26/12/2024

Vắc xin Covid-19: Nơi lo thiếu, nơi chậm tiêm

Vắc xin Covid-19: Nơi lo thiếu, nơi chậm tiêm

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn rất phức tạp, một số nơi lại không đủ vắc xin để tiêm, có nơi có sẵn vắc xin mà tiến độ tiêm còn quá chậm.
Tiêm vắc xin cho người dân, công nhân lao động ở TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) /// ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG
Tiêm vắc xin cho người dân, công nhân lao động ở TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

TP.HCM còn bao nhiêu liều vắc xin Covid-19?

Ngày 8.8, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 7.8 đã tiêm 262.471 người, trong đó có 398 người phản ứng sau tiêm 30 phút, tất cả an toàn. Ngày 8.8, tiêm thêm khoảng 200.000 người. Như vậy từ 22.7 – 9.8, TP.HCM đã tiêm được hơn 2,3 triệu người.
Số vắc xin TP.HCM đã nhận từ Bộ Y tế tính từ ngày 22.7 đến nay là gần 2,6 triệu. Với tốc độ tiêm khá cao hiện nay, nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ, dự kiến hết ngày 9.8, TP.HCM sẽ đối diện với việc thiếu vắc xin tiêm diện rộng như vừa qua. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống báo cáo cho Bộ Y tế của TP.HCM thể hiện chỉ mới tiêm khoảng 44% lượng vắc xin được cấp, mặc dù thực tế tiêm nhiều hơn.
Theo nguồn tin riêng của PV Thanh Niên, Bộ Y tế đã cấp cho TP.HCM thông qua Viện Pasteur TP.HCM 3,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca, Moderna và Pfizer, và Viện đã cấp cho TP.HCM đủ 3,5 triệu liều này. Trong tháng 8 này, TP.HCM sẽ được cấp đủ 5 triệu liều (cộng dồn).
Người dân chờ tiêm vắc xin ở Bình Dương Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Người dân chờ tiêm vắc xin ở Bình Dương  ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay tốc độ tiêm chủng của TP.HCM rất nhanh, một ngày tiêm gần bằng cả nước. Nhiều điểm tiêm tổ chức rất quy củ, có sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân. Tại các điểm tiêm chủng đều có 1 bác sĩ nhiều kinh nghiệm để duyệt lại các trường hợp hoãn tiêm nhằm đảm bảo bao phủ số người có nguy cơ tiêm vắc xin.

Nhiều điểm ở Bình Dương dừng tiêm do hết vắc xin

Ngày 8.8, bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), xác nhận hầu hết các điểm tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn đã dừng tiêm do hết số lượng vắc xin đã được phân bổ.
Theo bà Cúc, từ đầu mùa dịch đến nay, TP.Thủ Dầu Một được phân bổ 54.000 liều vắc xin Covid-19, chia làm 13 đợt. Tính đến chiều 7.8, các điểm tiêm trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đã tiêm hết số vắc xin được cấp. Nhiều người dân sau khi đến các điểm để chờ được tiêm, nhưng do hết vắc xin đành phải ra về, mặc dù trước đó đã phải đội nắng chờ rất lâu.
Ghi nhận của PV Thanh Niên từ ngày 6 – 8.8, Bình Dương triển khai 175 điểm tiêm vắc xin cố định và lưu động, trong đó sử dụng cả y tế tư nhân, bác sĩ về hưu để tiêm khoảng 320.000 liều vắc xin. Trong đó, Bệnh viện Medic Bình Dương (y tế tư nhân) tham gia tổ chức 10 điểm tiêm và nhiều xã, phường cũng tự tổ chức các tổ tiêm lưu động trong các khu nhà trọ.
Ông Phan Công Khanh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 P.Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), cho biết ngoài việc tổ chức điểm tiêm cố định do trạm y tế phường đảm nhận, phường còn vận động được 5 bác sĩ quân đội nghỉ hưu tham gia tổ tiêm di động để tiêm cho công nhân ở các khu nhà trọ, khu lưu trú cho công nhân, mỗi ngày có thể tiêm cho hơn 1.000 người. Tuy nhiên, đến chiều 7.8 thì P.Phú Hòa cũng hết vắc xin được phân bổ nên phải dừng tiêm.
Theo dự kiến, Bình Dương sẽ được cấp trên 3,5 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm cho trên 1,8 triệu người. Tuy nhiên, theo số liệu trên hệ thống tiêm chủng quốc gia của Bộ Y tế, đến ngày 8.8, Bình Dương đã được phân bổ 568.060 liều và số lượng người đã được tiêm chỉ là 142.742 người.
Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết số lượng vắc xin được phân bổ cho Bình Dương đã về kho và phân bổ cho các địa phương. Cùng ngày 8.8, ông Chương đã ký văn bản đề nghị các huyện, thị và các cơ sở y tế khẩn trương cập nhật số liệu tiêm vắc xin Covid-19 trên phần mềm tiêm chủng và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương phải báo cáo kết quả tiêm vắc xin hằng ngày cho Sở Y tế.

Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo không chậm trễ

Bác sĩ (BS) Huỳnh Hữu Dũng, Giám đốc CDC Long An, cho biết tính đến ngày 8.8, Bộ Y tế đã phân bổ cho Long An tổng cộng 401.222 liều vắc xin (AstraZeneca, Pfizer và Moderna). Ngoài ra, còn có 4.000 liều vắc xin Sinopharm được Bộ Y tế giao về dùng để tiêm cho các đối tượng là người Trung Quốc đang cư trú trên địa bàn theo đề nghị của Đại sứ quán Trung Quốc tại VN.
Đến nay, 391.140 liều đã về kho vắc xin của tỉnh Long An, còn lại 10.000 liều Moderna đang gửi tạm ở kho của Viện Pasteur TP.HCM vì điều kiện bảo quản của loại vắc xin này rất khó, mặc dù hệ thống kho chứa vắc xin của CDC Long An (gồm cả kho lạnh của các doanh nghiệp cho mượn) có sức chứa lên đến 250.000 liều.
“Hiện ngành y tế Long An đã tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 cho 237.399 người, số vắc xin còn lại hơn 153.000 liều cũng đã có kế hoạch tiêm, chỉ trong tuần tới sẽ xong. Bộ Y tế phát tới đâu, chúng tôi sẽ tiêm tới đó, có kế hoạch hết rồi và chưa từng xảy ra chậm trễ theo tiến độ”, BS Dũng cho biết.
BS Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, cho biết kế hoạch của Bến Tre đến cuối năm sẽ tiêm vắc xin cho khoảng 1,1 triệu dân (18 tuổi trở lên) trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, đã tiêm xong 3 đợt với khoảng 60.000 liều, vừa nhận về đợt 4 là 17.000 liều (Bộ Y tế thông báo đợt này Bến Tre nhận 80.000 liều) và sẽ triển khai tiêm hết trong tuần tới. “Bến Tre đảm bảo nhận được bao nhiêu liều vắc xin là tiêm hết bấy nhiêu, quyết không chậm trễ”, BS Tán cho biết.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho biết hiện đã có 98.913 người dân trong tỉnh được tiêm vắc xin và hôm nay (9.8) sẽ có 32.200 người được tiêm vắc xin đợt mới. Theo kế hoạch, tỉnh có 815.000 người cần tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Theo ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, có thể trong hôm nay (9.8) sẽ tiêm hết hơn 134.000 liều được phân bổ. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, dự kiến trong năm 2021 sẽ phân bổ cho Vĩnh Long 1,461 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.
Đến nay, tỉnh Sóc Trăng được phân bổ 85.000 liều vắc xin phòng Covid-19, hiện đã tổ chức tiêm được hơn 76.000 liều, số còn lại sẽ tiêm dứt điểm trong vài ngày nữa. Còn tại Bạc Liêu, hiện cũng đã cơ bản tiêm xong 82.553 liều vắc xin được phân bổ.
Tính đến ngày 7.8, tỉnh Đồng Tháp đã tiêm được 191.806 liều. Theo phân bổ của Bộ Y tế từ nay đến hết quý 1/2022, tỉnh có 2,2 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19.

Tỷ lệ tiêm một số nơi còn thấp

Tại Đồng Nai, kế hoạch tiêm 311.260 liều vắc xin Covid-19 đợt 4 (29.7 – 15.8), nhưng đến ngày 6.8 mới hoàn thành 4% kế hoạch (12.386 liều). Trước đó Đồng Nai đã tiêm 3 đợt với hơn 77.000 liều vắc xin Covid-19. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, từ cuối tháng 7.2021 đến hết quý 1.2022, tỉnh cần ít nhất 4 triệu liều để tiêm cho hơn 2 triệu người trên 18 tuổi.
Tại Bình Phước, thông tin từ UBND tỉnh này cho biết tổng số người cần tiêm vắc xin trong tỉnh khoảng 700.000 (cần khoảng 1,3 triệu liều). Qua 4 đợt tiêm, đến nay số người được tiêm mũi 1 mới được 57.000 (8% dân số cần tiêm), số người được tiêm mũi 2 khoảng 13.000. Các địa phương trong tỉnh hiện đang triển khai tiêm đợt 5 với 5.850 liều vắc xin được phân bổ, và đang lên kế hoạch tiêm đợt 6 với 33.600 liều. Sau khi hoàn thành, Bình Phước sẽ có gần 97.000 người được tiêm mũi 1 (14% dân số cần tiêm).

