26/12/2024

Năm học mới, dạy môn mới thế nào ?

Năm học mới, dạy môn mới thế nào ?

Kể từ năm học 2021 – 2022, bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THCS (lớp 6) xuất hiện môn học mới (môn tích hợp): Sử và địa lý, khoa học tự nhiên.
Năm học mới sắp đến, học sinh lớp 6 sẽ học theo chương trình sách giáo khoa mới /// KHẢ HÒA
Năm học mới sắp đến, học sinh lớp 6 sẽ học theo chương trình sách giáo khoa mới KHẢ HÒA
 Nhiều thầy cô băn khoăn việc dạy học môn mới lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình lớp 6 như thế nào?
Việc thầy cô lo lắng là có cơ sở vì hiện nay hầu hết giáo viên được đào tạo để dạy đơn môn như: toán, ngữ văn, lý, hóa, sinh, sử, địa… nay phải dạy môn tích hợp nên các thầy cô chưa được tập huấn sẽ có khó khăn nhất định.
Theo như hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, với môn lịch sử và địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và nội dung địa lý tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung lịch sử.
Như vậy có thể hiểu giáo viên môn sử phụ trách phần lịch sử, giáo viên môn địa phụ trách phần địa lý; tương tự môn khoa học tự nhiên cũng vậy, mỗi thầy phụ trách một phân môn lý, hóa, sinh theo chuyên môn đào tạo của mình.
Với môn lịch sử và địa lý, thầy cô băn khoăn nhiều nội dung dạy lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung địa lý và ngược lại, thì yêu cầu giáo viên phải có kiến thức cả về lịch sử và địa lý mới chuyển tải tốt nội dung tích hợp này. Nhưng có bao nhiêu thầy cô có cả kiến thức chuyên môn về lịch sử và địa lý để dạy?
Để giải quyết khó khăn này, ngày 21.7.2021, Bộ GD-ĐT đã ban hành 2 quyết định, về chương trình bồi dưỡng giáo viên môn khoa học tự nhiên và bồi dưỡng giáo viên dạy môn lịch sử và địa lý ở cấp THCS. Như vậy giáo viên sẽ đi bồi dưỡng chuyên môn trong thời gian tới đây.
Nắm được tình hình này, hiện nay có trường sư phạm đã thông báo mở lớp bồi dưỡng môn tích hợp lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên từ 20 đến 36 tín chỉ tùy theo đối tượng bồi dưỡng, mỗi tín chỉ là 150.000 đồng.
Thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn, chỉ đạo việc bồi dưỡng chuyên môn 2 môn tích hợp ở cấp THCS một cách cụ thể để giáo viên chuẩn bị tốt nhất khi thực hiện giảng dạy các môn mới trong năm học này, nhất là kinh phí giáo viên phải bỏ ra để bồi dưỡng. Nếu không, giáo viên khó lòng thực hiện tốt chuyên môn khi giảng dạy môn học mới được.

Nguyễn Văn Lực

(Giáo viên Trường Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

TNO