23/12/2024

Năm học mới: Dạy lý thuyết trực tuyến, dành thời gian trực tiếp dạy thực hành, thí nghiệm

Năm học mới: Dạy lý thuyết trực tuyến, dành thời gian trực tiếp dạy thực hành, thí nghiệm

Đây là một trong những hướng dẫn trong nhiệm vụ năm học mới đối với các trường trung học khi phải dạy trực tuyến kéo dài vì dịch COVID-19 phức tạp vừa được Bộ GD-ĐT ban hành.

 

 

Năm học mới: Dạy lý thuyết trực tuyến, dành thời gian trực tiếp dạy thực hành, thí nghiệm - Ảnh 1.

Những nội dung dạy học thực hành sẽ được bố trí vào thời gian học sinh trở lại trường – Ảnh: THANH PHÚC

Linh hoạt trong tổ chức dạy học khi phải thích ứng với dịch COVID-19 là một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra đầu tiên trong nhiệm vụ trọng tâm của năm học ở bậc trung học.

Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường phải xây dựng phương án dạy học linh hoạt để nhanh chóng chuyển trạng thái khi cần thiết.

Trong đó, ưu tiên dạy trực tuyến ở các nội dung mang tính lý thuyết, chú trọng hướng dẫn học sinh khai thác, sử dụng sách giáo khoa để học tập.

Khi học sinh trở lại trường, cần tận dụng tối đa thời gian trực tiếp để dạy các nội dung thực hành, thí nghiệm, kết hợp ôn luyện, củng cố nội dung lý thuyết đã học trực tuyến.

Cùng với đó là thực hiện hiệu quả, chất lượng các hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh cần linh hoạt, đồng thời thực hiện song song 2 chương trình (chương trình 2018 ở lớp 6 và chương trình 2006 ở các lớp còn lại của bậc trung học) – nhiệm vụ được Bộ GD-ĐT chú trọng tiếp theo là chủ động xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Đây là nhiệm vụ mang tính then chốt để có thể triển khai một năm học linh hoạt, thích ứng và cũng phù hợp với mục tiêu giáo dục mới.

Cụ thể các lớp đang thực hiện chương trình cũ căn cứ vào hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT (nội dung có giảm tải) để xây dựng kế hoạch dạy học trên nguyên tắc bổ sung các nội dung bổ trợ để tiệm cận dần với chương trình mới.

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở lớp 6, nhiều việc đổi mới trong phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá sẽ được chú trọng làm trước ở lớp 6 và tiệm cận dần ở các lớp khác.

Cụ thể là việc xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm các yêu cầu về phát triển năng lực, phẩm chất người học; thực hiện quy định mới về kiểm tra, đánh giá học sinh…

Các phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đều phải tính đến tình huống linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp, nhằm tận dụng tối đa ưu điểm của mỗi hình thức dạy học.

Trong đó, chú trọng hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu tài liệu, tổ chức cho học sinh học tập thông qua dự án để rèn luyện những năng lực khác nhau như khả năng làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện, vận dụng kiến thức giải quyết các yêu cầu liên quan tới đời sống…

Trong nhiệm vụ năm học 2021-2022 ở bậc trung học, Bộ GD-ĐT cũng chú trọng hướng dẫn cụ thể hơn về cách xây dựng kế hoạch dạy học của các nhà trường đối với những môn học tích hợp: lịch sử và địa lý, nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật), khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), kèm theo đó là phân công giáo viên thế nào, xây dựng thời khóa biểu, phương pháp dạy học, đánh giá học sinh ra sao.

Đây cũng là những nội dung mới đang được nhiều giáo viên, cán bộ quản lý quan tâm nhiều trong những ngày qua.

Bộ GD-ĐT lưu ý với những nội dung mới trong chương trình rất cần vai trò của tổ chuyên môn trong các nhà trường để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, phản biện, đề ra giải pháp cụ thể để giáo viên tháo gỡ khó khăn.

Đây cũng là một hình thức “tập huấn giáo viên tại chỗ” đang được Bộ GD-ĐT lưu ý bên cạnh các chương trình tập huấn do Bộ GD-ĐT và các địa phương triển khai.

VĨNH HÀ
TTO