23/01/2025

Chúa Nhật XXIV TN B 2021: Đức Giêsu là ai?

Các bài Thánh Kinh hôm nay như muốn mời gọi từng người chúng ta trả lời cho câu hỏi của Đức Giêsu: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Câu trả lời của thánh Phêrô tuy đúng, nhưng ông lại hiểu sai về Đấng Kitô. Muốn sống cho đúng là một con người và phát huy trọn vẹn giá trị làm người, mỗi người chúng ta, bất kể là ai, đều cần phải biết Đức Giêsu, vì Người là Thiên Chúa làm người.

Chúa Nhật XXIV TN B 2021

Đức Giêsu là ai?

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay như muốn mời gọi từng người chúng ta trả lời cho câu hỏi của Đức Giêsu: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Câu trả lời của thánh Phêrô tuy đúng, nhưng ông lại hiểu sai về Đấng Kitô. Muốn sống cho đúng là một con người và phát huy trọn vẹn giá trị làm người, mỗi người chúng ta, bất kể là ai, đều cần phải biết Đức Giêsu, vì Người là Thiên Chúa làm người. Nhưng tiếc thay, rất nhiều người lại không biết. Tại sao lại như vậy và cần làm gì để biết thật sự Đức Giêsu?

1. Nguyên nhân khiến nhiều người chưa biết Đức Giêsu

Thế giới hiện nay có 2,4 tỉ người theo Kitô giáo, trong số 7,8 tỉ người sống trên trái đất, nghĩa là họ có biết Đức Giêsu. Nhưng nếu có ai hỏi các Kitô hữu đó rằng “Đức Giêsu là ai” thì ta sẽ nghe rất nhiều câu trả lời khác nhau, tuỳ theo trình độ hiểu biết về giáo lý và kinh nghiệm đời sống của từng người. Nhiều người sẽ trả lời: “Đức Giêsu là Đấng Kitô” như ông Phêrô đã nói trong bài Tin Mừng (x. Mc 8,27-35).

Từ “Đấng Kitô” bắt nguồn từ từ Messia của tiếng Hipri, có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, chuyển dịch sang tiếng Hy Lạp là Christos, chuyển âm thành Kirixitô của tiếng Việt và đọc gọn lại thành Kitô như hiện nay. Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, theo quan niệm của người Do Thái, là Đấng sẽ đến giải thoát dân tộc khỏi ách nô lệ, hướng dẫn dân theo thánh ý Thiên Chúa, tái lập vương quốc hùng mạnh như thời vua David và Salômôn.

Do đó, khi nghe Đức Giêsu loan báo Đấng Kitô ấy sẽ “phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”, thì Phêrô và các môn đệ không thể chấp nhận Đấng Kitô kiểu ấy. Lời loan báo của Đức Giêsu không khác với lời tiên tri Isaia về Người Tôi Trung trung thành của Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ” (x. Bài đọc I, Is 50,5-9).

Có những người Công giáo, nhất là các linh mục, tu sĩ, giáo lý viên và học sinh, có thể nói theo lời Kinh Tin Kính thường đọc mỗi ngày Chúa Nhật: “Đức Giêsu là Đấng Kitô, là Con một Thiên Chúa và là Chúa chúng tôi. Bởi phép Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông. Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”.

Lời tuyên xưng đức tin này rất đầy đủ, nhưng họ lại thường không hành động theo niềm tin đó, nên không tạo được hiệu quả thiết thực trong đời sống và không thu hút được người khác tin theo Đức Giêsu. Số thống kê về người Công giáo ở Việt Nam trong thời gian 20 năm gần đây chứng tỏ điều đó. Vì thế, thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta hôm nay qua Bài đọc II (x. Gc 2,14-18): “Đức tin không có hành động quả là đức tin chết”.

Còn đối với 92 triệu người Việt Nam còn lại, hầu như ít người biết Đức Giêsu là ai, nhất là những người ở miền Bắc từ năm 1954 và những người ở miền Nam từ năm 1975 đến nay. Nguyên nhân là vì tên Giêsu và những gì liên quan tới Đức Giêsu hầu như không được các hệ thống truyền thông xã hội như báo chí, truyền thanh, truyền hình nhắc đến. Rất may là từ khi có mạng internet, người ta có thể tìm thấy tất cả những gì liên quan tới Đức Giêsu để biết đôi điều về Người.

Một thí dụ cụ thể là bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam 4 cuốn, do Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn thực hiện với hơn 4.000 trang khổ lớn. Trong đó có tiểu sử cả ngàn nhà khoa học, văn hoá, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, nhưng không có tên Đức Giêsu. Việc im lặng này quả thật là bất công đối với người đóng góp nhiều giá trị cho nhân loại và thế giới. Cho đến nay, các cơ sở in ấn, thông tin, giáo dục đào tạo vẫn được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Ngày 19/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn tới các cơ sở giáo dục đại học tư thục dân lập xác định rằng không được mở ngành xuất bản, báo chí theo chỉ thị số 22-CT/TW ngày 17/10/1997 của Bộ Chính trị khoá 8 (x. Báo Thanh Niên, 20/3/2021, tr.3). Nếu những người lãnh đạo đất nước biết Đức Giêsu thật sự là ai, chắc họ sẽ tra cứu về Người nhiều hơn vì Đức Giêsu cũng lấy con người làm trung tâm như họ đang muốn thực hiện cho dân tộc.

