28/12/2024

F0 cách ly tại nhà chăm sóc, cấp cứu ra sao?

F0 cách ly tại nhà chăm sóc, cấp cứu ra sao?

Ngày 10.8, Sở Y tế TP.HCM cập nhật hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 (F0) cách ly tại nhà (phiên bản 1.1) nhằm góp phần giảm tỷ lệ F0 cách ly tại nhà diễn tiến nặng.
Đội taxi cấp cứu đến nhà đưa F0 đi bệnh viện tại TP.HCM thông qua điều phối tại tổng đài 115 /// ẢNH: ĐỘC LẬP
Đội taxi cấp cứu đến nhà đưa F0 đi bệnh viện tại TP.HCM thông qua điều phối tại tổng đài 115 ẢNH: ĐỘC LẬP
Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn TP.Thủ Đức, quận, huyện, các tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện dự trù và cung ứng các thuốc thiết yếu như thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng, thuốc kháng viêm corticoid dạng uống để cung cấp cho F0 khi có chỉ định.

F0 không hoang mang

Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn F0 cách ly tại nhà phải mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang 2 lần/ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang. Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo. Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử”. Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước; tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày (hít sâu thở từ từ). Có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện, TP.Thủ Đức).
Đặc biệt, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo F0 cố gắng giữ vững tâm lý, tránh hoang mang vì có thể ảnh hưởng quá trình hồi phục. “F0 không hoang mang, sự hoảng loạn có thể làm khó thở do yếu tố tâm lý. Nếu F0 không là đối tượng nguy cơ thì đa số sẽ tự khỏi trong 10 ngày và có thể không có triệu chứng cho đến khi hết bệnh. Hoặc có triệu chứng như cảm, viêm họng, sẽ dần hết và khỏi bệnh”, bác sĩ cho biết.

Thận trọng khi dùng thuốc

Về sử dụng thuốc cho các F0 cách ly tại nhà, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế hướng dẫn các thuốc thiết yếu cần có, gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền). Ngoài ra có thể bổ sung các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định đối với người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở hoặc nhịp thở hơn 20 lần/phút, hoặc SpO2 dưới 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết trên lý thuyết người bệnh không được tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc corticoid và thuốc kháng đông trong giai đoạn hiện nay. Nhân viên y tế địa phương tùy tình huống có thể sử dụng cho bệnh nhân và bệnh nhân không được tự sử dụng.
“Thuốc cũng có tác dụng có hại nếu sử dụng không đúng chỉ định. Như thuốc kháng đông, người có tiền sử hoặc đang loét dạ dày tá tràng, bệnh lý rối loạn đông máu nhưng không biết mà uống vào sẽ gây xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết não tử vong. Thuốc kháng viêm corticoid – ức chế suy giảm miễn dịch, trong tình hình bệnh nhân Covid-19 đang diễn tiến uống để ngăn ngừa viêm phổi và diễn tiến nặng, nếu bệnh chưa có diễn tiến nặng mà uống sẽ gây cơ hội phát những bệnh nhiễm trùng khác như lao phổi. Còn người bình thường nếu uống là sai lầm lớn. Ngoài ra, thuốc corticoid còn gây xuất huyết tiêu hóa. Nhưng quan trọng là uống thuốc phải có chỉ định của bác sĩ và có theo dõi sau khi uống”, TS-BS Châu khuyến cáo.

Cấp cứu ra sao?

