26/12/2024

Cấp tốc xây dựng nhiều khu vực điều trị Covid-19 tại các tỉnh

Cấp tốc xây dựng nhiều khu vực điều trị Covid-19 tại các tỉnh

Sau khi TP.HCM được chi viện tổng lực điều trị Covid-19 (Thanh Niên đã phản ánh), nhiều tỉnh, thành khu vực phía nam cũng đã hoàn thiện mô hình, cấp tốc xây dựng nhiều khu vực điều trị.
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai /// ẢNH: LÊ LÂM
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai ẢNH: LÊ LÂM

Không để “nước đến chân mới nhảy”

Tính đến ngày 8.8, Long An ghi nhận 10.116 ca mắc Covid-19, chủ yếu được phát hiện trong cộng đồng. Số F1 đang cách ly tập trung là 6.646 người, cách ly tại nhà là 5.230 người; 2.200 người được điều trị khỏi, 106 người tử vong.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Long An, toàn tỉnh hiện có 22 bệnh viện (BV) điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 với tổng số 8.220 giường bệnh. Trong đó có 2 BV điều trị đặc biệt (ICU) là BV đa khoa Long An (TP.Tân An) và BV đa khoa khu vực Hậu Nghĩa (H.Đức Hòa), tổng số khoảng 400 giường bệnh Covid-19 nặng.
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai ẢNH: LÊ LÂM

Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai ẢNH: LÊ LÂM

Đặc biệt, Bộ Y tế vừa quyết định thành lập Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại P.3, TP.Tân An (Nhà khách Tổng liên đoàn Lao động VN tại Long An). Trung tâm có quy mô 150 giường bệnh, là tuyến cuối trong bậc thang điều trị BN Covid-19 tại tỉnh Long An và các tỉnh lân cận; có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị BN Covid-19 nặng, nguy kịch; đồng thời còn có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị BN Covid-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực. Trung tâm do BV đa khoa T.Ư Thái Nguyên phối hợp Sở Y tế Long An tổ chức xây dựng, mua sắm trang thiết bị.
Tuy nhiên, do diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đang rất phức tạp nên tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, đã yêu cầu phải triển khai nhanh kịch bản xây dựng khu vực điều trị cho 15.000 – 20.000 BN Covid-19.
Tại Đồng Tháp, tính đến trưa 8.8, tỉnh này có 4.002 ca mắc Covid-19, trong đó đang điều trị hơn 2.600 ca và có hơn 1.300 ca xuất viện, 75 ca tử vong. Đồng Tháp đã thành lập 21 cơ sở điều trị, BV dã chiến điều trị Covid-19 với tổng công suất 4.551 giường, trong đó tỉnh đã trang bị 150 giường ICU hồi sức cấp cứu các ca nặng. Theo Sở Y tế Đồng Tháp, tỉnh có 110 ca mắc Covid-19 nặng, trong số đó 32 ca rất nặng. Có 3 ca lọc máu liên tục và 14 ca thở máy xâm lấn và đây là các trường hợp nguy kịch.
Qua tiếp nhận thu dung, điều trị, tỉnh Đồng Tháp còn gần 2.000 giường bệnh có thể bố trí thu dung F0. Tỉnh đã yêu cầu ngành chức năng phụ trách hậu cần chống dịch Covid-19 nhanh chóng sửa chữa ký túc xá sinh viên tại P.6, TP.Cao Lãnh và hoàn thành BV dã chiến tại 2 huyện biên giới Tân Hồng, Hồng Ngự để nâng khả năng tiếp nhận điều trị F0 của tỉnh lên trên 5.000 người trong thời gian sớm nhất.
Ngoài lực lượng y tế tại chỗ, tỉnh Đồng Tháp được Bộ Y tế cử 2 tổ công tác gồm y bác sĩ, chuyên gia y tế có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, BV Chợ Rẫy TP.HCM chi viện 3 người, BV đa khoa T.Ư Cần Thơ chi viện 9 người và BV T.Ư Huế chi viện 32 người; tỉnh Bắc Giang cử 54 y bác sĩ, chuyên gia cùng nhiều trang thiết bị y tế đến hỗ trợ Đồng Tháp dập dịch. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cử 10 người và các trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp, Đại học Y Dược Cần Thơ cũng cử nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên đến hỗ trợ.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Về trang thiết bị y tế của tỉnh cơ bản đáp ứng việc cấp cứu và điều trị F0. Đối với các thiết bị hỗ trợ BN hồi sức khác, tỉnh cũng cơ bản đảm bảo được. Riêng đối với các F0 ở tầng 1 ở dạng nhẹ, tỉnh cũng trang bị máy X-quang di động và máy đo SpO2 (nồng độ bão hòa ô xy trong máu), cứ 10 – 15 BN thì trang bị một máy hỗ trợ. Tỉnh mới trang bị được 6 máy lọc máu tại các BV, vì thế chúng tôi đang đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm 5 máy lọc máu nữa để khi có BN nặng thì có đủ để chạy liên tục, hạn chế chuyển biến xấu”.

