24/11/2024

Ngành công nghiệp ‘thần tượng ảo’ tỉ đô gây tranh cãi

Ngành công nghiệp ‘thần tượng ảo’ tỉ đô gây tranh cãi

“Thần tượng ảo”, hay những ngôi sao được tạo ra bằng công nghệtrí tuệ nhân tạo (AI), đang trở thành ngành công nghiệp gây tranh cãi nhưng “hái ra tiền” ở nhiều nước châu Á gần đây.
Ngành công nghiệp 'thần tượng ảo' đang bùng nổ ở một số nước châu Á, song cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều /// ẢNH: KOREA TIMES
Ngành công nghiệp ‘thần tượng ảo’ đang bùng nổ ở một số nước châu Á, song cũng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều  ẢNH: KOREA TIMES
Vài năm gần đây, khái niệm “thần tượng ảo” (virtual idol) dần phổ biến tại một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn QuốcTrung Quốc… Đây là những ngôi sao do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra với ngoại hình, tính cách và hoạt động mô phỏng theo con người.
Dù “sống” trên không gian mạng, “thần tượng ảo” hoạt động năng suất không kém người nổi tiếng ngoài đời. Những nhân vật này biết biểu diễn ca hát, chụp ảnh thời trang, đóng quảng cáo… Nhiều thần tượng ảo có lượng lớn người hâm mộ, hợp tác với thương hiệu danh tiếng và thu về số tiền không nhỏ cho chủ sở hữu.

Những gương mặt không tì vết

Công nghệ càng phát triển, thần tượng ảo càng có vẻ ngoài và biểu cảm giống con người. Một vài ngôi sao ảo thậm chí “gây sốt” vì quá xinh đẹp. Những gương mặt không tì vết này thu hút sự chú ý của nhiều khán giả. Chuyên gia Elison Lim ở Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore giải thích trên tờ Insider: “Thần tượng ảo hoàn mỹ từ ngoại hình, giọng nói đến tính cách. Sự hoàn mỹ này chính là thứ nhiều người khao khát”.
Ngành công nghiệp 'thần tượng ảo' tỉ đô gây tranh cãi - ảnh 1

Các thành viên được tạo ra bằng AI của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Eternity  ẢNH: ALL KPOP

Giám đốc điều hành Park Ji Eun của công ty đồ họa AI Pulse 9 cho rằng thần tượng ảo có thể “thay đổi cuộc chơi” của ngành giải trí trong thời gian tới. AI Pulse 9 là đơn vị đứng sau nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Eternity gồm 11 giọng ca được tạo ra bằng AI. “Không giống như ca sĩ ngoài đời, các thành viên AI tự do thể hiện bản thân và ít bị tổn thương trước bình luận ác ý”, Giám đốc Park nói với Korea Times.
Về phía nhãn hàng, thần tượng ảo thể hiện sự hoàn mỹ ở chỗ làm việc không cần nghỉ ngơi, xuất hiện cùng lúc trên nhiều nền tảng, tiêu tốn chi phí rẻ hơn. Thần tượng ảo cũng gạt bỏ nỗi lo vướng scandal, trong bối cảnh nhiều nghệ sĩ tiêu tan sự nghiệp vì bê bối đời tư. “Quan trọng là chúng không bao giờ già hay chết đi”, Christopher Travers – người sáng lập website về thần tượng ảo virtualhumans.org, chia sẻ với Bloomberg.

Ngành công nghiệp tỉ đô

Chỉ tồn tại trên không gian mạng, song giá trị kinh tế mà “thần tượng ảo” mang đến không hề ảo. Lil Miquela – một trong những thần tượng ảo nổi tiếng hàng đầu thế giới với hơn 3 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Instagram, “bỏ túi” khoảng 8.500 USD cho một bài viết quảng cáo và thu nhập hằng năm ước tính 11 triệu USD, theo OnBuy. Tương tự Lil Miquela, Ling – người đẹp ảo mới nổi ở Trung Quốc, cũng kiếm bộn tiền nhờ hợp đồng quảng cáo cho hãng xe Tesla.
Ngành công nghiệp 'thần tượng ảo' tỉ đô gây tranh cãi - ảnh 2

Người đẹp ảo Ling ở Trung Quốc nổi tiếng vì quá xinh đẹp. Cô đóng quảng cáo cho Tesla và nhiều thương hiệu khác.  ẢNH: WEIBO NV

Báo cáo hồi tháng 6 của Bloomberg tiết lộ, ngành công nghiệp thần tượng ảo đặc biệt bùng nổ ở Trung Quốc với tổng trị giá lên đến khoảng 35 tỉ USD, thu hút khoảng 390 triệu khán giả. Tại Nhật Bản, mỗi ngôi sao ảo hạng A trên YouTube hay còn gọi là v-tuber (virtual YouTuber) có thể đem về hàng triệu USD từ hoạt động livestream hoặc bán hàng, theo Insider.
Sự nổi tiếng của thần tượng ảo còn vượt ra ngoài không gian mạng. Năm 2019, nữ ca sĩ ảo Luo Tianyi Trung Quốc mở concert, đứng chung sân khấu với nghệ sĩ dương cầm Lang Lang. Năm ngoái, SM Entertainment gây sốc khi giới thiệu nhóm nhạc nữ mới Aespa với 4 thành viên là người thật và 4 thành viên là bản sao ảo của chính họ.

Rủi ro về đạo đức, bản quyền

Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp “thần tượng ảo” gây nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia lo ngại vấn đề đạo đức, cho rằng con người khó tạo dựng tình cảm thật với ngôi sao trong thế giới ảo. “Người nổi tiếng thật có những ngày tốt đẹp và những ngày tồi tệ như người bình thường. Điều này khiến họ gần gũi hơn”, chuyên gia Elison Lim phân tích trên trang Insider.
Ngành công nghiệp 'thần tượng ảo' tỉ đô gây tranh cãi - ảnh 3

Mô hình hoạt động gồm người thật và bản sao ảo của nhóm nhạc Aespa đặt ra câu hỏi về bản quyền  ẢNH: SM ENTERTAINMENT

Nhiều ý kiến còn e dè khi được hỏi về mức độ đáng tin cậy của thần tượng ảo. Một bạn trẻ ở Trung Quốc nói với trang Insider: “Dù trông giống thật thế nào thì họ vẫn không phải là con người. Tôi tin vào ca sĩ và diễn viên thật hơn”. Chuyên gia về thương hiệu Miro Li ở Hồng Kông khẳng định rằng thần tượng ảo không hoàn hảo 100%, bởi người điều khiển chúng hoàn toàn có thể mắc sai sót.
Bên cạnh tranh cãi về độ chân thực, sự phát triển của thần tượng ảo chứa đựng một số rủi ro khác. Những thần tượng ảo nàt có thể bị tội phạm tình dục kỹ thuật số lợi dụng cho những video khiêu dâm. Mặt khác, việc tạo ra thần tượng ảo dựa trên danh tính của người thật như trường hợp của nhóm nhạc Aespa cũng đặt ra vấn đề về bản quyền và pháp lý, theo Korea Times.
PHƯƠNG PHƯƠNG
TNO