Tính đến chiều 19.9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch
Covid-19 TP.HCM thông tin, kể từ đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27.4,
Bộ Y tế công bố hơn 331.000 ca Covid-19 tại TP.HCM, trong đó có hơn 169.000 người mắc Covid-19 đã xuất viện. Hiện ngành y tế TP.HCM đang điều trị gần 41.200 bệnh nhân tại các cơ sở y tế, trong đó có 2.350 bệnh nhân đang thở máy, 21 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (tim, phổi nhân tạo). Trong ngày 18.9 có 182 ca tử vong, cộng dồn từ đầu năm đến nay là 13.281 ca.
Số ca tử vong có xu hướng giảm
Nhìn vào chuỗi số liệu ca tử vong từ ngày 22.8 – 18.9, biểu đồ có xu hướng đi xuống. Nếu như ngày 22.8 có 340 ca tử vong (cao nhất của đợt dịch thứ 4, tính đến nay) thì 10 ngày sau, ngày 1.9 còn 217 ca tử vong, đến ngày 11.9 còn 200 ca tử vong. Trong gần 1 tháng qua, ngày 15.9 có số ca tử vong thấp nhất là 160; số ca tử vong trong tuần qua đều dưới 200.
Chiến lược giảm ca tử vong đã có hiệu quả
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại TP.HCM, tỷ lệ F0 tử vong tại các “tầng” đã giảm rõ rệt, đặc biệt tại tầng 3 của các trung tâm hồi sức tích cực. Các trạm y tế lưu động tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã phát huy hiệu quả. TP.HCM đã xây dựng và vận hành 520 trạm y tế lưu động, quản lý 76.352 người nhiễm và 41.740 trường hợp F0 sau xuất viện tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Bên cạnh đó thành lập thêm các tổ, đội, nhóm chăm sóc người nhiễm dựa vào cộng đồng góp phần giảm tải cho các cơ sở điều trị và giảm tử vong. Việc phân tầng điều trị và các mô hình chăm sóc F0 được TP.HCM triển khai hiệu quả, như: mô hình trạm y tế lưu động; sáng kiến chia nhỏ các nhóm F0 để quản lý, chăm sóc (tại Q.Gò Vấp) hoặc mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” do Đại học Y Dược TP.HCM đề xuất, bước đầu đã có những kết quả khả quan tại Q.10, Q.8…
Cũng theo Bộ Y tế, việc triển khai các trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19, sự cố gắng hết sức của các thầy thuốc của TP.HCM cùng những thầy thuốc từ các địa phương tăng cường tại các tuyến điều trị, đã giúp giảm các ca nặng và giảm các ca tử vong… chiến lược giảm tử vong tại TP.HCM đã có hiệu quả.
Liên Châu
Mỗi ca tử vong đều để lại đau thương, mất mát cho gia đình và là điều khiến ngành y tế và lãnh đạo TP.HCM day dứt, trăn trở. Từ giữa tháng 8.2021, khi số ca nhiễm gia tăng nhanh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (khi đó là Phó bí thư thường trực Thành ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM) cho biết TP.HCM chuyển chiến lược phòng chống dịch sang tập trung điều trị để kéo giảm tử vong dựa trên 2 trụ cột: tích cực chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện. Việc chăm sóc F0 tại nhà dựa trên 5 đầu việc: nắm chặt danh sách F0 tại địa phương, kết nối F0 với nhân viên y tế tư vấn hằng ngày, cấp túi thuốc an sinh, lập tổ phản ứng nhanh của y tế cơ sở và sử dụng công nghệ kết nối F0 với các tầng điều trị tại cơ sở y tế.
Công tác điều trị cũng được điều chỉnh lại theo mô hình tháp 3 tầng, mở rộng số giường có hệ thống ô xy, máy thở, đưa thuốc đặc trị vào điều trị. Toàn TP.HCM có khoảng 60.000 giường điều trị tại tầng 2 và tầng 3 (dành điều trị bệnh nhân có triệu chứng, nặng và nguy kịch), số bệnh nhân đang điều trị tương đương gần 70% số giường. Điều mà ngành y tế chưa thể yên tâm chính là tỷ lệ bệnh nhân nặng cần sử dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị còn khá cao, tầng 3 đã sử dụng hơn 69% số máy thở xâm lấn, hơn 65% số máy thở không xâm lấn, hơn 76% số máy ECMO… Theo Sở Y tế TP.HCM, thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ tử vong ở tầng 2 là 4,5% và tầng 3 là hơn 33%.
Tính chung trên tổng số ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố đến ngày 18.9, tỷ lệ bệnh nhân tử vong ở TP.HCM là 4,02%, nằm trong ngưỡng thống kê của
thế giới về tỷ lệ mắc Covid-19 tử vong thường dao động từ 2,1 – 4,4%.
