23/01/2025

Nỗ lực giảm tác hại thuốc lá trên toàn cầu: Vai trò của doanh nghiệp

Nỗ lực giảm tác hại thuốc lá trên toàn cầu: Vai trò của doanh nghiệp

Không riêng chính phủ mà các tập đoàn dược phẩm và thậm chí là chính những doanh nghiệp sản xuất thuốc lá cũng hưởng ứng chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá của WHO
Giảm tác hại thuốc lá luôn được các chính phủ, cơ quan y tế toàn cầu quan tâm và không ngừng tìm kiếm giải pháp. Một trong những bước ngoặt chính là việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) từ năm 2005, và định kỳ mỗi hai năm tổ chức Hội nghị các bên (COP) tham gia Công ước nhằm đánh giá việc thực hiện của các quốc gia thành viên, định hướng các chương trình can thiệp trên toàn cầu, góp ý và điều chỉnh những vấn đề mới về phòng chống tác hại của thuốc lá mà chính phủ các nước quan tâm.
Nhận biết tác hại của khói thuốc lá điếu, chính phủ các nước ưu tiên công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và hoạt động này nhận được sự góp sức đắc lực của nhiều bên liên quan. Rõ nét nhất là sự tham gia chủ động của các nhà sản xuất dược phẩm vào tiến trình thúc đẩy giảm tác hại thuốc lá bằng cách nghiên cứu – phát triển các sản phẩm, liệu pháp thay thế nicotin (NRT – Nicotine replacement Therapies).
Tuy vậy, thống kê cho thấy có khoảng 90% người cai thuốc lá gặp thất bại và một phần lớn trong số những người hút thuốc lá trưởng thành xem đó là lựa chọn của họ. Ngành y tế cần phải quan tâm đến những người hút thuốc lá lâu năm và lựa chọn tiếp tục hút thuốc. Để 90% không bị bỏ quên, họ cần được cung cấp giải pháp phù hợp – ví dụ như vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng nicotin nhưng có thể giảm tác hại hơn so với việc tiếp tục hút thuốc lá điếu.
Tận dụng khoa học và công nghệ, các công ty sản xuất thuốc lá cũng tham gia vào cuộc chiến chống lại tác hại thuốc lá bằng việc giới thiệu những sản phẩm đã được khoa học công nhận về khả năng giảm tác hại, từ đó thay thế dần các sản phẩm thuốc lá điếu đốt cháy gây hại nhiều nhất. Theo đó, công nghệ “làm nóng không đốt cháy” (heat-not-burn) được ứng dụng trong các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện đang nhận được sự đánh giá cao của khoa học, cộng đồng y giới và chính phủ nhiều nước trên thế giới.
“Lắng nghe Khoa học” là chìa khóa để giải quyết vấn đề hiệu quả, hợp lý

“Lắng nghe Khoa học” là chìa khóa để giải quyết vấn đề hiệu quả, hợp lý  ẢNH: UNSPLASH

Đến nay đã có các nghiên cứu được thực hiện bởi Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Viện Đánh giá nguy cơ Liên bang Đức (BfR), Viện Sức khỏe cộng đồng và Môi trường quốc gia Hà Lan (RIVM), Tổ chức Y tế công cộng Vương quốc Anh (PHE), Ủy ban Tư vấn khoa học về Độc học (COT) của Vương quốc Anh, Viện Nghiên cứu quốc gia Nhật Bản về Sức khỏe cộng đồng (NIHS), Viện Nghiên cứu Khoa học toàn quốc về Thuốc lá và sản phẩm thuốc lá Liên bang Nga,… và rất nhiều nghiên cứu độc lập khác. Kết quả thu được là tương đồng nhau với những chỉ số cho thấy hàm lượng các chất gây hại gây hại có trong các sản phẩm giảm thiểu tác hại như thuốc lá làm nóng là ít hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu. Các quốc gia như Mỹ, Nhật, Anh, Đức, New Zealand… đã dùng những kết quả nghiên cứu này để làm cơ sở cho việc quản lý các sản phẩm thuốc lá theo hướng khuyến khích những người hiện đang hút thuốc lá điếu chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế ít tác hại hơn.

Doanh nghiệp là mắt xích quan trọng

Chiến lược giảm tác hại thuốc lá mà WHO đề ra gồm 3 hướng tiếp cận: Giảm nguồn cung thuốc lá bằng chính sách thuế, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá thông qua các sản phẩm cai thuốc, và sau cùng là giảm tác hại thuốc lá. Trong ba mũi nhọn chiến lược này, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng nhu cầu cung cấp các sản phẩm cai thuốc và đưa ra các sản phẩm thay thế giảm tác hại thuốc lá. Vì vậy, chiến lược toàn diện mà WHO đưa ra sẽ đem lại kết quả khả quan nếu WHO chấp nhận sự tham gia của doanh nghiệp trong hai hướng kể trên.
Để chuyển hướng nhằm tích cực cải thiện sức khỏe cộng đồng, bên cạnh giới thiệu các sản phẩm thuốc lá không khói, công ty Philip Morris International (PMI) đã liên tục tham gia vào nhiều mắt xích trong lĩnh vực sức khỏe thông qua việc đầu tư và sáp nhập các hãng dược phẩm uy tín. Cụ thể, PMI vừa sáp nhập OtiTopic, một công ty phát triển các sản phẩm dược sử dụng qua đường hô hấp của Hoa Kỳ, và trước đó là công ty dược Fertin Pharma A/S (Fertin Pharma) – một doanh nghiệp hàng đầu về phát triển và sản xuất các sản phẩm dược và chăm sóc sức khỏe cải tiến, được sử dụng qua đường uống và ngậm (intra-oral). PMI hiện đang thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm Vectura Group plc (Vectura) để hoàn tất đề nghị sáp nhập. Những động thái này của PMI cho thấy sự kiên tâm trong cam kết của họ hướng tới tương lai không khói thuốc cũng như các chiến lược đẩy nhanh quá trình này.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành tìm ra phương thức quản lý hợp lý nhất đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Việc còn lại là thực thi, triển khai từ các Bộ ngành để sớm có câu trả lời phù hợp cho sự chờ đợi của xã hội trong bối cảnh thuốc lá điện tử nhập lậu tràn lan, rầm rộ tấn công giới trẻ và tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
TẤN MINH
TNO