23/01/2025

Chúa Nhật XXIII TN B 2021: Khuyết tật câm điếc

Ngày nay, dù với khoa học tiến bộ và đời sống no đủ, số người mắc các dạng câm điếc về thể lý vẫn không giảm và dạng câm điếc về tinh thần còn tăng hơn.

Chúa Nhật XXIII TN B 2021

Khuyết tật câm điếc

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay nói đến khuyết tật câm điếc được Chúa chữa lành. Qua Bài đọc I (x. Is 35,4-7), tiên tri Isaia tuyên bố: “Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em, bấy giờ tai người điếc nghe được, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. Bài Tin Mừng (x. Mc 7,31-37) kể lại: “Đức Giêsu làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”. Còn thánh Giacôbê, qua Bài đọc II (x. Gc 2,1-5), nhắc nhở ta tôn trọng và nói thay cho những người nghèo khổ, yếu thế, không có tiếng nói trong xã hội. Vì vậy, ta sẽ cùng tìm hiểu những dạng khuyết tật câm điếc trong đời sống để có thể chữa lành cho mình và người khác.

1. Nhiều dạng câm điếc

Ngày nay, dù với khoa học tiến bộ và đời sống no đủ, số người mắc các dạng câm điếc về thể lý vẫn không giảm và dạng câm điếc về tinh thần còn tăng hơn.

Việt Nam hiện có khoảng 800.000 người bị điếc thể lý, đa số từ lúc sinh ra, do gen PDS trong bộ nhiễm sắc thể bị xáo trộn. Khuyết tật này cũng có thể bắt nguồn từ việc người mẹ khi mang thai đã dùng thuốc kháng sinh như Streptomycin, Neomycin, bị nhiễm virus Rubella, bị bệnh giang mai, bệnh lậu. Hoặc lúc ra đời đứa trẻ bị ngạt hơi, hay khi sinh mổ, người ta vô tình kẹp vào thần kinh tai khiến trẻ bị điếc, dẫn đến câm sau này. Hoặc khi trẻ lớn rồi, bị viêm tai giữa, bị côn trùng chui vào cắn thủng màng nhĩ… Thực tế nhiều trẻ vẫn còn khả năng nói, nhưng vì trẻ không nghe được, nên cũng không nói được.

Chúng ta lưu ý đến hiện tượng trẻ tự kỷ đang tăng rất nhanh ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Việt Nam hiện có khoảng hơn 200.000 trẻ, mỗi năm có thêm từ 15.000-20.000 trẻ mắc mới. Theo thống kê gần đây, cứ 55 trẻ sinh ra có 1 trẻ tự kỷ. Trẻ lơ đễnh không giao tiếp với ai, không bày tỏ yêu thương quyến luyến cha mẹ. Trẻ có thể ngồi làm một hành động đơn giản vài tiếng đồng hồ, nói những âm đơn điệu, vô nghĩa, lặp đi lặp lại lẩm bẩm một mình.

Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc cha mẹ căng thẳng khi ân ái ảnh hưởng đến phôi thai và sự phát triển hệ thần kinh của bào thai sau này, hoặc do hoá chất từ đồ ăn, thức uống, thuốc men và cả môi trường sống không lành mạnh. Chúng tôi đã sử dụng phương pháp phản hồi thần kinh (neurofeedback) để kiểm tra các chức năng não của trẻ tự kỷ bằng máy BrainMaster do các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) phát minh, để đo cho các em và thấy có những rối loạn trong bộ não của chúng.

Có những trẻ câm điếc hay nghe nói rất kém, bắt nguồn từ việc người nuôi trẻ đã lạm dụng việc cho trẻ chơi các trò chơi điện tử, xem phim ảnh trong điện thoại hay máy tính bảng. Khi trẻ khóc hay không chịu ăn, người ta dùng cách đó để dỗ chúng. Trí óc non nớt của trẻ 1-2 tuổi lúc đó chưa biết nghe hay biết nói một từ nào, đã phải tiếp nhận hàng tỉ dữ liệu hình ảnh, âm thanh vô nghĩa. Chúng được lưu trữ trong bộ nhớ. Do đó, khi trẻ lớn lên, bộ nhớ và các chức năng não bị xáo trộn, dù bộ não lúc mới sinh hoàn toàn bình thường. Trẻ cũng có thể không muốn nghe và nói do tổn thương tâm lý, nhất là khi bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục, sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn hay bị bỏ mặc.

Tật câm điếc về tinh thần còn phổ biến hơn mà rất nhiều người chúng ta có thể không bao giờ ngờ tới. Giống như những trẻ có bộ não bình thường, nhưng đã chứa đầy các hình ảnh, âm thanh vô nghĩa thì người lớn cũng vậy. Chúng ta đang sống trong thời đại tin học, tiếp xúc hằng ngày bằng điện thoại, máy tính, truyền hình, mạng internet, với đủ loại chương trình hấp dẫn, thoả mãn mọi nhu cầu của con người về văn hoá, tôn giáo, kinh tế, giải trí… Mỗi ngày bộ não thu nhận hàng tỉ dữ liệu (data) về màu sắc, âm thanh, từ ngữ, cử động để tạo thành tư tưởng và nhờ đó phát ra lời nói cũng như hành động của mỗi người.

Nếu ta chỉ thích xem những phim ảnh đồi truỵ, ma quái, bạo lực, tâm lý tiêu cực, khoa học hoang tưởng, thì khi bộ não chứa đầy dữ liệu loại đó, chắc chắn ta sẽ trở thành người điếc tinh thần vì không nghe được những lời dạy về sự thật và sự sống của Chúa, những lời hay ý đẹp của con người. Rồi từ đó ta trở thành người câm tinh thần. Trong mùa dịch bệnh này, chúng ta tự kiểm điểm xem mình đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như thế nào?

