28/12/2024

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Lề luật Môsê

Anh chị em thân mến, tiếp tục bài học giáo lý về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, chúng ta đã thấy Thánh Tông đồ nhấn mạnh đến sự mới mẻ của đời sống Kitô Hữu, nhờ sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Tư, 11 tháng 8 năm 2021

____________________________

Bài Giáo lý: 4. Lề luật Môsê
(Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát)

Anh chị em thân mến,
chúc anh em chị em một buổi sáng tốt đẹp!

“Tại sao có lề luật?” (Gl 3,19). Đây là câu hỏi mà chúng ta muốn đào sâu hôm nay, tiếp tục với Thánh Phaolô, để nhận ra sự mới mẻ của đời sống Kitô hữu được Chúa Thánh Thần làm sinh động. Nhưng nếu Chúa Thánh Thần hiện hữu, nếu Chúa Giêsu Đấng cứu chuộc chúng ta hiện hữu, tại sao còn có lề luật? Và đây là điều hôm nay chúng ta cần phải suy gẫm về. Thánh Tông đồ viết: “Nếu anh em được Thần Khí dẫn dắt, thì anh em không ở dưới lề luật” (Gl 5,18). Thay vào đó, những người gièm pha Thánh Phaolô cho rằng dân Galát phải tuân theo Lề luật để được cứu rỗi. Họ đã đi thụt lùi. Họ hoài nhớ thời đã qua, thời trước Chúa Giêsu Kitô. Thánh Tông Đồ không đồng ý chút nào. Đây không phải là những điều khoản mà ngài đã đồng ý với các Tông đồ khác ở Giêrusalem. Ngài nhớ rất rõ những lời của Thánh Phêrô khi vị này nói: “Tại sao ông lại thử thách Thiên Chúa bằng cách đeo một cái ách vào cổ các môn đệ mà cả cha ông chúng ta và chúng ta đều không thể chịu được?” (Cv 15,10). Các sắp xếp xuất hiện trong ‘công đồng đầu tiên’ đó – công đồng chung đầu tiên là công đồng diễn ra tại Giêrusalem – và các sắp xếp phát xuất rất rõ ràng. Chúng nói: “Thánh Thần và chúng tôi [các tông đồ] đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu thần [tức, thờ ngẫu thần], kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm” (Cv 15,28-29). Một số điều liên quan đến việc thờ phượng Thiên Chúa, và việc thờ ngẫu thần, và một số điều liên quan đến cách hiểu cuộc sống vào thời đó.Khi Thánh Phaolô nói về Lề luật, ngài thường có ý nói đến Luật Môsê, luật được trao cho Môsê, tức Mười Giới Răn. Nó liên quan đến, nó đang trên đường, nó là một sự chuẩn bị, nó liên quan đến Giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với dân của Người. Theo nhiều bản văn Cựu ước khác nhau, Torah – nghĩa là, thuật ngữ tiếng Do Thái dùng để chỉ Lề luật – là sưu tập mọi quy định và chuẩn mực mà dân Israel phải tuân theo căn cứ vào Giao ước với Thiên Chúa. Có thể tìm thấy một bản tổng hợp hữu hiệu về kinh Torah trong bản văn sau đây của Đệ nhị luật, có nội dung như sau: “Đức Chúa sẽ lấy làm vui vì hạnh phúc của anh (em), cũng như Người đã lấy làm vui vì hạnh phúc của cha ông anh (em), miễn là anh (em) nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh (em) trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ” (Cv 30,9-10). Vì vậy, việc tuân giữ Lề luật bảo đảm cho dân chúng những lợi ích của Giao ước và bảo đảm một mối liên kết đặc thù với Thiên Chúa. Dân tộc này, dân số này, người này, họ được liên kết với Thiên Chúa và họ làm cho nó, tức sự kết hợp này với Thiên Chúa được nhìn thấy trong việc chu toàn, trong việc tuân giữ Lề luật. Khi lập Giao ước với Israel, Thiên Chúa đã ban cho họ Kinh Torah, tức Lề luật, để họ hiểu được ý muốn của Người và sống trong công lý. Chúng ta phải nghĩ rằng vào thời đó, một Lề luật như thế là điều cần thiết, đó là một hồng ân vô cùng to lớn mà Thiên Chúa đã ban tặng cho dân của Người. Tại sao? Vì thời đó ngoại giáo tràn ngập khắp nơi, ở đâu cũng có thờ ngẫu thần và tác phong của con người là kết quả của việc thờ ngẫu thần. Vì thế, hồng ân tuyệt vời mà Thiên Chúa ban tặng cho dân của Người là Lề luật, để họ có thể kiên trì. Nhiều lần, nhất là trong các sách tiên tri, người ta lưu ý rằng việc không tuân theo các giới răn của Lề luật đã cấu thành một sự phản bội thực sự đối với Giao ước, do đó gây ra cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Mối liên kết giữa Giao ước và Lề luật chặt chẽ đến nỗi hai thực tại không thể tách rời nhau. Lề luật là cách một người, một dân tộc phát biểu rằng họ đang sống trong giao ước với Thiên Chúa.

Vì vậy, dựa trên tất cả những điều này, người ta dễ hiểu những người truyền giáo từng xâm nhập vào nơi người Galát đã tìm ra trò chơi hay như thế nào khi chủ trương rằng việc tuân thủ Giao ước cũng bao gồm việc tuân theo Lề luật Môsê như nó vốn được thi hành vào thời đó. Tuy nhiên, liên quan đến chính điểm này, chúng ta có thể khám phá trí thông minh thiêng liêng của Thánh Phaolô và những hiểu biết sâu sắc mà ngài đã bày tỏ, được nâng đỡ nhờ ân sủng ngài nhận được cho sứ mệnh truyền bá tin mừng của ngài.

