23/11/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Những người Galát ngu ngốc

Tiếp tục loạt bài giáo lý về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, chúng ta thấy Thánh Tông đồ nhấn mạnh vào sự mới mẻ của cuộc sống trong Đấng Kitô, điều này giúp Kitô hữu thoát khỏi tình trạng tôn giáo chỉ dựa trên việc tuân thủ các giới luật một cách cẩn thận.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Tư, 01 tháng 9 năm 2021

____________________________

Bài Giáo lý về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát:
7. Những người Galát ngu ngốc

Lời Chúa |Gl 3,1-5|

1 Hỡi những người Ga-lát ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt?2 Tôi muốn anh em cho tôi biết điều này thôi: anh em đã nhận được Thần Khí vì đã làm những gì Luật dạy, hay vì đã tin nhờ được nghe?3 Anh em ngu xuẩn như thế sao? Anh em đã khởi sự nhờ Thần Khí, nay lại kết thúc nhờ xác thịt sao?4 Bấy nhiêu kinh nghiệm anh em đã trải qua, lại uổng công sao? Mà quả thật là uổng công!5 Vậy Đấng đã rộng ban Thần Khí cho anh em và thực hiện những phép lạ giữa anh em, có phải vì anh em làm những gì Luật dạy, hay vì anh em đã tin nhờ được nghe?

_______________________________
Anh chị em thân mến,
chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Chúng ta sẽ tiếp tục giải thích Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Đây, lời giải thích này, không phải là điều gì mới mẻ, nó là giải thích của tôi: điều chúng ta đang nghiên cứu là điều Thánh Phaolô nói trong một cuộc xung đột rất nghiêm trọng với người Galát. Và nó cũng là Lời Chúa, vì nó đã đi vào Kinh thánh. Chúng không phải là điều mà ai đó đã tạo ra: không. Nó là một điều gì đó đã xảy ra thời đó và có thể tự lặp lại. Đây chỉ là một bài giáo lý về Lời Chúa được phát biểu trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát; không có gì khác. Điều này phải luôn được ghi nhớ. Và trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy Thánh Tông đồ Phaolô cho các Kitô hữu đầu tiên của Galát thấy nguy hiểm như thế nào khi rời khỏi con đường mà họ đã bắt đầu đi bằng cách nghinh đón in Mừng. Thật vậy, nguy cơ là nhượng bộ chủ nghĩa duy hình thức, một trong những cám dỗ dẫn đến giả hình, điều mà chúng ta đã nói ở lần trước. Từ bỏ chủ nghĩa duy hình thức, và phủ nhận phẩm giá mới mà họ đã nhận được: phẩm giá của những người được Chúa Kitô cứu chuộc. Đoạn văn chúng ta vừa nghe là đoạn mở đầu phần thứ hai của Lá thư. Cho đến nay, Thánh Phaolô đã nói về cuộc đời và ơn gọi của ngài: về việc ân sủng của Thiên Chúa đã biến đổi đời ngài ra sao, đặt nó hoàn toàn vào việc phục vụ công cuộc truyền bá Tin Mừng. Tại thời điểm này, ngài trực tiếp thách thức người Galát: ngài đặt trước mặt họ những lựa chọn mà họ đã chọn và tình trạng hiện tại của họ, vốn có thể vô hiệu hoá kinh nghiệm ân sủng mà họ đã sống.

Và những từ ngữ mà Thánh Tông đồ dùng để nói với người Galát chắc chắn không nhã nhặn: chúng ta đã nghe rồi. Trong các Thư khác, ta có thể dễ dàng tìm thấy các cụm từ như “Anh em” hoặc “các bạn thân mến”; ở đây không, bởi vì ngài đang tức giận. Ngài nói chung “Những người Galát” và ít nhất 2 lần gọi họ là “ngu ngốc”, đây không phải là một thuật ngữ lịch sự. Ngu xuẩn, vô tri, có thể có nhiều ý nghĩa… Ngài làm vậy không phải vì họ không thông minh, nhưng vì, hầu như không biết ra điều đó, họ có nguy cơ đánh mất đức tin nơi Chúa Kitô mà họ đã nhiệt thành đón nhận. Họ ngu xuẩn vì họ không ý thức được rằng điều nguy hiểm là đánh mất kho tàng quý giá, vẻ đẹp, sự mới mẻ của Chúa Kitô. Sự ngạc nhiên và nỗi buồn của Thánh Tông đồ rất rõ ràng. Một cách cay đắng, ngài kích thích các Kitô hữu đó nhớ lại lời công bố đầu tiên của ngài, với lời này, ngài cho họ khả thể đạt được một sự tự do mới mẻ, cho đến nay vẫn chưa được ai hy vọng.

