là khám phá ra một điểm mới lạ khác trong giáo huấn của Thánh Phaolô: đó là sự công chính hoá đến nhờ ân sủng. Chỉ nhờ ân sủng: chúng ta được công chính hoá nhờ ân sủng hoàn toàn. “Nhưng há con, há bất cứ ai lại không thể đến gặp một thẩm phán và trả tiền để ông ta công chính hóa con hay sao?” Không. Anh chị em không thể trả tiền mà có được điều này. Ai đó đã trả tiền cho tất cả chúng ta: Chúa Kitô. Và từ Chúa Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta, mà có ân sủng do Chúa Cha ban cho mọi người: Sự công chính hoá phát xuất bởi ân sủng.

Thánh Tông đồ luôn tâm niệm về trải nghiệm đã thay đổi cuộc đời ngài: cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Giêsu Phục sinh trên đường đến Đamát. Thánh Phaolô là một người kiêu hãnh, sùng đạo và nhiệt thành, tin chắc rằng sự công chính hoá bao gồm việc tuân thủ cẩn thận các giới răn của Lề luật. Tuy nhiên, giờ đây, ngài đã được Chúa Kitô chinh phục, và đức tin vào Người đã hoàn toàn biến đổi ngài, cho phép ngài khám phá ra một sự thật đã bị che giấu xưa nay: chúng ta không trở nên công chính nhờ nỗ lực của chính mình, không, không phải chúng ta, mà là Chúa Kitô, bằng ân sủng của Người, đã làm cho chúng ta trở nên công chính. Vì vậy, Thánh Phaolô sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì trước đây đã làm cho ngài trở nên giàu có, để ý thức đầy đủ về mầu nhiệm Chúa Giêsu (xem Pl 3,7), vì ngài đã khám phá ra rằng chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới cứu được ngài. Chúng ta đã được công chính hoá, chúng ta đã được cứu rỗi, nhờ ân sủng hoàn toàn, không phải vì công trạng của chúng ta. Và điều này mang lại cho chúng ta sự tin tưởng lớn lao. Chúng ta là người có tội, đúng; nhưng chúng ta sống cuộc đời mình bằng ân sủng này của Thiên Chúa, ân sủng công chính hoá chúng ta mỗi khi chúng ta cầu xin sự tha thứ. Nhưng không phải trong lúc đó chúng ta được công chính hoá: chúng ta đã được công chính hoá, nhưng Người đến để tha thứ cho chúng ta một lần nữa.

Đối với Thánh Tông đồ, đức tin có một giá trị toàn diện. Nó chạm đến mọi khoảnh khắc và mọi khía cạnh trong cuộc sống của một tín hữu: từ phép rửa cho đến khi chúng ta rời khỏi thế giới này, mọi sự đều được hướng dẫn bởi đức tin vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng ban ơn cứu rỗi. Sự công chính hóa nhờ đức tin nhấn mạnh tính ưu tiên của ân sủng mà Thiên Chúa ban tặng không phân biệt cho những ai tin vào Con của Người.

Tuy nhiên, chúng ta không được kết luận rằng Luật Môsê, đối với Thánh Phaolô, đã mất giá trị; đúng hơn, nó vẫn là một hồng phúc không thể thu hồi của Thiên Chúa. Chính Thánh Tông Đồ viết, nó là “thánh” (Rm 7,12). Ngay cả đối với đời sống thiêng liêng của chúng ta, việc tuân giữ các điều răn là điều cần thiết. Nhưng cả ở đây, chúng ta cũng không thể trông chờ vào nỗ lực của mình: ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được trong Chúa Kitô là nền tảng. Ân sủng đó đến từ sự công chính hoá do Chúa Kitô ban cho chúng ta, Đấng đã trả giá cho chúng ta. Từ Người, chúng ta nhận được tình yêu nhưng không đó cho phép chúng ta, đến lượt chúng ta, yêu thương theo những cách cụ thể.

Trong bối cảnh này, điều tốt đẹp là nhớ lại lời dạy của Thanh Tông đồ Giacôbê, người đã viết: “Anh em thấy rằng một người được công chính hoá là nhờ việc làm chứ không phải chỉ nhờ một mình đức tin”. Câu này dường như là một tương phản, nhưng nó không tương phản. “Vì thể xác mà không có linh hồn thì là thể xác chết thế nào, thì đức tin mà không có việc làm cũng là một đức tin chết như thế” (Gcb 2:24, 26). Sự công chính hoá, nếu nó không mang lại kết quả do các công việc của chúng ta, thì chỉ có thể, bị chôn vùi, chết đi. Nó ở đó, nhưng chúng ta phải kích hoạt nó bằng các công việc của chúng ta. Đây là cách lời lẽ của Thánh Giacôbê bổ sung cho giáo huấn của Thánh Phaolô. Vì vậy, đối với cả hai, sự đáp ứng của đức tin đòi hỏi chúng ta phải tích cực trong tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và trong tình yêu của chúng ta đối với người lân cận. Tại sao lại “tích cực trong tình yêu đó?” Vì tình yêu đó đã cứu tất cả chúng ta, nó tự do công chính hoá chúng ta, nhưng không!