Nỗ lực của cả một quá trình
Các chuyên gia y tế đánh giá việc
kéo giảm số ca tử vong mỗi ngày do sự thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch của TP.HCM với sự hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, thuốc đặc trị của Bộ Y tế và các bệnh viện T.Ư tăng cường, nhất là đội ngũ y tế vận hành các bệnh viện hồi sức tích cực. Thông qua xét nghiệm tầm soát, các F0 mới được phát hiện kịp thời và cấp ngay túi thuốc an sinh giúp các F0 ít chuyển nặng; các trạm y tế lưu động tư vấn, chăm sóc và đưa đi cấp cứu kịp thời F0 mới chuyển nặng đã góp phần quan trọng kéo giảm số ca tử vong tại cộng đồng.
Nhìn vào biểu đồ số ca tử vong đang có xu hướng giảm, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết số ca tử vong phản ánh một quá trình nỗ lực điều trị kéo dài từ lúc nhập viện, diễn tiến nặng và hồi sức. So với trước đây, số bệnh nhân nặng mới nhập viện tầng 2 – 3 đã giảm rất nhiều. Hiện tầng 3 (điều trị chuyên sâu F0 nặng và nguy kịch) có hơn 1.000 bệnh nhân phải thở máy, các y bác sĩ ở trung tâm hồi sức và bệnh viện đang cố gắng cứu chữa cho những trường hợp này. “Hy vọng thời gian tới số ca bệnh nặng giảm và có thể giảm đáng kể”, ông Châu nói.
Về chiến lược điều trị Covid-19 trong giai đoạn “mở cửa”
phục hồi kinh tế, ông Châu cho biết TP.HCM sẽ tập trung vào quản lý F0 tại cộng đồng và tăng cường hệ thống điều trị các tầng. Mục tiêu mà ngành y tế đặt ra là đảm bảo F0 điều trị tại nhà được chăm sóc tốt và nhanh chóng hồi phục, còn các F0 chuyển nặng được nhập viện kịp thời để điều trị, hạn chế tử vong.
Chăm sóc bệnh nhân toàn diện
GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, phụ trách Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 tại
Bệnh viện dã chiến 14 (Q.Tân Phú), cho biết để giảm tử vong tại TP.HCM thì có nhiều biện pháp. Đó là phối hợp bệnh viện tầng 3 (Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19) với tầng 2 (bệnh viện quận, huyện, các bệnh viện đa khoa) để điều trị và chuyển viện sớm trường hợp nguy kịch nhằm giảm tử vong, điều này trước đây chưa thật sự được đồng bộ. Mặt khác là phát hiện F0 ở tầng 1 có triệu chứng để điều trị sớm. Song song đó là tiêm vắc xin, thì tỷ lệ bệnh nhân nặng cũng đã giảm.
Theo ông Hiệp, tại tầng 3, có các chuyên gia giỏi, ngoài sử dụng các kỹ thuật cao như thở máy, lọc máu, ECMO thì dinh dưỡng, vệ sinh chống nhiễm khuẩn đa kháng là quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ tử vong. “Chúng tôi đã đưa hẳn vào một đội chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân thở máy, thở ô xy… Hiện tại bệnh nhân nặng đã giảm 30% so với gian đoạn đầu. Hiện trung tâm đang điều trị cho gần 500 bệnh nhân, việc chăm sóc bệnh nhân là toàn diện”, ông Hiệp cho biết.
Trong khi đó, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện hồi sức Covid-19 là bệnh viện tuyến cuối điều trị Covid-19, số ca tử vong tại bệnh viện đã giảm xuống 50%. Để làm được việc này, ngoài việc tăng cường trang thiết bị y tế, nhân lực, thuốc để đáp ứng điều trị, Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập các nhóm Viber trao đổi chuyên môn, thực hiện giao ban trực tuyến hằng ngày với bệnh viện “chị – em” (bệnh viện T.Ư, trung tâm hồi sức đóng vai trò là “chị”, bệnh viện tuyến dưới là “em”). “Chiều hằng ngày, bệnh viện cử 4 bác sĩ hồi sức xuống tuyến 2 xem để nắm bắt tình hình bệnh nhân. Bên cạnh điều phối bệnh nhân tốt, Bệnh viện hồi sức Covid-19 triển khai phòng mổ cấp cứu ngay tại bệnh viện, đồng thời điều trị tâm lý và vật lý trị liệu sau Covid-19 cho bệnh nhân. Hiện Bệnh viện hồi sức Covid-19 điều trị cho 610 bệnh nhân nặng và Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho 240 bệnh nhân”, ông Thức thông tin.