Điều trị bệnh nhân theo tháp 3 tầng

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương đã áp dụng mô hình tháp 3 tầng trong việc điều trị BN.
Ngày 8.8, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 8.100 ca dương tính Covid-19, trong đó có 719 BN chữa khỏi và 60 ca tử vong. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế đang điều trị các BN Covid-19 theo sơ đồ tháp 3 tầng. Cụ thể, tầng 1 là nơi tiếp nhận những BN không có triệu chứng, do UBND các huyện, TP và 9 BV dã chiến của tỉnh đảm trách. Tầng 2 tiếp nhận và điều trị BN có bệnh nền và triệu chứng, cần thở ô xy, do BV đa khoa Long Thành đảm trách. Tầng 3 tiếp nhận điều trị BN diễn biến nặng, nguy kịch, gồm các BV đa khoa Đồng Nai, BV đa khoa Long Khánh, BV đa khoa Thống Nhất đảm trách.
Tỉnh mới trang bị được 6 máy lọc máu tại các BV, vì thế chúng tôi đang đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm 5 máy lọc máu nữa để khi có BN nặng thì có đủ để chạy liên tục, hạn chế chuyển biến xấu
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Cũng theo bác sĩ Vũ, tại BV đa khoa Thống Nhất còn có 3 trung tâm hồi sức tích cực quy mô 500 giường do Bộ Y tế thành lập để cấp cứu, điều trị BN nặng, nguy kịch và hỗ trợ điều trị BN Covid-19 của các địa phương khác khi được phân công.
Cùng ngày, UBND tỉnh Tây Ninh có quyết định phân 3 tầng thu dung và điều trị BN Covid-19. Theo đó, tầng 1 với công suất 2.200 giường (hiện đang hoạt động 1.920 giường), điều trị các trường hợp F0 đã có kết quả xét nghiệm, khám sàng lọc xác định không bệnh nền, không triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Mỗi địa phương thành lập khu cách ly tập trung ít nhất 200 giường/địa phương để tiếp nhận các trường hợp F0. BV dã chiến số 5 tại BV đa khoa tư nhân Cao Văn Chí (cũ) 120 giường; BV dã chiến số 1 tại KCN Thành Thành Công (TX.Trảng Bàng) 280 giường. Tầng 2 công suất 1.430 giường gồm các trường hợp F0 có triệu chứng trung bình, các trường hợp có bệnh lý nền, trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 70 tuổi. Tầng 3 với công suất dự kiến 200 giường và mở rộng 400 giường tại BV đa khoa tỉnh, khi BN tăng trên 3.000 ca. Tầng này tiếp nhận những trường hợp F0 triệu chứng nặng, nguy kịch, cần can thiệp điều trị chuyên khoa.
Như vậy, trước mắt Tây Ninh sẽ chuyển qua điều trị BN Covid-19 phân 3 tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và triển khai rà soát, phân tầng điều trị hợp lý để tiếp nhận và điều chuyển BN giữa các tầng với kịch bản điều trị từ 3.000 – 5.000 giường.
Ông Võ Đức Trong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết Tây Ninh đang được đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch, chia thành 4 nhóm (điều trị trong các tầng, truy vết, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, nhóm môi trường). Bộ Y tế xác định Tây Ninh đang nằm trong vùng rất nguy cơ, do vậy nếu không kịp thời ngăn chặn, dịch sẽ lan rộng rất khó kiểm soát.
Cũng trong ngày 8.8, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định thành lập khu điều trị BN Covid-19 tại P.Phú Chánh (TX.Tân Uyên) trực thuộc BV đa khoa Bình Dương, theo phương án điều trị “tháp 3 tầng”. Khu điều trị tại P.Phú Chánh có quy mô 400 giường, trong đó có 200 giường điều trị BN nặng, nguy kịch (tầng 3) và 200 giường còn lại điều trị BN có triệu chứng, có bệnh nền (tầng 2).
Ngoài ra, Bình Dương cũng đã thành lập thêm một BV điều trị BN nặng (tầng 1) tại BV Quốc tế Becamex (TP.Thuận An) với quy mô 200 giường bệnh và mở rộng quy mô BV dã chiến 5D (do Bộ Quốc phòng chi viện) tại khu Đại học Quốc gia TP.HCM (TP.Dĩ An) từ 500 giường bệnh lên 1.000 giường bệnh để điều trị cho các BN nhẹ (tầng 1). Đối với các F0 không có triệu chứng, Bình Dương đang cách ly, điều trị tạm thời ở các khu điều trị được trưng dụng từ các trường học trên địa bàn.
Theo CDC Bình Dương, tính đến ngày 8.8, Bình Dương đã ghi nhận gần 26.000 ca dương tính với Covid-19.
THANH NIÊN
TNO