10/01/2025

TP.HCM xét nghiệm 100% trường hợp ho, sốt, khó thở

TP.HCM xét nghiệm 100% trường hợp ho, sốt, khó thở

Để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh lây lan bùng phát, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị khẩn trương tiếp tục xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp.

 

 

TP.HCM xét nghiệm 100% trường hợp ho, sốt, khó thở - Ảnh 1.

Shipper lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 test nhanh tại trạm y tế lưu động trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM sáng 31-8 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 10-9, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi bệnh viện công lập và ngoài công lập, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức, phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức về việc tăng cường công tác xét nghiệm.

Sở Y tế cho biết, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để cách ly, điều trị kịp thời, Sở Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị khẩn trương tiếp tục xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp… đến cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh lây lan bùng phát.

Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Huy động tối đa các lực lượng tham gia lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu lưu động và không hạn chế thời gian lấy mẫu.

Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn người dân tự thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên đã được tập huấn.

Khi tổ chức thực hiện lấy mẫu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo.

Trước đó, ngày 6-9 Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đã có văn bản về tăng cường công tác xét nghiệm trên địa bàn TP.HCM đến ngày 15-9.

Theo đó, để phát hiện triệt để các ca nhiễm trong cộng đồng, thu gọn vùng cam (nguy cơ cao) và vùng đỏ (nguy cơ rất cao), mở rộng và kiểm soát vùng an toàn, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP giao UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức báo cáo bằng văn bản kết quả xét nghiệm trên địa bàn và đánh giá phân loại lại vùng nguy cơ theo tổ dân phố, tổ nhân dân trước 12h ngày 6-9.

Đồng thời, tiếp tục triển khai xét nghiệm liên tục, đến ngày 15-9, tiến hành xét nghiệm vòng 3 theo hộ gia đình tại các vùng đỏ, vùng cam.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính từ 17h ngày 9-9 đến 17h ngày 10-9, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.539 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.

Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 286.242 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Đề xuất kết nối dữ liệu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vào phần mềm quản lý dân cư

Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình đề nghị UBND TP có văn bản gửi Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Công an để phối hợp kết nối, tích hợp dữ liệu giữa hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVD-19 quốc gia với hệ thống quản lý dân cư của Bộ Công an.

Trước đó, UBND TP.HCM có chỉ đạo về việc liên thông kết nối dữ liệu phần mềm quản lý an ninh xã hội và phần mềm quản lý tiêm chủng COVID-19 với phần mềm quản lý dân cư của Bộ Công an.

Ngày 5-9, Sở Y tế đã đề nghị Tập đoàn Công nghiệp và viễn thông quân đội (Viettel), là đơn vị phụ trách kỹ thuật của Hệ thống Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, hỗ trợ cung cấp danh sách người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 (mũi 1, mũi 2) từ Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để chuyển đến Công an TP.HCM.

Tuy nhiên, do yêu cầu về tính chính xác, bảo mật của dữ liệu, Tập đoàn Viettel không thể xuất dữ liệu tiêm chủng vắc xin qua tập tin Excel để gửi cho các đơn vị của TP.HCM, mà cần có kỹ thuật kết nối, đồng bộ nguồn dữ liệu giữa 2 hệ thống.

Vì vậy, việc này cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành như trên để kết nối dữ liệu.

D.N.HÀ

THU HIẾN
TTO