Ngoài những con người tự đầu độc mình trở thành câm điếc vừa kể, còn có những gia đình, tổ chức, chính quyền, dân tộc đang đầu độc người khác bằng bạo lực hay thủ đoạn, để họ trở thành những người câm, điếc bất xứng với nhân phẩm. Do nắm giữ các phương tiện thông tin, người ta tuyên truyền một thứ chủ nghĩa tôn giáo hay quốc gia cực đoan như đang thấy ở Afghanistan, Trung Quốc, Triều Tiên hay trong một số nước khác. Người ta tô vẽ giả tạo một nhân vật nào đó, biến họ thành thần tượng, anh hùng. Những nạn nhân này, vì bị đầu độc tinh thần, nên không còn biết nghe, biết nói những gì tốt đẹp, ngoài những điều được tuyên truyền. Vì thế Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc xác định: “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Ai cũng có quyền tự do quan niệm, tự do phát biểu” (điều 18-19).

Vì thế, được trở thành một con người biết nghe và biết nói điều đúng, điều tốt, điều đẹp vừa là một hạnh phúc, vừa là một giá trị tuyệt vời mà ai cũng mong ước. Đó cũng là một ơn lành khiến ta tìm đến với Đức Giêsu để Người chữa lành cho ta và là một nhiệm vụ thúc đẩy ta chữa lành khuyết tật này cho anh chị em mình.

2. Chữa lành khuyết tật câm điếc

2.1. Chúa Giêsu chữa lành.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chữa một người câm điếc. Người đưa anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, nhổ nước miếng và bôi vào lưỡi anh. Ngước mắt lên trời, Người thở dài và nói: “Epphata”, nghĩa là “Hãy mở ra”. Đây là những cử chỉ tượng trưng cho việc cứu độ mà Đức Giêsu chính là hiện thân của Thiên Chúa được tiên tri Isaia báo trước: “Thiên Chúa của anh em đây rồi, chính Người sẽ đến cứu anh em “.

Đức Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ chữa lành bệnh tật trong những năm tháng rao giảng Tin Mừng. Người rất gần gũi với những ai bệnh tật khổ đau. Người chạm vào họ, tác động họ bằng quyền năng của Người, bôi nước miếng từ miệng Người giống như là dùng lời từ miệng mình dựng nên vũ trụ vạn vật. Người muốn dựng nên một con người mới nghe được, nói được.

Chúng ta hãy nhìn vào Đức Giêsu để xin Người chữa lành khuyết tật câm điếc cho mình: Thiên Chúa đang nói trong đời sống của ta qua tiếng lương tâm, trong vạn vật, trong những biến cố, trong Thánh Kinh, trong lời giảng dạy của Giáo Hội, nhưng rất nhiều người chúng ta không nghe được Lời Chúa cũng không truyền giảng Lời Chúa cho người khác.

2.2. Chúng ta chữa lành

Hơn nữa, cả triệu người bị câm điếc về thể lý và tinh thần đang cần ta giúp đỡ.

Trước hết, chúng ta chữa lành họ bằng quyền năng của Chúa Giêsu, vì Người ban cho ta quyền năng ấy qua những ân huệ của Thánh Thần, để nhờ lời cầu nguyện và tác động của ta mà họ được chữa lành. Chúng ta phải đến gần, phải chạm vào họ như Chúa Giêsu, vì họ đang trốn trong nhà, đang xa lánh xã hội do bị khinh miệt và mang những mặc cảm tự ti.

Hơn nữa, ta cần học thêm những kỹ thuật mới để có thể giúp họ. Trong hội nghị về trẻ tự kỷ do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức năm 2018, chúng tôi đã giới thiệu phương pháp “phản hồi thần kinh” và đang chữa trị những trẻ tự kỷ bằng hệ thống máy BrainMaster.

Chúng ta biết rằng để nói được, nghe được, bộ não của chúng ta phải vận hành nhiều vùng chức năng ở vỏ não: như vùng vỏ não thính giác quanh tai để đón nhận âm thanh, vùng Broca ở gần tai để đón nhận từ ngữ, vùng Wernike để hiểu được nghĩa của từ, khu Geschwind để nối kết nghĩa với từ, vùng vỏ não thị giác ở đằng sau gáy để kết nối hình ảnh, vùng vỏ não vận động ở trên đỉnh đầu để mở miệng, uốn lưỡi, và vùng điều hành trung tâm ở phía trước trán để tổng hợp. Nếu một vùng nào trong 7 vùng này hoạt động bất thường, người ta không thể nói hay nghe tốt được (x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể người, 2016, tr.305).

Nhờ nghiên cứu điều này, chúng tôi dạy các phụ huynh xoa bóp các vùng não đó trên đầu bệnh nhân cho máu nuôi não và kích thích vỏ não, nên việc chữa trị có hiệu quả nhanh chóng. Anh chị em có thể tự làm cho mình hay cho người thân để nghe rõ hơn, nói rõ hơn. Đó cũng là những đụng chạm đầy tình người của Chúa Giêsu cho những người câm điếc mà ta có thể làm để chữa lành.

Lời kết

Khi thực hiện những việc đó kèm theo lời cầu nguyện, người khác sẽ cảm thấy quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu được thực hiện cho con người qua bàn tay nhỏ bé của ta. Nhờ đó, ta trở thành hiện thân của Chúa cho thế giới hôm nay.

anh nao, phan giai thuong

HKK