Sự công chính hoá đưa chúng ta vào lịch sử cứu độ lâu dài, một lịch sử chứng tỏ đức công chính của Thiên Chúa: trước những sa ngã và thiếu sót liên tục của chúng ta, Người đã không bỏ cuộc, nhưng Người muốn làm cho chúng ta trở nên công chính và Người đã làm như vậy bằng ân sủng, qua hồng phúc Chúa Giêsu Kitô, cái chết và sự sống lại của Người. Đôi khi tôi hay nói về cách Thiên Chúa hành động, đâu là phong cách của Thiên Chúa. Và tôi đã dùng ba chữ: Phong cách của Thiên Chúa là gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Người luôn đến gần chúng ta, cảm thương và dịu dàng. Và việc công chính hoá chính là sự gần gũi lớn nhất của Thiên Chúa đối với chúng ta, cả đàn ông lẫn đàn bà, lòng cảm thương lớn nhất của Thiên Chúa đối với đàn ông và đàn bà chúng ta, sự dịu dàng lớn nhất của Chúa Cha. Sự công chính hoá là hồng phúc Chúa Kitô này, hồng phúc cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô từng giải phóng chúng ta. “Nhưng, thưa Cha, con là một người có tội … Con đã cướp….” Đúng, đúng. Nhưng trong căn bản, anh chị em công chính. Hãy để Chúa Kitô thực hiện sự công chính hoá đó. Trong căn bản, chúng ta không bị kết án không, chúng ta công chính. Cho phép tôi nói, chúng ta là những vị thánh. Nhưng rồi, bằng hành động của mình, chúng ta trở thành những người có tội. Nhưng, trong căn bản, chúng ta là thánh: chúng ta hãy để cho ân sủng của Chúa Kitô đến và sự công chính này, sự công chính hoá này sẽ đem lại sức mạnh để chúng ta tiến bộ. như thế, ánh sáng đức tin cho phép chúng ta nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa là vô hạn xiết bao, ân sủng của Người có ích cho chúng ta xiết bao. Nhưng cũng chính ánh sáng đó làm cho chúng ta thấy được trách nhiệm đã được trao phó cho chúng ta là cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ của Người. Quyền năng của ân sủng cần được kết hợp với các công việc của lòng thương xót mà chúng ta được kêu gọi thực hiện ngõ hầu làm chứng cho việc tình yêu của Thiên Chúa vĩ đại đến nhường nào. Chúng ta hãy tiến lên với sự tin tưởng này: tất cả chúng ta đã được công chính hoá, chúng ta công chính trong Chúa Kitô. Chúng ta phải thực hiện đức công chính đó bằng các công việc mình làm. Cảm ơn anh chị em.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: vietcatholicnews.org

_____________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến! Tiếp tục bài giáo lý  của chúng ta về Thư gửi tín hữu Galát, giờ đây chúng ta xem xét lời dạy của Thánh Phaolô về sự công chính. Đối với Thánh Tông đồ, Thiên Chúa trong lòng thương xót của Người, qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, đã ban sự tha thứ và cứu rỗi dứt khoát cho những người tội lỗi, nhờ đó hoà giải chúng ta với chính Người. Cuộc gặp gỡ của Thánh Phaolô với Chúa Phục sinh trên đường đến Đamát đã khiến ông hiểu rằng chúng ta được công chính không phải nhờ việc tuân giữ các giới luật và nỗ lực của chính mình, nhưng bởi ân sủng của Thiên Chúa qua đức tin nơi Đấng Kitô. Mặc dù lề luật vẫn là một món quà thánh thiện của Thiên Chúa (xem Rm 7,12), và việc tuân theo các điều răn là điều cần thiết cho đời sống tâm linh của chúng ta, thì ân sủng của Thiên Chúa, được ban cho một cách tự do trong Chúa Kitô, là chính yếu. Đức tin được sinh ra từ kinh nghiệm của chúng ta về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa sẽ biến đổi mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta và sinh hoa trái trong các hành động bác ái; theo nghĩa này, Thánh Giacôbê viết cho chúng ta rằng: “Anh em thấy rằng một người được công chính hoá là nhờ việc làm chứ không phải chỉ nhờ một mình đức tin” (Gcb 2,24). Sự công chính của chúng ta, quyền ưu tiên thuộc về công lý và lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta hợp tác trong chương trình cứu rỗi của Ngài cho mọi người.