26/12/2024

Cách đây 90 năm, người Sài Gòn cứu trợ nhau trong cơn bĩ cực chưa từng có

Cách đây 90 năm, người Sài Gòn cứu trợ nhau trong cơn bĩ cực chưa từng có

Từ một mảnh đất lành, chim đậu của phương Nam, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 đã làm cho đời sống người Sài Gòn cực kỳ khó khăn. Và trong cơn bĩ cực chưa từng có, tình người lại được dịp toả sáng.
Bùng binh chợ Bến Thành (Place Marché) ở Sài Gòn năm 1932 /// ẢNH: T.L
Bùng binh chợ Bến Thành (Place Marché) ở Sài Gòn năm 1932 ẢNH: T.L
Báo Phụ nữ tân văn khi ấy, ngoài việc đưa liên tục những tin, bài về tình hình thất nghiệp ở Sài Gòn, mặt khác báo còn tổ chức những chương trình từ thiện như Bữa cơm bình dân miễn phí cho người thất nghiệp, đói kém. Có trường hợp một người treo cổ tự tử, cảnh sát điều tra được lý do là người này vì thất nghiệp khổ quá bèn tìm đến cái chết, báo Phụ nữ tân văn đứng ra kêu gọi những người còn chút của ăn của để nên nghĩ đến những hạng người này trong xã hội, giúp “bổn báo về chuỗi cơm bình dân”.
Cách đây 90 năm, người Sài Gòn cứu trợ nhau trong cơn bĩ cực chưa từng có - ảnh 1

Báo Phụ nữ tân văn (số 112, 10.12.1931) kêu gọi chị em phụ nữ hãy “Phất cờ bác ái” vô Hội Dục anh   ẢNH: THƯ VIỆN QUỐC GIA VIỆT NAM

Chính quyền Pháp cũng làm theo nhưng người dân (Tây và Việt) phải làm đơn xin và được xét duyệt mới được ăn cơm miễn phí của Ban Ủy viên cứu tế thất nghiệp. Thông tin nêu rất rõ “có 378 đơn xin ăn cơm. Đã xét cho hơn 200 người” (Phụ nữ tân văn số 86, 11.6.1931, tr.4).
Dù gặp khó khăn nhưng người Sài Gòn luôn sẵn lòng chung sức hỗ trợ đồng bào mình. Báo Phụ nữ tân văn có đăng nguyên lá thư của Chủ tịch Hội cứu tế tỉnh Thái Bình gửi Chủ tịch Hội Nam kỳ cứu tế nạn dân ngày 10.6.1930, cảm ơn tấm lòng hào hiệp của đồng bào trong Nam đối với đồng bào ngoài Bắc đang gặp nạn lũ lụt.

Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện

Báo Phụ nữ tân văn (số 121, 8.3.1932) kêu gọi chị em phụ nữ tham gia Hội Dục anh (mục đích tồn tại của hội là kiếm tất cả mọi phương pháp để giúp đỡ trẻ con nhà nghèo) và “hãy nuôi con giùm cho anh em chị em lao động và thất nghiệp” (tr.1). Báo nêu quan điểm rằng, trong xã hội không thể thiếu những người lao động, họ gắn liền đời sống của mình với những người giàu có, doanh chủ và ngược lại.
Báo viết: “Hiện nay bà con đương bỏ tiền ra kẻ nhiều người ít để cấp phát cho những người lao động thất nghiệp, việc ấy cũng là một việc nghĩa đáng làm lắm. Song chúng tôi tưởng nếu làm vậy thì bỏ tiền ra mà nuôi dạy con cái giùm cho họ là hơn”; “cho tiền thì chỉ cho kẻ thất nghiệp mà thôi, chớ đem tiền bỏ vào Hội Dục anh thì sẽ giúp đỡ cho gia đình của người lao động cả thất nghiệp và không thất nghiệp nữa” (Phụ nữ tân văn số 121, 8.3.1932, tr.2).
Cách đây 90 năm, người Sài Gòn cứu trợ nhau trong cơn bĩ cực chưa từng có - ảnh 2

Lời ngỏ của báo Phụ nữ tân văn (số 241, 10.5.1934, tr.2) nhân kỷ niệm “Châu niên thứ 5” (1929-1934), trong đó có nhắc đến tác động của cuộc đại suy thoái kinh tế  ẢNH: THƯ VIỆN QUỐC GIA VIỆT NAM

Cách đây 90 năm, người Sài Gòn cứu trợ nhau trong cơn bĩ cực chưa từng có - ảnh 3

Thư của Chủ tịch Hội cứu tế tỉnh Thái Bình gửi Chủ tịch Hội Nam kỳ cứu tế nạn dân ngày 10.6.1930 ẢNH: THƯ VIỆN QUỐC GIA VIỆT NAM

Không chỉ vậy, báo Phụ nữ tân văn (số 121, 8.3.1932) còn kêu gọi thành lập Viện tế bần ở Sài Gòn, như Hà Nội vừa làm trước đó, để có chỗ ở cho người bơ vơ, không nhà ở cơm ăn, để họ khỏi phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Việc làm này, trong lúc kinh tế quẫn bách và số người thất nghiệp ngày càng nhiều, đối với báo Phụ nữ tân văn cực kỳ hữu ích: “Người Nam kỳ ta lâu nay đã có tiếng là có hằng sản mà cũng có hằng tâm nữa [tức có tiền của và lòng tốt], ta đã biết lo cho người thất nghiệp, ta đã biết lập ra Hội Dục anh thì đối với đám người màn trời chiếu đất nầy, ta há lại không nên noi gương Hanoi mà cứu vớt một đôi phần khốn khổ cho giống nòi ta sao?” (tr.3).
Hội Chức việc thương gia và Công nghệ Nam kỳ còn tổ chức một đêm hát tại nhà hát Tây Sài Gòn ngày 27.11.1931 để lấy tiền cứu giúp anh em thất nghiệp ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định, thu được 1.300 đồng bạc bỏ vào quỹ cứu giúp dân thất nghiệp…
Báo chí, các hội nhóm của người Việt ở Sài Gòn luôn luôn lo lắng, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện cho là tốt cho đồng bào lúc khốn khó; còn chính quyền thuộc địa không ngồi yên mà cũng “xắn tay áo” vào cuộc. (Còn tiếp)
NGUYỄN QUANG DIỆU
TNO