Thánh Tông đồ giải thích cho người Galát rằng, trên thực tế, Giao ước và Lề luật không được liên kết một cách không thể tách rời – Giao ước với Thiên Chúa và Luật Môsê. Yếu tố đầu tiên mà ngài dựa vào là Giao ước do Thiên Chúa thiết lập với Ápraham dựa trên đức tin vào việc nên trọn lời hứa chứ không phải dựa trên việc tuân thủ Lề luật chưa hiện hữu. Ápraham bắt đầu cuộc hành trình của mình nhiều thế kỷ trước Lề luật. Thánh Tông đồ viết: “Ý tôi là thế này: lề luật, ra đời bốn trăm ba mươi năm sau [với Môsê ], không hủy bỏ giao ước đã được Thiên Chúa phê chuẩn trước đó [với Ápraham khi Người gọi ông], để làm cho lời hứa ra vô hiệu”. Lời lẽ này rất quan trọng. Kitô hữu chúng ta, Dân của Thiên Chúa, chúng ta hành trình qua suốt cuộc đời để hướng tới một lời hứa, lời hứa là điều lôi cuốn chúng ta, nó lôi cuốn chúng ta tiến tới cuộc gặp gỡ với Chúa. “Vì nếu cơ nghiệp là bởi lề luật, thì nó không còn bởi lời hứa [đã đến trước Lề luật, lời hứa với Ápraham]; nhưng Thiên Chúa đã ban điều đó cho Ápraham bởi một lời hứa ”(Gl 3,17-18), rồi Lề luật ra đời sau bốn trăm ba mươi năm. Với lối lý luận này, Thánh Phaolô đạt được mục tiêu đầu tiên của ngài: Lề luật không phải là nền tảng của Giao ước vì nó ra đời sau, nó cần thiết và công chính, nhưng trước đó đã có lời hứa, tức Giao ước.

Lập luận như vậy loại bỏ tất cả những người chủ trương rằng Luật Môsê là một phần cấu thành Giao ước. Không, Giao ước có trước, và lời kêu gọi đã đến với Ápraham. Trên thực tế, Kinh Torah, Lề luật, không có trong lời hứa với Ápraham. Tuy nhiên, nói điều này rồi, người ta không nên nghĩ rằng Thánh Phao-ô chống lại Luật Môsê. Không, ngài vốn tuân giữ nó. Một vài lần trong các Thư của ngài, ngài bảo vệ nguồn gốc thần thiêng của nó và nói rằng nó có một vai trò được xác định rõ ràng trong lịch sử cứu độ. Tuy nhiên, Lề luật không ban sự sống, không cung hiến việc nên trọn của lời hứa bởi vì nó không có khả năng làm nó nên trọn. Lề luật là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình dẫn đến một cuộc gặp gỡ. Thánh Phao-lô dùng một chữ, tôi không biết nó có trong bản văn hay không, một chữ rất quan trọng: lề luật là “nhà sư phạm” dẫn tới Chúa Kitô, nhà sư phạm dẫn tới đức tin vào Chúa Kitô, tức là một người thầy dắt tay anh chị em hướng tới cuộc gặp gỡ (x. Gl 3,24). Những ai tìm kiếm sự sống cần phải nhìn vào lời hứa và sự nên trọn của lời hứa trong Chúa Kitô.

Anh chị em thân mến, bài trình bày đầu tiên này của Thánh Tông đồ với người Galát cho ta thấy sự mới mẻ triệt để của đời sống Kitô hữu: tất cả những ai có đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô đều được kêu gọi sống trong Chúa Thánh Thần, Đấng giải thoát khỏi Lề luật và đồng thời, đưa Lề luật đến sự nên trọn theo giới răn yêu thương. Điều này rất quan trọng. Lề luật dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nhưng một người trong anh chị em có thể nói với tôi: “Nhưng, thưa Cha, con chỉ xin hỏi một điều: điều này có phải có nghĩa nếu con đọc Kinh Tin Kính, thì con không cần phải tuân giữ các giới răn?” Không, các giới răn có giá trị theo nghĩa chúng là “nhà sư phạm” [thầy cô giáo] dẫn anh chị em đến cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Nhưng nếu anh chị em bỏ qua cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và muốn quay lại với việc coi trọng các điều răn hơn, thì đây chính là vấn đề của những nhà truyền giáo cực đoan từng xâm nhập vào nơi người Galát để làm họ bối rối.

Xin Chúa giúp chúng ta đi trên con đường các giới răn nhưng luôn hướng về tình yêu của Chúa Kitô, về cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, vì biết rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu quan trọng hơn mọi giới răn.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: vietcatholicnews.org

_____________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, tiếp tục bài học giáo lý về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, chúng ta đã thấy Thánh Tông đồ nhấn mạnh đến sự mới mẻ của đời sống Kitô Hữu, nhờ sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta. Chống lại những người thúc giục người Galát tuân theo các giới luật của lề luật Môsê, Phaolô trả lời rằng Lề luật luôn phục vụ Giao ước của Thiên Chúa với dân tộc của ông. Bản thân Giao ước không dựa trên việc tuân thủ Lề luật mà dựa trên đức tin vào việc thực hiện các lời hứa của Thiên Chúa. Giờ đây, Thiên Chúa đã thực hiện một cách dứt khoát những lời hứa đó trong mầu nhiệm vượt qua về cuộc khổ nạn, sự chết và sự phục sinh của Đấng Kitô, những ai tin vào Tin Mừng được giải thoát khỏi những đòi hỏi của Lề luật. Do đó, sự mới mẻ của đời sống Kitô hữu được sinh ra từ sự đáp ứng của chúng ta đối với sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Lề luật được ứng nghiệm trong điều răn mới của tình yêu.