Từ phản ánh của bạn đọc, Thanh Niên đã vào cuộc xác minh, sau đó cung cấp thông tin cho Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp công an điều tra xử lý.
Giáp mặt người bán thuốc
Sáng 20.9, trong vai người dân cần mua
thuốc điều trị Covid-19, PV
Thanh Niên liên lạc với chủ tài khoản có nickname Zalo là “Dược Sỹ Lương Tỵ” để giao dịch. Chủ tài khoản này nhanh chóng xác nhận có bán loại Molnupiravir kháng vi rút cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ với lộ trình khỏi bệnh trong thời gian ngắn. “Dược sĩ” này quảng cáo, loại thuốc được bán có tác dụng đặc biệt để chữa trị Covid-19 với 1 hộp 20 viên, uống trong 5 ngày liên tục. Để tạo lòng tin, người này còn khẳng định thuốc “được Bộ Y tế cấp phép nên có hướng dẫn uống với kháng viêm” (!?), sau đó gửi hình ảnh kèm hướng dẫn sử dụng.
Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an TP.HCM đang điều tra
Chiều ngày 20.9, Thanh Niên cung cấp thông tin về đường dây này cho Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục xác minh làm rõ. Ngày 21.9, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở cũng đã có công văn nhắc nhở các đơn vị quản lý, cấp phát gói thuốc C – thuốc Molnupiravir kháng vi rút cho F0 cách ly tại nhà. Đồng thời, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an TP.HCM đang điều tra xử lý đối với nhóm đối tượng mua bán thuốc mà báo cung cấp.
Tuy nhiên, giá một hộp này không rẻ. Người bán ra giá 6,8 triệu đồng/hộp và giải thích đây là thuốc tốt nên giá cao. Qua thương lượng, chúng tôi đồng ý mua thì được người này hẹn đến địa chỉ thuộc P.Tân Quý (Q.Tân Phú, TP.HCM) để giao thuốc. Theo giải thích của người này, do thuốc được lấy từ bệnh viện nên đảm bảo không lừa đảo.
Chiều cùng ngày, đến điểm hẹn trên đường Nguyễn Súy (P.Tân Quý, Q.Tân Phú), chúng tôi liên lạc thì người này báo hết hàng Molnupiravir và tư vấn một loại thuốc kháng vi rút
Covid-19 khác, điều trị hiệu quả trong vòng 14 ngày. Theo quảng cáo của “dược sĩ”, đó là loại thuốc Favipiravir 400 mg có tác dụng tương tự Molnupiravir nhưng giá thành rẻ hơn. Người này hướng dẫn mua 1 hộp 17 viên có giá 3,2 triệu đồng, uống trong 3 ngày. Nếu khách muốn mua sẽ đến kho lấy hàng và bán vào sáng hôm sau (21.9).
Trưa hôm sau, chúng tôi được hẹn đến căn hộ Golden Mansion trên đường Phổ Quang (P.9, Q.Phú Nhuận) để lấy thuốc. Tại đây, PV liên lạc với một phụ nữ nhưng người trực tiếp giao lại là một người đàn ông, tay trái xăm phủ kín. “Không còn loại thuốc Molnupiravir à?”, PV hỏi. “Thuốc đó chợ đen mới còn bán, loại này được một bệnh viện thí điểm, họ phát những túi an sinh cho các bệnh nhân F0, nhưng tới tay người dân thì không có. Họ lấy đem ra chợ đen bán, 6 – 7 triệu một hộp, giờ khó mua lắm. Còn đây (loại thuốc Favipiravir 400 mg – PV) uống tốt hơn, đây là hàng nhập”, người đàn ông này nói.
Loại thuốc Favipiravir rao bán với giá 3,2 triệu đồng/hộp ẢNH: TRẦN TIẾN
|
Sau khi xem hộp thuốc Favipiravir 400 mg, chúng tôi thắc mắc về hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ cũng như về độ an toàn thì người này cho rằng khách có thể kiểm tra thoải mái về thuốc, nhưng
hàng không có hóa đơn. Thuốc này nhập về và được bác sĩ hướng dẫn sử dụng điều trị Covid-19. Thấy chúng tôi nghi ngờ về nguồn gốc thuốc, người này lấy thuốc lại, rồi rời đi và đảm bảo “khi nào thấy an tâm thì liên lạc lại mua”.
Chiều 22.9, chúng tôi tiếp tục liên hệ “Dược Sỹ Lương Tỵ” đặt vấn đề mua số lượng lớn thuốc điều trị Covid-19. Người này báo còn thuốc Favipiravir 400 mg và ra giá 2,9 triệu đồng/hộp vì mua số lượng lớn. “Nhưng số lượng 100 hộp thì em phải đi gom hàng, anh cần đặt cọc trước 5 triệu đồng, lỡ anh không mua em ôm hàng là chết”, “Dược Sỹ Lương Tỵ” nói và không quên nhắn địa điểm lấy hàng là một chung cư trên đường Phổ Quang (P.9, Q.Phú Nhuận), kèm theo số tài khoản ngân hàng mang tên Lương Văn Tỵ.