2. Đức Giêsu thật sự là ai

Để hiểu Đức Giêsu thật sự là ai, người ta có thể đọc trong hàng ngàn cuốn sách viết về Người, trong đó Thánh Kinh là cuốn sách vẫn được in và đọc nhiều nhất trên thế giới. Đó là cuốn sách viết về Đức Giêsu, dù Người không viết một cuốn sách nào. Ta cũng có thể vào mạng internet, gõ từ “Giêsu Nazareth” hay “Giêsu Kitô” sẽ thấy các bài viết về tiểu sử của Người. Cũng có những bài viết xuyên tạc về Người, nhưng Người không bào chữa hay biện hộ cho mình. Người vẫn im lặng vì Người yêu thương các người viết những bài đó và đã chết thay cho họ để cứu độ họ.

Nếu ai thích khoa học, có thể đọc tiểu sử của các nhà bác học hàng đầu thế giới như Albert Einstein, Isaac Newton, Thomas Edison, Alexander Flemning… để nghe họ kể về Đức Giêsu như là nguồn phát minh của mình. Nếu ai thích nghệ thuật, có thể xem các bộ phim đoạt nhiều giải Oscar về Đức Giêsu như Quo Vadis, Ben Hur, King of the kings…. Nếu ai thích hội hoạ, có thể vào các viện bảo tàng, tu viện, nhà thờ để chiêm ngưỡng các tác phẩm của các nghệ sĩ bậc thầy sáng tác về Đức Giêsu như Michel Angelo, P. Picasso, Vincent Van Gogh, Leonardo de Vinci, Salvador Dali…

Trong thời buổi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, câu trả lời cho Đức Giêsu được nhiều người tín hữu thể hiện qua hành động đã làm xúc động hàng triệu con tim trên khắp thể giới cũng như ở Việt Nam. Hàng ngàn linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân đã tình nguyện dấn thân vào các tâm dịch. Riêng tại châu Âu đã có cả trăm giám mục và cả ngàn linh mục chết vì dịch bệnh Covid-19 sau khi đã tình nguyện dấn thân săn sóc người bệnh.

Ở Việt Nam cũng đang có hàng ngàn linh mục, tu sĩ khắp nơi âm thầm lo cho các người bệnh tật nghèo khổ. Nhiều người đã hy sinh sự sống để cứu người khác như Đức Giêsu. Đối với họ, Đức Giêsu là Đấng cứu độ. Họ đã hành động như Người: “Ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

Hôm 9/9/2021, tôi nhận được tin nhắn: “Thưa cha, gia đình con đang ở Đồng Nai. Con sinh em bé được gần 5 tháng rồi. Chồng con thất nghiệp 3 tháng nay. Con nuôi 2 đứa con nhỏ với mẹ của con nữa. Giờ chỗ con đang bị phong toả lần 2. Xin cha thương giúp cho con xin ít sữa cho bé. Con sinh được 1 tháng thì bị u vú nên không đủ sữa cho bé bú ạ”. Tôi đã xin chị số tài khoản để gửi tiền. Và chị đã hiểu rằng Đức Giêsu là dòng sữa ngọt ngào.

Ngày 19/7/2021, người chủ nhà của tôi nhập viện cùng với người vợ, ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, vì nhiễm Covid-19. Bác sĩ chẩn đoán phổi anh đã bị trắng, điểm sinh tồn chỉ còn 5%, thân thể anh tím tái và đã hôn mê. Người vợ và gia đình đã thiết tha cầu nguyện. Rồi nhờ sự can thiệp lạ lùng của một bác sĩ để Bộ Y tế cho Bệnh viện xuất kho loại thuốc có tên Actemra của Công ty Roche để tiêm cho anh, anh đã hồi phục nhanh chóng và ngày 27/7/2021 xuất viện. Gia đình anh lúc đó mới biết rằng Đức Giêsu là sự sống.

Mẹ thánh Têrêsa Calcutta (1910-1997), sau cả một đời phục vụ người nghèo khổ, bệnh tật, hấp hối trên đường phố Ấn Độ, đã viết nên lời kinh “Đức Giêsu là ai đối với tôi”. Chúng tôi xin trích dẫn sau đây:

Đối với tôi, Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, là bánh ban sự sống, là của lễ được dâng trên thập giá để đền tội cho chúng ta, là lễ vật hy sinh được dâng trong thánh lễ để đền tội cho tôi và cho toàn thế giới.

Đức Giêsu là Ngôi Lời cần được nói tới, là sự thật cần được công bố, là con đường cần được đi theo, là ánh sáng cần được thắp lên, là sự sống cần được sống với, là tình yêu cần được yêu thương, là niềm vui cần được chia sẻ, là của lễ cần được hiến dâng, là hoà bình cần được trao tặng, là bánh hằng sống cần được hưởng dùng.

Đức Giêsu là người đói cần cho ăn, là người khát cần cho uống, là người rách rưới cần cho mặc, là người không nhà cửa cần tiếp đón, là người cô độc cần yêu thương, là người thừa thải cần đón nhận, là người phong cùi cần rửa vết thương, là người ăn xin cần nhận được nụ cười.

Lời kết

Đối với tôi, Đức Giêsu là Thiên Chúa của tôi, là người chồng của tôi, là sự sống của tôi, là tình yêu duy nhất của tôi, là tất cả cho những gì tôi có và là tất cả cho tôi. Amen”.

HKK