15/09/2024

Tổng thống Pháp thăm các Kitô hữu ở Mosul, Iraq

Tổng thống Pháp thăm các Kitô hữu ở Mosul, Iraq

Hôm 29/8/2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm các Kitô hữu ở Mosul, tại Nhà thờ Đức Bà Thời Gian, bị chiến tranh tàn phá năm 2003 và đang được Unesco tái thiết.

Trong bài phát biểu tại đây, Tổng thống Pháp nói ông đến đây để “nhìn nhận tầm quan trọng của Mosul”, thành phố lớn thứ hai của Iraq, và kêu gọi người dân Iraq cùng nhau làm việc để tái thiết đất nước.

Pháp là quốc gia tài trợ trong các khu vực nói tiếng Pháp, và muốn bảo vệ các Kitô hữu ở phương Đông và các dân tộc thiểu số. Ông Macron tuyên bố trong cuộc viếng thăm: “Chúng tôi sẽ đưa lãnh sự quán và các trường học trở lại Mosul.”

Trước đây, thành phố này cũng như đồng bằng Ninivê từng là những địa điểm quan trọng của Kitô giáo. Nhưng sau đó, do bạo lực bùng phát vào năm 2003, và từ năm 2014 đến 2017, IS chiếm 1 phần 3 lãnh thổ khiến phần lớn Kitô hữu phải lưu vong. Trong cả nước, số Kitô hữu còn lại không quá 400.000 người, so với 1,5 triệu vào năm 2003 trước khi Mỹ đến.

Mosul vẫn còn mang vết tích của cuộc giao tranh giữa IS và quân đội Iraq do liên minh quốc tế hậu thuẫn. Ông Macron nhận xét rằng việc tái thiết thành phố là “quá chậm”. Theo một quan chức địa phương, 80% cơ sở hạ tầng đã được tái xây dựng, nhưng cho đến nay chỉ có 30 đến 40% cơ sở y tế được phục hồi.

Tổng thống Macron hứa Pháp sẽ ở lại Iraq nếu quốc gia này yêu cầu, dù phía Mỹ có chọn lựa khác. Ông nhấn mạnh: “Đây không chỉ là thông điệp mang tính nhân văn mà còn mang tính địa chính trị. Sẽ không có sự cân bằng ở Iraq nếu không có sự tôn trọng dành cho các cộng đoàn này.”

Tại Mosul, sau khi thăm Nhà thờ Đức Bà Thời Gian, ông Emmanuel Macron còn đến thăm đền thờ Hồi giáo Al-Nouri, nơi Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tuyên bố thành lập “nhà nước” hồi năm 2014. Vào tháng 6/2017, IS đã cho nổ tung đền thờ Hồi giáo nổi tiếng có từ thế kỷ 12 này khi quân đội Iraq thắt chặt gọng kìm tấn công các chiến binh của IS tại khu vực Thành Cổ của Mosul.

Nhà thờ Đức Bà Thời Gian và đền thờ Hồi giáo nằm trong 3 dự án tái thiết do Unesco đứng đầu và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tài trợ, với số tiền 50 triệu đô la. Unesco giải thích: “Ở Mosul, có rất ít Kitô hữu nhưng một số người đang quay trở lại. Cần phải tạo các điều kiện để hồi sinh thành phố với sự đa dạng của nó.” Unesco đã liệt kê thành phố cổ này vào danh sách di sản thế giới.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2021-08/tong-thong-phap-tham-kito-huu-iraq.html