Thánh Tông đồ đặt câu hỏi cho tín hữu Galát, với ý định lay chuyển lương tâm của họ: đây là lý do tại sao nó mạnh mẽ như thế. Đó là những câu hỏi khoa trương, bởi vì người Galát biết rất rõ rằng việc họ đến với đức tin vào Chúa Kitô là hoa trái của ân sủng nhận được qua việc rao giảng Tin Mừng. Ngài đưa họ trở lại điểm xuất phát của ơn gọi Kitô hữu. Lời họ đã nghe từ thánh Phaolô tập chú vào tình yêu Thiên Chúa, được bày tỏ trọn vẹn qua sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô không thể nào tìm được cách diễn đạt thuyết phục hơn về điều mà có lẽ ngài đã lặp lại với họ nhiều lần trong lời rao giảng của ngài: “Không còn phải là tôi sống nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi. Và cuộc sống hiện tôi đang sống trong xác thịt tôi là sống bởi đức tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu tôi và hiến chính Người vì tôi ”(Gl 2: 20). Thánh Phaolô không muốn biết ai ngoài Chúa Kitô bị đóng đinh (xem 1 Cr 2: 2). Người Galát phải nhìn vào biến cố này, không để mình bị phân tâm bởi những lời công bố khác. Nói tóm lại – ý định của Thánh Phaolô là buộc các Kitô hữu nhận ra điều đang bị đe dọa, để họ không để mình bị mê hoặc bởi giọng nói của nữ nhân ngư muốn dẫn họ đến một tôn giáo chỉ dựa trên việc tuân thủ các giới luật một cách lo lắng. Bởi vì những người truyền giảng mới đến Galát đã thuyết phục họ rằng họ nên quay trở lại và quay trở lại với những giới luật mà họ đã tuân giữ và hoàn thiện trước việc Chúa Kitô đến, một việc vốn là tính nhưng không của ơn cứu rỗi.

Ngoài ra, người Galát hiểu rất rõ những gì Thánh Tông đồ đang đề cập đến. Chắc chắn họ đã có kinh nghiệm về tác động của Chúa Thánh Thần trong các cộng đồng của họ: cũng như trong các Giáo hội khác, lòng bác ái và các đặc sủng khác nhau cũng đã được biểu lộ ở giữa họ. Khi bị thử thách, họ phải trả lời rằng những gì họ đã trải qua là kết quả của sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần. Do đó, lúc khởi đầu của việc họ đến với đức tin là sáng kiến của Thiên Chúa, không phải của loài người. Chúa Thánh Thần đã là tác nhân kinh nghiệm của họ; nay đặt Người vào hậu cảnh để dành ưu thế cho việc làm của chính họ – tức là, việc thực hiện các giới răn của Lề luật – sẽ là một điều ngu xuẩn. Sự thánh thiện phát xuất từ Chúa Thánh Thần và từ tính nhưng không của ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu: điều này làm chúng ta ra công chính.

