28/12/2024

TP.HCM: 11.000 ca F0 cách ly tại nhà sẽ tự chăm sóc ra sao?

TP.HCM: 11.000 ca F0 cách ly tại nhà sẽ tự chăm sóc ra sao?

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TP.HCM đã triển khai thực hiện cách ly điều trị F0 tại nhà. Vậy các F0 tự chăm sóc sức khoẻ tại nhà như thế nào?

 

TP.HCM: 11.000 ca F0 cách ly tại nhà sẽ tự chăm sóc ra sao? - Ảnh 1.

Nhà có người cách ly y tế tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19 trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TP.HCM đã triển khai thực hiện cách ly điều trị F0 tại nhà.

Tính đến sáng 10-8, thành phố đã có 11.198 trường hợp F0 cách ly tại nhà.

Nhằm nâng cao sức khỏe cho các F0 giảm tỉ lệ diễn tiến nặng tại nhà, HCDC khuyên các F0 cần chú ý thực hiện các biện pháp tự chăm sóc sức khỏe và tìm đến tư vấn của nhân viên y tế khi có dấu hiệu bất thường.

Các F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà bằng cách mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang 2 lần/ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang. Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…

Ngoài ra, F0 cần đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử”.

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.

F0 nên có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện, TP Thủ Đức).

Khi có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài “1022” (bấm số “3” để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM, hoặc số “4” để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành”), hoặc gọi số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được tư vấn và hướng dẫn xử trí.

Khi F0 có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì liên hệ ngay tổng đài “115” hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Theo HCDC, tính từ 18h ngày 10-8 đến 6h ngày 11-8, TP.HCM ghi nhận 2.128 trường hợp mắc COVID-19 mới được Bộ Y tế công bố vào sáng 11-8. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP đã có hơn 131.800 trường hợp mắc COVID-19.

Để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, phấn đấu trước ngày 15-9, TP kêu gọi sự đồng lòng của người dân trong việc thực hiện nghiêm quy định của chỉ thị 16, thông điệp 5K, thực hiện tốt chỉ đạo “ai ở đâu, ở yên đấy” và tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 khi đến lượt.

THUỲ DƯƠNG
TTO