23/01/2025

Tầm soát, bóc tách càng nhiều F0 càng thuận lợi khống chế dịch Covid-19 tại TP.HCM

Tầm soát, bóc tách càng nhiều F0 càng thuận lợi khống chế dịch Covid-19 tại TP.HCM

Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh, ‘bây giờ là chiến lược đi tìm F0. Do đó, việc phát hiện một ngày 5.000 – 6.000 ca nhiễm Covid-19 là đúng con số thật và tìm ra càng nhiều càng tốt’.
Hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm trong gia đình /// ẢNH: DUY TÍNH
Hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm trong gia đình ẢNH: DUY TÍNH
Ngày 25.8, qua xét nghiệm tầm soát diện rộng, TP.HCM ghi nhận 5.268 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 4.413 ca trong cộng đồng. Q.Tân Bình, Q.Bình Tân và H.Hóc Môn là các địa phương có số ca Covid-19 cộng đồng được phát hiện cao nhất. Liên tục các ngày qua, số ca Covid-19 phát hiện trong cộng đồng chiếm trung bình trên dưới 80% số ca mới. Điều này đặt ra nhiều vấn đề trong dự phòng, điều trị bệnh nhân Covid-19, hay còn gọi là F0.

Lọc nhiều F0, chấp nhận quá tải chủ động

Theo lý giải của chuyên gia bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh, khi TP.HCM thực hiện chiến dịch xét nghiệm “vét” thì sẽ phát hiện được nhiều F0. “F0 trong cộng đồng nhiều là do lây nhiễm âm thầm trong cộng đồng lâu nay”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.
“Ngày trước, nếu như TP.HCM để người dân tự khai báo thì có một số người không khai báo, không xét nghiệm nên số lượng bệnh nhân Covid-19 thấy được thời gian qua là chưa đúng. Chiến lược trước đây là thụ động, người bị bệnh nặng tìm đến y tế, đến bệnh viện thì mới phát hiện, rồi đi tầm soát. Còn bây giờ, chiến lược là đi tìm F0. Do đó, việc phát hiện một ngày 5.000 – 6.000 ca là đúng con số thật và tìm ra càng nhiều càng tốt”, bác sĩ Khanh đánh giá.
Về ý kiến cho rằng việc phát hiện quá nhiều F0 sẽ dẫn đến quá tải cho cách ly tập trung, điều trị, theo bác sĩ Khanh nếu không tìm ra F0 trong cộng đồng thì vẫn dẫn đến quá tải, gây gánh nặng cho y tế. “Nếu không tìm ra F0 sớm thì khi F0 rơi vào trạng thái chuyển nặng và tập trung đến bệnh viện sẽ gây quá tải. Nếu F0 nhẹ mà không biết mình nhiễm thì sẽ lây lan cho người khác và cứ như vậy sẽ lây thêm…”, bác sĩ Trương Hữu Khánh giải thích.
Giữa tháng 7.2021, tại cuộc làm việc với UBND TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh xét nghiệm sớm là biện pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh để lây lan nhanh, diện rộng. TP.HCM có thể làm theo hai hướng: Thứ nhất để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì khẳng định lại bằng phương pháp RT-PCR. Thứ hai, TP.HCM chủ động “quét” các khu vực bằng test nhanh gộp mẫu hoặc bằng khẳng định theo các vùng nguy cơ đã có hướng dẫn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích thêm, nếu tìm ra nhiều F0, tuy chấp nhận quá tải, nhưng là con số thật để tìm ra đúng F0 cần điều trị và dự đoán được F0 chuyển nặng để có phương án phù hợp ngay từ đầu… Việc tìm ra nhiều F0 cũng có ý nghĩa dự đoán được nguy cơ có còn lây nhiễm hay không; nếu còn nguy cơ thì ngăn chặn và đi tiêm vắc xin cho nhóm nguy cơ; cũng là để chuẩn bị sẵn chiến lược điều trị.
Theo bác sĩ Khanh, khi TP.HCM bóc tách được F0 thì dự đoán số ca sẽ tăng cao 7.000 – 8.000 ca/ngày. Vì vậy, đừng nhìn những con số F0 được tìm ra rồi lo lắng, bởi nếu không tìm ra các F0 thì trước sau gì cũng lãnh hậu quả gia tăng số ca nặng, tử vong tại nhà.
Hãy để người dân tự lấy mẫu
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, TP.HCM cần dàn lực ra tất cả các điểm nguy cơ để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, vì nếu chậm, sẽ có nguy cơ lây thêm. Những chỗ nào chưa làm được thì giao cho dân tự làm. Quan trọng là không được làm lây thêm trong quá trình thực hiện xét nghiệm vì đã có bài học lây nhiễm chéo, vì thế công tác lấy mẫu tầm soát Covid-19 phải thật nhanh và gọn.
“Với chủng vi rút Delta, kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm không quan trọng. Hãy hướng dẫn và giao cho người dân tự lấy mẫu cả test nhanh và mẫu dùng cho RT-PCR vì que lấy và cách lấy như nhau. Người dân lo cho sức khỏe, lo mình bị bệnh thì chắc chắn sẽ lấy đúng. Nếu test nhanh mà âm tính giả thì 3 ngày sau sẽ giao cho dân làm lại. Một gia đình có 1 người dương tính nhưng những người còn lại âm tính thì khả năng những người này, 3 ngày sau, sẽ phát hiện. Cứ như vậy sẽ quản lý được”, bác sĩ Khanh nói.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về vấn đề trước đợt giãn cách vừa qua, người dân tập trung đông ngoài đường, siêu thị thì có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều F0 trong cộng đồng như đã được phát hiện trong những ngày qua không, bác sĩ Khanh cho rằng cần vài ngày nữa thì số này mới “lòi” ra được. “Song song lấy mẫu thì cần đẩy mạnh tiêm vắc xin cho những người chưa nhiễm Covid-19, bởi nếu sau này lỡ có bị lây thì đã được tiêm 1 mũi cũng đỡ hơn”, bác sĩ Khanh nói.

