23/12/2024

Chúa Nhật XXII TN B: Luật Chúa và luật phàm nhân

Chúa Giêsu đã đặt mình trong đường hướng thiêng liêng của các ngôn sứ và các thầy dạy đạo đức đương thời; Người chống lại một nền đạo giáo bị giảm trừ xuống mức chỉ biết tuân giữ một bộ luật pháp lý. Người khẳng định rằng Thiên Chúa không ưa thích sự trong sạch theo chủ nghĩa hình thức bên ngoài.

CHÚA NHẬT XXII TN – B

(Đnl 4,1-2.6-8; Gc 1,17-18.21-22.27; Mc 7,1-8.14-15.21-23)

LUẬT CHÚA VÀ LUẬT PHÀM NHÂN

“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa,
mà duy trì truyền thống của người phàm”
(Mc 7,8)

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Đnl 4,1-2.6-8)

Bài đọc hôm nay khởi đầu các huấn thị làm nên sách Đệ Nhị Luật và được cho là của Môsê truyền cho dân tại Môab, sau khi kết thúc hành trình bốn mươi năm trong sa mạc, ngay chính trong ngày mất của ông (x. Đnl 1,1-5). Đây được xem như là những lời cuối cùng của ông Môsê, hoặc như một chúc thư thiêng liêng, trong đó Môsê đã nhắc lại những sự kiện quan trọng đã qua và kêu gọi dân Israel trung thành với lề luật của Thiên Chúa để có được một cuộc sống yên hàn trong miền đất sắp chiếm hữu.

Trong phần đầu (cc. 1-2), huấn dụ đã nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối và bất khả xâm phạm của lề luật và không ai có thể sửa đổi được, bởi nó không do bởi con người, mà thuộc về Thiên Chúa; do vậy, không được thêm vào điều gì và cũng không được bớt đi phần nào trong các mệnh lệnh này.

Phần hai (cc. 6-8) của đoạn trích mô tả niềm tự hào của dân Do Thái về bộ Luật mà Thiên Chúa ban cho họ: có dân tộc vĩ đại nào được như thế không? và kêu gọi họ phải tuân giữ và thi hành, bởi qua điều đó họ sẽ được chứng thật là một dân khôn ngoan và thông minh.

Ngày nay, trước mỗi khi đọc bản Luật thánh này trong hội đường, vị chủ lễ nâng cao cuộn Kinh Thánh đã mở và tung hô: “Đây là Luật mà Môsê đã truyền cho con cái Israel theo lệnh của Đức Chúa. Đây là cây sự sống cho những ai biết chiếm hữu cho mình; những ai đón nhận sẽ có được niềm vui bất tận”.

2. Bài đọc II (Gc 1,17-18.21-22.27)

Thư thánh Giacôbê tông đồ sẽ đồng hành với chúng ta trong năm tuần lễ kế tiếp; thư này có thể được xem như là một suy niệm về nền tảng luân lý Tin mừng, được viết vào khoảng năm 60 bởi một Kitô hữu thuộc cộng đoàn tại Giêrusalem.

Đoạn trích hôm nay có chủ đề về Lời Chúa. Phần đầu (cc.17-18) đáp trả cho những ai nghĩ rằng: từ Thiên Chúa phát xuất cả sự dữ, thánh Giacôbê khẳng định rằng từ nơi Thiên Chúa chỉ xuất phát những điều thiện hảo, vì chính Người là ánh sáng và nơi Người không có tối tăm mờ ảo.

“Lời chân lý” ở đây, nghĩa là ơn cứu độ được thực hiện nơi Đức Kitô, là một ân ban đến từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, để đạt được ơn cứu độ, việc lắng nghe Lời Chúa là chưa đủ, nhưng cần phải “khiêm tốn đón nhận” (c. 21) để có thể sinh hoa kết trái. Nếu con người không mở lòng trước chân lý, thì Lời này, như hạt giống rơi trên đá sỏi, sẽ bị héo khô. Nhất thiết phải tiến tới một bước cuối cùng quyết định, đó là: mang Lời Chúa ra thực hành.