Cả nước đã tiêm được gần 8,96 triệu liều

Bộ Y tế cho biết đến ngày 8.8, gần 8,96 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm trên cả nước (hơn 8,008 triệu liều tiêm 1 mũi và hơn 888.000 liều tiêm mũi 2).
Về tỷ lệ “đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ở những người từ 18 tuổi”, theo số liệu thống kê tại Cổng thông tin tiêm chủng (https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal), đến 17 giờ ngày 8.8, có 7 tỉnh, thành đạt từ 15% trở lên. Trong đó, TP.HCM 33.13%; Bắc Ninh 32,88%; Bắc Giang 25,98%, Hà Nội 22,7%; Điện Biên 20,63%; Quảng Ninh 20,17%.
Có 6 tỉnh, thành tỷ lệ này ở mức dưới 5%, trong đó, Nam Định: 3,84%, Nghệ An: 3,55%, Thanh Hóa: 2,11%.
Một số địa phương cho biết số liệu tiêm chủng được thống kê có thể chưa được cập nhật theo tiến độ tiêm thực tế.
Tại Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Bá Tòng cho biết tỉnh này cần khoảng 1,4 triệu liều vắc xin để tiêm cho cho dân số khoảng 2 triệu người. Tuy nhiên, tính đến chiều 8.8, Bình Thuận mới nhận 68.520 liều vắc xin và đã tiêm được 50.771 liều, trong đó 49.147 liều mũi 1 và 1.624 liều tiêm mũi 2, chưa kể đã tiêm 249 liều vắc xin Sinopharm cho người Trung Quốc trên địa bàn.
Riêng tại Tiền Giang, việc tiêm chủng được cho là quá chậm. BS Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế, cho biết đến nay, Tiền Giang đã được Bộ Y tế phân bổ 15 đợt vắc xin phòng Covid-19 với tổng cộng 234.970 liều và đã tổ chức tiêm cho khoảng 100.000 người. Do tiến độ tiêm hiện quá chậm (chỉ đạt khoảng 5.000 người/ngày) nên Sở Y tế phải ban hành văn bản đôn đốc, yêu cầu các địa phương tăng tốc độ tiêm chủng.

Nhiều nơi ở miền Trung cần thêm vắc xin

Ngày 8.8, đại diện CDC Khánh Hòa cho biết đến thời điểm này toàn tỉnh nhận được 3 đợt phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế với tổng cộng 104.000 liều. Hiện CDC Khánh Hòa đã triển khai tiêm hơn 78.000 liều; trong vài ngày tới sẽ tiêm hết số còn lại.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết từ nay đến cuối năm tỉnh sẽ được phân bổ thêm 1,4 triệu liều vắc xin phòng chống Covid-19, nâng tổng số vắc xin được hỗ trợ lên 1,7 triệu liều. Ngoài ra, UBND tỉnh đã đặt mua 700.000 liều vắc xin Nanocovax phục vụ tiêm cho người dân; trong đó 500.000 liều tỉnh đăng ký mua bằng tiền ngân sách, số còn lại là vận động xã hội hóa.
Đến cuối hôm qua 8.8, theo CDC Đà Nẵng, có 66.259 lượt người tại Đà Nẵng đã được tiêm vắc xin Covid-19 trên tổng số khoảng 800.000 dân ở độ tuổi tiêm vắc xin Covid-19. Trong đó, có 58.496 người tiêm mũi 1 và chỉ có 7.763 người tiêm đủ 2 mũi. Hiện tại, kho lưu trữ vắc xin của Đà Nẵng đang trữ hơn 22.000 liều AstraZeneca, 5.800 liều Pfizer và đều đã có lịch tiêm hoàn tất trong vài ngày tới. Ngoài ra, còn có 650 liều Sinopharm (lịch tiêm cho người Trung Quốc vào cuối tháng 8).
Theo CDC Đà Nẵng, hệ thống dây chuyền lạnh của Đà Nẵng có đủ năng lực tiếp nhận, bảo quản và phân phối khoảng 440.000 liều vắc xin Covid-19 với điều kiện bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8oC. Với nhiệt độ từ -15°C đến -25°C, có thể bảo quản tối đa 66.000 liều, và địa phương chưa có hệ thống bảo quản vắc xin ở nhiệt độ âm sâu (-80°C đến -70°C). Hiện tại, năng lực lưu trữ và tổ chức tiêm chủng tại Đà Nẵng đều đang trong tư thế “đợi phân bổ vắc xin”, nên thực tế vắc xin phân bổ về địa phương đều triển khai tiêm cho các đối tượng ngay khi nhận.
Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam đã được Bộ Y tế phân bổ 3 đợt vắc xin (hơn 51.000 liều) và đã tiêm hết. Trong khi đó, đối với Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, lượng vắc xin được phân bổ chưa nhiều. Tỉnh Quảng Trị có 463.442 người từ 18 tuổi trở lên, nhưng mới tiêm 24.000 mũi vắc xin AstraZeneca cho người dân trên địa bàn. Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến nay đã được cấp 3 đợt vắc xin với tổng cộng 74.560 liều/1,2 triệu dân số toàn tỉnh.
Tiền Giang là 1 trong 9 địa phương trên cả nước có tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 chậm so với kế hoạch của Bộ Y tế. Trong khi đó, tính đến ngày 8.8, Tiền Giang đã ghi nhận gần 4.000 người nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 1,9% số ca mắc đã tử vong.
THANH NIÊN
TNO