Thời gian qua, tại tổng đài 115 của TP.HCM, những ngày cao điểm có thể lên đến 5.000 – 6.000 cuộc gọi để xin xe chuyển viện cho F0 hoặc F0 trở nặng cần nhân viên y tế. Trong nhiều cuộc gọi, tổng đài viên điều phối là những người có kinh nghiệm sẽ gọi lại cho bệnh nhân hoặc thân nhân để nắm tình hình và hướng dẫn theo từng tình huống: Hướng dẫn chăm sóc tại nhà chờ xe, liên hệ y tế địa phương, điều phối xe taxi cấp cứu và nặng hơn là điều phối xe cấp cứu. Nhưng dù cố gắng thế nào đi nữa cũng khó đáp ứng nhanh, nên rất nhiều người sẽ phải đợi taxi hoặc xe cấp cứu để đến cơ sở y tế.
Số lượng xe cấp cứu được tăng thêm 40 xe chuyên dụng, phân bổ về 4 khu vực Q.12, H.Hóc Môn, TP.Thủ Đức và Q.Bình Tân. Với sự hỗ trợ của các đơn vị vận tải, TP triển khai xe taxi cấp cứu, trên xe có bình ô xy đi kèm; khi tiếp nhận cuộc gọi, nếu F0 đang chăm sóc tại nhà trở nặng thì xe taxi tiếp nhận ngay, có nhân viên y tế trên xe, chuyển lên tuyến trên kịp thời.
Theo bác sĩ Võ Hoàng Nhân, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đặc phái viên của Sở Y tế phụ trách đội hình tình nguyện viên của tổng đài 115, taxi cấp cứu và các trạm cấp cứu vệ tinh Q.10, Q.12, TP.Thủ Đức, Q.Bình Tân thì thời gian qua, những ca cấp cứu F0 ở nhà đến BV bằng taxi được vận hành tối đa.
“Ngoài xe cứu thương, xe khách Phương Trang, thời gian qua có 65 chiếc taxi cấp cứu rải đều quận, huyện, TP.Thủ Đức. Trung bình mỗi ngày 1 chiếc chạy 15 – 20 ca, nhưng nhu cầu quá lớn. Ngày 11.8, TP sẽ ra quân tiếp để đủ 200 taxi cấp cứu”, bác sĩ Nhân cho biết.

Chấn chỉnh việc tiếp nhận thông tin

Tại buổi họp báo sáng 10.8, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết đang triển khai hướng dẫn chăm sóc F0 không triệu chứng được chăm sóc tại nhà, nếu không đủ điều kiện thì chuyển vào các khu thu dung, điều trị cấp quận huyện. Nếu F0 có triệu chứng hoặc triệu chứng nặng, cần hồi sức thì chuyển vào các BV điều trị. Khi cho phép F0 chăm sóc tại nhà, ngành y tế đặt ra yêu cầu phải đảm bảo cấp cứu, xử lý kịp thời khi F0 có triệu chứng trở nặng. Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về trường hợp có ca F0 cách ly tại nhà phản ánh gọi điện cầu cứu nhiều nơi, thậm chí là trung tâm cấp cứu 115, nhưng không ai nghe máy, không được nhân viên y tế đến thăm khám, đưa đi BV kịp thời, Phó giám đốc Sở Y tế đề nghị chuyển thông tin về cho Sở Y tế để liên lạc, tìm hiểu và chấn chỉnh.
Theo ông Nam, hiện trung tâm cấp cứu được mở rộng, đưa tổng đài 115 về công viên phần mềm Quang Trung, mở rộng lên 40 – 50 line để tiếp nhận, xử lý thông tin về cấp cứu. Về điều trị, tầng 5 trong mô hình tháp điều trị được tăng cường khi vận hành 3 trung tâm hồi sức, tổng giường bệnh hồi sức gần 3.500 giường, gồm: BV hồi sức Covid-19 (TP.Thủ Đức), BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới và BV Quân y 175, Trung tâm hồi sức Covid-19 của BV Việt Đức, Bạch Mai, T.Ư Huế, BV quốc tế City. Về 10.000 lọ thuốc Remdesivir do Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM, ông Nam cho biết Sở Y tế phân bổ về các trung tâm hồi sức Covid-19 từ trưa 8.8 để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng.

Gọi cấp cứu số nào?

Theo hướng dẫn của Sở Y tế, khi F0 cách ly tại nhà có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở thì liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài “1022” (bấm số “3” để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc số “4” để được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành”) hoặc gọi số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được tư vấn và hướng dẫn xử trí. Khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, tím tái đầu chi, SpO2 dưới 95% (nếu có dụng cụ đo SpO2 tại nhà) thì liên hệ ngay tổng đài 115 hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến BV điều trị kịp thời.
Cũng theo ông Nam, hiện số ca F0 vẫn tăng lên, đến ngày 9.8 đang điều trị cho khoảng 30.000 người. Hiện nhiều quận, huyện đã mở BV dã chiến để tiếp nhận, như Q.Bình Thạnh mở BV dã chiến có 2 khu cấp cứu, trang bị ô xy cao áp, Q.8 đã vận hành BV dã chiến và tiếp tục mở rộng. Hiện TP có 16 BV dã chiến và 35 BV điều trị Covid-19, quy mô trên 50.000 giường, đó là chưa kể một số BV tư nhân tham gia điều trị Covid-19.
DUY TÍNH – SỸ ĐÔNG
TNO