Ai nghe Lời Chúa mà không hoán cải đời sống mình giống như người soi mình trong gương, dù thấy những vết tích bẩn nơi mặt, nhưng rồi bỏ đi mà không chùi cho sạch (cc.23-24). Vì thế, Lời Chúa được ví như tấm gương soi chiếu những vết hằn trong sâu thẳm tâm can con người.

Cuối cùng, đối với những người lẫn lộn giữa một đạo giáo thật trong tâm hồn với một nền đạo giáo chỉ biết câu nệ vào hình thức bên ngoài, thánh Giacôbê đã đưa ra những tiêu chí của một lòng đạo đức đích thực, đó là: thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian (c.27). Vì thế, lắng nghe Lời Chúa giúp con người có lối suy nghĩ và cảm xúc tương tự như của Thiên Chúa đối với những con người bé nhỏ nhất, đồng thời không bị dính bén với của cải chóng qua ở đời này, bởi lẽ, hy lễ mà Chúa ưa thích nhất chính là “làm việc thiện và giúp đỡ lẫn nhau” (Dt 13,16).

3. Bài Tin mừng (Mc 7,1-8.14-15.21-23)

Sau khi suy niệm năm Chúa nhật liên tiếp về diễn từ bánh trường sinh, Chúa nhật này bắt đầu trở lại với Tin mừng Marcô cho đến cuối năm phụng vụ.

Bài đọc hôm nay bàn đến một yếu tố trọng yếu của Do Thái giáo, đó là việc thanh tẩy.

Phần thứ nhất (cc.1-18) ghi lại cuộc tranh luận gay gắt giữa Chúa Giêsu với các kinh sư và biệt phái đến từ Giêrusalem, do các môn đệ của Chúa Giêsu đã không tôn trọng sự phân biệt giữa hai phạm trù: thánh và phàm tục, nghĩa là “dùng bữa mà tay còn ô uế” (c.2).

Sự chỉ trích này không nhắm đến những chuẩn tắc về vệ sinh, nhưng là do bởi không thực thi nghi thức thanh tẩy theo luật định.

Vậy từ đâu xuất phát những luật định này? Thưa là từ “truyền thống của tiền nhân”, từ những lời dạy của các thầy rabbi được đồng hoá ngang hàng giá trị với Sách thánh.

Kinh Thánh quy định rằng, trước khi dâng lễ tế trong đền thờ, vị tư tế phải tẩy rửa chân tay (x. Xh 30,17-21). Dần dần, tập tục này được nhân rộng ra cho những nhóm người có lòng mộ mến, sau đó trở thành điều lệ trong dân, và được xem như là điều luật Chúa dạy.

Việc gán ghép những luật định này như lời Chúa dạy đã tạo ra những hệ quả đáng tiếc, đó là gán cho Chúa việc phân biệt giữa những hạng người thanh sạch và ô uế, giữa người công chính và tội lỗi. Sự phân biệt này và những luật định đi kèm đã tạo ra sự cô lập và phân cấp trong dân. Điều này Thiên Chúa không bao giờ muốn, mọi cái đối với Người là thanh sạch như ý Người muốn (x. Cv 10), Người không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tầng lớp xã hội (x. Gl 3,28).

Và Chúa Giêsu đã đặt mình trong đường hướng thiêng liêng của các ngôn sứ và các thầy dạy đạo đức đương thời; Người chống lại một nền đạo giáo bị giảm trừ xuống mức chỉ biết tuân giữ một bộ luật pháp lý. Người khẳng định rằng Thiên Chúa không ưa thích sự trong sạch theo chủ nghĩa hình thức bên ngoài. Cũng như các ngôn sứ năm xưa (Am 5,21-27; Is1,11-20; 58,1-14), Người không ngần ngại lên án lối sống đạo “môi miệng” sai lạc với các giới luật đầy tính “phàm nhân”.

