25/12/2024

Hé lộ quy trình phức tạp nghiên cứu vắc xin COVID-19 cho trẻ em

Hé lộ quy trình phức tạp nghiên cứu vắc xin COVID-19 cho trẻ em

Khác với việc thử nghiệm lâm sàng trên người trưởng thành, giới y khoa cho biết công tác nghiên cứu tính hiệu quả và tác động của vắc xin COVID-19 ở trẻ nhỏ đối diện với nhiều khó khăn hơn.

 

Hé lộ quy trình phức tạp nghiên cứu vắc xin COVID-19 cho trẻ em - Ảnh 1.

Các bác sĩ tại Senders Pediatrics lấy máu xét nghiệm cho hai trẻ tham gia thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech – Ảnh: WALL STREET JOURNAL

“Chúng tôi thường xuyên thực hiện nghiên cứu ở trẻ nhỏ nhưng chưa từng thực hiện nghiên cứu nào nhiều công đoạn thế này”, bác sĩ nhi khoa Shelly Senders, hiện làm việc tại một phòng khám nằm ở ngoại ô thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio (Mỹ), cho biết.

Phòng khám của bà – Senders Pediatrics – là một trong 162 địa điểm trên toàn thế giới nghiên cứu hiệu quả về tác động của vắc xin Pfizer-BioNTech đối với trẻ em.

Theo Wall Street Journal, sau khi xuất kho, vắc xin Pfizer-BioNTech sẽ lập tức được chuyển tới điểm rút vắc xin cho vào từng lọ. Từng lọ vắc xin sẽ được rút thành từng liều phù hợp để tiêm cho trẻ nhỏ, rồi tiếp tục được chuyển tới điểm tiêm chủng.

Toàn bộ quá trình trên chỉ được phép kéo dài trong hai giờ đồng hồ và vắc xin phải luôn được làm mát ở nhiệt độ phù hợp để bảo đảm độ an toàn.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm trẻ tham gia nghiên cứu cũng khó hơn hẳn so với người lớn vì công ty buộc phải có sự cho phép của phụ huynh hay người giám hộ.

Ngay cả khi nhận được sự đồng ý này, các bác sĩ cũng chưa chắc có thể tiêm cho trẻ. Nhiều người đã gặp các trường hợp trẻ từ chối tiêm vì sợ mũi kim.

Tiếp đó, giới chuyên gia cho biết việc ghi nhận các phản ứng sau tiêm ở trẻ nhỏ cũng khó hơn hẳn so với người lớn, vì các em chưa thể biểu đạt chính xác cảm giác của mình.

Những thách thức này đã khiến việc thử nghiệm tiêm vắc xin cho trẻ trở nên khó khăn hơn, đồng thời khiến thời gian nghiên cứu và phê duyệt vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi tại Mỹ chậm lại.

Với số trẻ em mắc COVID-19 đang tăng lên, Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác đang nỗ lực đưa trẻ em vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Đây được xem là phòng tuyến tiếp theo để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trên trang web chính thức, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo công dân từ 12 tuổi trở lên nên tiêm chủng để ngừa COVID-19.

CDC đã cấp phép tiêm vắc xin COVID-19 của hai hãng dược Pfizer và BioNTech cho trẻ từ 12 tới 15 tuổi. Tuy nhiên, các nghiên cứu về hiệu quả và tác động của vắc xin COVID-19 đối với trẻ dưới 12 tuổi vẫn chưa hoàn thiện.

Nhiều bậc phụ huynh tại Mỹ cảm thấy nóng ruột khi con em của họ vẫn chưa được tiêm chủng, trong khi biến thể Delta vẫn đang lây lan mạnh và mùa tựu trường đã bắt đầu.

Theo báo Wall Street Journal, kết quả thử nghiệm lâm sàng của vắc xin Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 5 tới 12 tuổi sẽ được công bố vào cuối tháng 9-2021.

Điều này đồng nghĩa rằng có thể phải đến tháng 10-2021 hoặc 11-2021, Mỹ mới cấp phép tiêm chủng loại vắc xin này cho trẻ từ 5 tới 12 tuổi. Và sẽ mất nhiều tháng tiếp theo để Mỹ cho phép tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech cho trẻ dưới 5 tuổi.

Trong khi đó, người đại diện của Moderna cho biết hãng kỳ vọng sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ từ 6 tới 12 tuổi vào cuối năm nay và cho trẻ từ 6 tháng tới dưới 6 tuổi đầu năm sau.

NGUYÊN HẠNH
TTO