Bằng cách này, Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta suy tư: chúng ta phải sống đức tin của mình như thế nào? Liệu tình yêu của Chúa Kitô, bị đóng đinh và sống lại, có còn là trung tâm của cuộc sống hàng ngày của chúng ta như nguồn mạch của sự cứu rỗi, hay chúng ta bằng lòng với một vài nghi thức tôn giáo để cứu lương tâm của chúng ta? Chúng ta phải sống đức tin của chúng ta ra sao? Chúng ta có gắn bó với kho tàng quý giá, với vẻ đẹp của sự mới mẻ của Chúa Kitô, hay chúng ta thích điều gì đó thu hút chúng ta nhất thời nhưng sau đó lại khiến chúng ta trống rỗng bên trong hơn? Điều phù du thường gõ cửa trong những ngày sống của chúng ta, nhưng nó là một ảo ảnh đáng buồn, khiến chúng ta nhượng bộ sự hời hợt và ngăn cản chúng ta nhận ra điều gì mới thực sự đáng sống. Thưa anh chị em, chúng ta hãy giữ vững xác tín rằng, ngay cả khi chúng ta bị cám dỗ muốn quay đi, Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban tặng các ơn phúc của Người. Trong suốt lịch sử, ngay cả ngày nay, sự việc xảy ra giống như những gì đã xảy ra với người Galát. Cả ngày nay nữa, người ta đến và kêu gọi chúng ta, họ nói rằng, “Không, sự thánh thiện nằm ở các giới luật này, trong những điều này, bạn phải làm điều này điều nọ”, và đề nghị một lòng đạo không linh hoạt, sự không linh hoạt khiến chúng ta mất tự do trong Thánh Thần mà ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã ban cho chúng ta. Anh chị em hãy coi chừng sự cứng ngắc mà họ đề nghị với anh chị em: hãy cẩn thận. Bởi vì đằng sau mỗi sự thiếu linh hoạt đều có điều gì đó xấu xa, đó không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa. Và vì lý do này, Lá Thư này sẽ giúp chúng ta không nghe theo những đề nghị cực đoan đó khiến chúng ta đi lui trong đời sống thiêng liêng của chúng ta, và sẽ giúp chúng ta tiến tới trong ơn gọi vượt qua của Chúa Giêsu. Đây là điều mà Thánh Tông đồ nhắc lại với người Galát khi ngài nhắc họ nhớ rằng Chúa Cha “ban Chúa Thánh Thần cho anh em và làm các phép lạ nơi anh em” (3: 5). Ngài nói ở thì hiện tại, chứ ngài không nói “Chúa Cha đã ban Chúa Thánh Thần cho anh em”, chương 3, câu 5, không: ngài nói – Chúa Cha “ban cho”; ngài không nói, “đã làm”, nhưng ngài nói “làm”. Bởi vì, bất chấp mọi khó khăn mà chúng ta có thể gây ra cho hành động của Người, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta mà đúng hơn ở với chúng ta bằng một tình yêu đầy thương xót của Người. Người giống như người cha ấy, ngày nào cũng lên sân thượng để xem con trai mình có trở về hay không: tình yêu thương của Chúa Cha không bao giờ làm cho chúng ta mệt mỏi. Chúng ta hãy cầu xin sự khôn ngoan để luôn ý thức được thực tại này, và quay lưng lại với những người cực đoan, chuyên đề nghị cho chúng ta một cuộc sống khổ hạnh giả tạo, xa rời sự phục sinh của Chúa Kitô. Chủ nghĩa khổ hạnh là cần thiết, nhưng chủ nghĩa khổ hạnh khôn ngoan, chứ không giả tạo.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: vietcatholicnews.org

_____________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến! Tiếp tục loạt bài giáo lý về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, chúng ta thấy Thánh Tông đồ nhấn mạnh vào sự mới mẻ của cuộc sống trong Đấng Kitô, điều này giúp Kitô hữu thoát khỏi tình trạng tôn giáo chỉ dựa trên việc tuân thủ các giới luật một cách cẩn thận. Thánh Phaolô nhắc nhở người Galát về ân sủng cứu rỗi mà họ nhận được nhờ đức tin nơi sứ điệp Phúc âm về sự chết và sự phục sinh của Đấng Kitô, và kinh nghiệm của họ về sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần ở giữa họ. Tương tự như vậy, Phaolô cũng chỉ ra kinh nghiệm cá nhân của ông về ân sủng và sự tự do do đức tin nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh mang lại: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Khi ngỏ lời với người Galát, Thánh tông đồ cũng nói với chúng ta; ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy vui mừng trong sự công bình mà chúng ta đã nhận được nhờ đức tin nơi Chúa Kitô và làm chứng thuyết phục cho lòng thương xót của Thiên Chúa trong cách chúng ta sống cuộc sống hàng ngày của mình.