Trong đoạn hai (cc.14-23), Đức Giêsu đã đưa ra tiêu chí để phân định giữa thạnh sạch và ô uế, đó là: những điều gây nên ô uế con người không phải từ bên ngoài, mà là những điều từ bên trong tâm hồn. Nói cách khác, điều phân định một hành động là thanh sạch hay ô uế không phải dựa trên sự tương hợp hay không tương hợp với một quy định, mà nằm ở sự kiện là hành động đó ủng hộ hay chống lại con người. Điều khẳng định cho việc ăn uống này cũng có giá trị như tất cả các quy định khác xuất phát từ cái được gọi là “truyền thống tiền nhân”.

Tác giả Thánh vịnh 24, khi trả lời cho câu hỏi “Ai được lên núi Chúa, ai được ở trong đền thánh của Người?”đã có câu trả lời rất hay rằng: “Đó là kẻ tay sạch [vô tội] lòng thanh” (Tv 24,3-4).

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Dân Israel được Thiên Chúa căn dặn phải tuân giữ nghiêm ngặt tất cả những thánh chỉ và giới luật của Người, và phần thưởng sẽ là cuộc sống trên miền đất được hứa ban. Là một người Kitô hữu, đâu là vai trò và giá trị của Lời Chúa và những giới răn của Người trong cuộc đời tôi? Tôi cảm nghiệm được gì, khi Đức Giêsu bảo tôi: “Nếu anh em yêu mến thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14,15)? Có khi nào tôi đã quá chú trọng đến những định chế do con người đặt ra làm phương hại đến phẩm giá con người, mà quên đi cốt lõi của giới răn Chúa là mến Chúa yêu người?

2. Thánh Giacôbê trong thư của mình đã khuyên các tín hữu đừng nghe Lời Chúa suông, nhưng hãy sống và mang Lời Chúa ra thực hành, biến Lời Chúa thành những việc làm bác ái cụ thể hàng ngày. Vậy với tôi, Lời Chúa dạy tôi mỗi ngày đã thực sự đơm bông kết trái trong đời sống thường nhật của tôi?

3. Qua cuộc tranh luận về sự thanh sạch và ô uế, Đức Giêsu đã dạy cho chúng ta thế nào là một lòng đạo đức đích thật. Nhìn lại cách sống đạo của tôi, đâu là tương quan mà tôi có được với Chúa và với tha nhân qua những câu kinh lời nguyện của tôi?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã ban lề luật và Lời Chúa để hướng dẫn Dân của Người theo đường công chính, hầu được hưởng hạnh phúc đích thực và trường tồn. Với tâm tình tri ân cùng tín thác, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết cầu xin:

1. Hội thánh có sứ mạng rao giảng Lời Chúa và mời gọi mọi người tuân giữ Luật Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần của Hội thánh luôn ý thức chu toàn sứ vụ ngôn sứ, bằng lời rao giảng và gương sáng trong đời sống hằng ngày.

2. Con người thời đại đang tỏ ra thờ ơ với những giá trị thiêng liêng và dị ứng với lề luật. Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi dẫn những tâm hồn lầm lạc, để họ biết trân trọng đón nhận sứ điệp Tin mừng và nhạy bén trước tiếng thôi thúc của lương tâm.

3. Gia đình Công giáo là ngôi trường đầu tiên huấn luyện và đào tạo đức tin. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu với trách nhiệm làm cha mẹ, luôn quan tâm và tận tình hướng dẫn con cái cầu nguyện và sống đức tin qua những giờ kinh chung trong gia đình.

4. “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết yêu mến và say mê học hỏi Thánh kinh, thực hành Lời Chúa, và nỗ lực sống giới răn mến Chúa – yêu người.

Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch sự sống, Chúa đã ban lề luật và Lời Chúa làm ngọn đèn dẫn đưa chúng con đến sự sống đời đời. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn giúp sức, để chúng con luôn vững bước theo đường ngay nẻo chính. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ban MVPT TGP.