Kịch bản nào cho điều trị?

80% bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, có triệu chứng nhẹ sẽ tự điều trị tại nhà, 20% có triệu chứng trung bình đến nặng sẽ đưa vào cách ly tập trung điều trị. Vì thế, theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, thành phố đang áp dụng 2 trụ cột trong quản lý điều trị F0.
Trụ cột thứ nhất là áp dụng gói chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với người mắc Covid-19 (F0) mới được phát hiện tại cộng đồng và đủ điều kiện cách ly tại nhà. Với trụ cột này, TP.HCM đã lập 400 Trạm y tế lưu động, mỗi trạm quản lý từ 50 – 100 F0, vừa chăm sóc, theo dõi sức khỏe, vừa hướng dẫn điều trị thuốc, khi F0 nặng thì chuyển lên tuyến trên. Tùy vào số F0 của từng quận, huyện mà thành lập số trạm y tế lưu động tương ứng. Nhân sự phục vụ cho F0 cách ly tại nhà do địa phương, TP.HCM và T.Ư hỗ trợ, bao gồm cả quân y.
Hiện TP.HCM đang chuẩn bị 100.000 túi thuốc cho F0 cách ly tại nhà. Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có hơn 45.000 ca F0 cách ly tại nhà, trong đó hơn 23.000 F0 xuất viện về nhà và 22.000 F0 phát hiện trong cộng đồng.
Trụ cột thứ 2 là cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện. TP.HCM áp dụng mô hình tháp 3 tầng thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19. Tầng 1 có 153 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức với khoảng 24.000 giường.
Tầng điều trị 2 gồm có 74 bệnh viện điều trị với 49.392 giường. Tầng 3 gồm 8 bệnh viện hồi sức Covid-19 trên địa bàn TP.HCM và 5 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ Y tế trên địa bàn với gần 3.850 giường. Tổng số giường điều trị là khoảng 75.000.
Hiện TP.HCM có hơn 37.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở các tầng, trong đó có hơn 2.639 bệnh nhân nặng.
Sở Y tế TP.HCM cho biết đang tăng quy mô giường có ô xy và các trang thiết bị y tế tại các bệnh viện ở tầng 2; triển khai nâng cao năng lực tiếp nhận cuộc gọi và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu; triển khai thêm các thuốc điều trị đặc hiệu kháng vi rút tại các bệnh viện tầng 2 và tầng 3 (thuốc Remdesivir).
TheoTrung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM(HCDC), chiến dịch xét nghiệm từ ngày 15.8 đến 15.9 là nhằm triển khai lấy mẫu cho người dân tại vùng đỏ, vùng cam bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh (test nhanh). Người dân sẽ tự lấy mẫu xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp tại các vùng vàng, vùng xanh.
Đến hết ngày 25.8, dự kiến số mẫu phải lấy ởvùng cam, vùng đỏlà 2 triệu mẫu. Trước đó, ngày 23.8, TP.HCM đã lấy được khoảng 170.000 mẫu test nhanh, trong đó có 6.000 mẫu cho kết quả dương tính, tỷ lệ này thấp hơn 5% theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Từ ngày 27.4 – 23.8, TP.HCM đã lấy 1,4 triệu mẫu xét nghiệm (trong đó có 863.772 mẫu đơn, 536.496 mẫu gộp). Tổng số người được lấy mẫu là 4,98 triệu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất…). Hiện còn 5.630 mẫu đơn và 1.415 mẫu gộp chưa có kết quả.
Bộ Y tế cũng đã phân cho 7 bệnh viện tầng 3 phụ trách hướng dẫn chuyên môn, hội chẩn theo khu vực các cơ sở y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức nhằm “đánh chặn” từ xa bệnh nhân chuyển nặng, hạn chế chuyển tuyến tầng 3 khi bệnh chưa nặng nhằm tránh quá tải.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, tân Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng đã phân công cho tất cả các cơ sở cách ly, bệnh viện tầng 1, 2, 3 tiếp nhận F0 cộng đồng theo khu vực khi F0 cần nhập viện, chuyển viện.
DUY TÍNH
TNO