Thuốc Molnupiravir quảng cáo bán giá 6,8 triệu đồng/hộp ẢNH: DUY TÍNH
|
Bộ Y tế bổ sung, cập nhật một số thuốc vào phác đồ điều trị Covid-19
|
Chưa được phép lưu hành trên thị trường
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, thuốc Molnupiravir và Favipiravir là thuốc kháng vi rút
Covid-19, chưa được phép lưu hành trên thị trường VN. Với thuốc Molnupiravir chỉ mới nghiên cứu giai đoạn 3 của Bộ Y tế và sử dụng có kiểm soát đặc biệt, vì chưa nghiên cứu hoàn thành nên chưa thể biết tác hại của nó như thế nào, cả
thế giới đều chưa cấp phép loại thuốc này. Còn Favipiravir chỉ mới cấp phép sử dụng ở một số nước châu Á, còn các nước châu Âu, Mỹ chưa cấp phép, Bộ Y tế Việt Nam cũng chưa cấp phép sử dụng. TS-BS Hùng khuyến cáo, những người mắc Covid-19 nhẹ không nên vội vã tìm mua uống vì có thể có những tác dụng phụ mà hiện chưa phát hiện. Còn thuốc kháng vi rút nói chung uống vào sẽ gây mệt.
Phá nhiều đường dây nhập lậu thuốc điều trị Covid-19 từ Trung Quốc
Ngày 10.9, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an phối hợp với PC03 Công an TP.HCM, Công an Q.8 triệt phá, thu giữ lô thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu từ Trung Quốc (TQ), đường dây do Tham Vĩ Điệp (Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Toyo) cầm đầu. Cụ thể, công an bắt quả tang ô tô tải (BS 51D – 483.90) do Trần Văn Hoàng (38 tuổi, quê Kiên Giang) lưu thông trên địa bàn Q.8 chở 400 hộp thuốc nhãn hiệu TQ được gọi là “Liên Hoa Thanh Ôn”. Toàn bộ số thuốc chưa được phép lưu hành và không có hóa đơn chứng từ. Loại thuốc này được quảng cáo là điều trị Covid-19 và đang bán lén lút cho người dân trong nước. Số hàng này chuyển từ kho của Công ty Toyo (trụ sở P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân). Khám xét kho hàng của công ty, công an phát hiện thêm 9.200 hộp thuốc cùng loại.
Chiều 25.8, PC03 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Đức Thuận (46 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Dương Quốc Chính (61 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp), Nguyễn Thị Kim Tuyến (50 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”. Khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả tại các quận: Phú Nhuận, Tân Bình, Q.8, công an phát hiện khu vực sản xuất thuốc giả là nhà vệ sinh dơ bẩn, thuốc để ngay dưới nền nhà. Công an phát hiện có 150 hộp thuốc điều trị Covid-19 hiệu Terpincodein.
Đánh giá về tình hình mua bán thuốc điều trị Covid-19 giả ngoài thị trường, theo C03, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM và các tỉnh phía nam diễn biến phức tạp, một số băng nhóm tội phạm nhập lậu các loại thuốc điều trị bệnh Covid-19 từ TQ về VN để buôn bán, thu lợi bất chính.
Cuối tháng 8.2021, Bộ Y tế cho phép đưa thuốc Molnupiravir kháng vi rút cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ tại TP.HCM sử dụng. Theo quy trình, loại thuốc này được Sở Y tế cấp phát xuống Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức để sau đó cấp phát cho các trạm y tế lưu động và nơi này phát cho F0 cách ly tại nhà. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chỉ đạo phải kiểm soát đặc biệt. Ông đề nghị các quận, huyện, TP.Thủ Đức phải đưa thuốc đến tận tay F0 có triệu chứng nhẹ để uống, không dùng cho F0 không có triệu chứng. Không để thuốc tuồn ra thị trường buôn bán bất hợp pháp, người nào để tuồn ra sẽ chịu trách nhiệm.
Người đàn ông giao thuốc Favipiravir tại căn hộ Golden Mansion (P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) ẢNH: TRẦN TIẾN
|
Trước đó, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có công văn gửi 14 công ty dược yêu cầu báo cáo tình hình nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose. Nội dung công văn nêu, cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm, không sử dụng vào mục đích khác, không lưu hành trên thị trường. Cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để sản xuất thuốc xuất khẩu, không sử dụng vào mục đích khác. Thuốc thành phẩm sản xuất không được lưu hành tại Việt Nam.