24/11/2024

Vì sao Covid-19 bùng phát mạnh ở Bình Dương?

Vì sao Covid-19 bùng phát mạnh ở Bình Dương?

Đến ngày 5.8, Bình Dương đã ghi nhận trên 22.000 ca dương tính với Covid-19, trong đó có ngày phát hiện 2.179 ca (ngày 1.8). Dự báo trong thời gian tới tổng số ca nhiễm có thể lên đến 30.000 ca.
Lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng cho người dân tại Bình Dương /// ẢNH: Đ.T
Lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng cho người dân tại Bình DươngnẢNH: Đ.T

Chậm có kịch bản ứng phó

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ cuối tháng 5.2021, Bình Dương chỉ ghi nhận một số ca dương tính Covid-19 nằm rải rác trên địa bàn TP.Dĩ An và TP.Thuận An. Các ca này có nguồn lây nhiễm chủ yếu từ TP.HCM, nhưng cũng có ca chưa xác định nguồn lây như ở TX.Tân Uyên. Cụ thể như ổ dịch tại P.Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), ca đầu tiên được phát hiện vào ngày 14.6, sau đó lây nhiễm ra cho hàng trăm người khác ở Công ty gốm sứ Hiền Hòa Anh (P.Tân Vĩnh Hiệp, TX.Tân Uyên), Công ty TNHH VN House Wares (P.Bình Chuẩn, TP.Thuận An) và Chi nhánh xử lý chất thải Bình Dương…
Vào ngày 27.6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp đến kiểm tra và làm việc tại Bình Dương về công tác phòng chống dịch Covid-19. Sau khi làm việc, Thủ tướng biểu dương Bình Dương trong công tác chống dịch, đồng thời cũng kết luận, chỉ đạo một số vấn đề quan trọng.
Cụ thể, trong thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 1.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có kết luận tình hình dịch Covid-19 ở Bình Dương diễn biến phức tạp, còn nhiều ca bệnh, chùm lây nhiễm ở ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn gốc, có nguy cơ lây lan rộng, khó kiểm soát. Kết luận của Thủ tướng còn nêu rõ tại thời điểm này Bình Dương chưa có phương án cụ thể về phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, chưa có kịch bản ứng phó với từng cấp độ diễn biến dịch lây lan, bùng phát. Thủ tướng yêu cầu Bình Dương cần phải đánh giá nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân, đúc rút thành bài học kinh nghiệm để kịp thời bổ sung, hoàn thiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình địa phương. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả chiến lược “5K + vắc xin” và ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch.

Tiêm vắc xin còn chậm

Sau cuộc họp nêu trên, Bộ Y tế cũng đã phân bổ vắc xin cho Bình Dương. Đến ngày 15.7, Bình Dương tổ chức lễ phát động tiêm vắc xin và khử khuẩn trên diện rộng. Theo số liệu của Sở Y tế Bình Dương, tính đến thời điểm này tỉnh đã được phân bổ 307.000 liều vắc xin, nhưng mới chỉ tổ chức tiêm được khoảng 67.000 liều, trong đó chủ yếu tiêm cho lực lượng phòng chống dịch, tình nguyện viên. Trong khi đó phần lớn công nhân (CN) làm việc trong các nhà máy “3 tại chỗ” vẫn chưa được tiêm phòng, mặc dù vắc xin đã có trong kho.

Trên 1.700 F0 trong khu, cụm công nghiệp

Đến nay, Bình Dương có 3.662 DN đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Trong đó có 1.894 DN trong KCN với gần 273.842 lao động và 1.768 DN ngoài KCN với gần 119.502 lao động. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bình Dương, đã ghi nhận 1.700 F0 trong các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, ngày 25.7, tại TP.Dĩ An (Bình Dương) ghi nhận 248 F0 trong Công ty cổ phần gỗ mỹ nghệ Long Việt, là công ty đang thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”.
Đ.T
Trước tình trạng này, đầu tháng 8, Liên đoàn Doanh nghiệp (LĐDN) Bình Dương đã có văn bản đề nghị và tình nguyện tiêm thí điểm vắc xin Nanocovax cho 200.000 người là CN của các thành viên LĐDN. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch LĐDN Bình Dương, cho biết CN trong các nhà máy “3 tại chỗ” ở Bình Dương đang rất lo lắng do chưa được tiêm vắc xin. “Nếu không thực hiện tiêm vắc xin sớm thì khả năng các nhà máy mất hết lao động. Mỗi ngày công ty của tôi đang mất vài trăm CN”, ông Tín nói. Không riêng gì LĐDN Bình Dương, nhiều DN khác đang thực hiện “3 tại chỗ” cùng chung tâm trạng. Sau khi nhận được phản ánh của DN, Tỉnh ủy Bình Dương đã có chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho CN cũng như người dân trên địa bàn. Theo đó, đến tối 4.8 cơ quan chuyên môn Bình Dương đưa ra thông báo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin với khoảng trên 320.000 liều bắt đầu từ 4.8, nhưng thực tế ngày 5.8 mới triển khai.

Thực hiện chỉ thị 16 chưa nghiêm

Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Bình Dương, là người có mặt từ những ngày đầu tỉnh này có ca mắc Covid-19. Ông Nam cho rằng trên địa bàn vẫn còn nhiều người dân không thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16, trong khi tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn còn phức tạp. Theo ông Nam, chính quyền cần tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm giãn cách. Bình Dương cần quan tâm chống dịch trong khu công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết, phòng chống dịch bệnh với tinh thần phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, lý giải về số ca mắc tăng cao tại Bình Dương, Phó giáo sư Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, nhận định: “Bình Dương là địa phương gần với TP.HCM, nơi đã có các ca bệnh trong cộng đồng. Và Bình Dương có các khu công nghiệp (KCN) lớn, mật độ giao lưu đi lại nhiều, trong khi đó có thể việc thực hiện phong tỏa ban đầu chưa nghiêm, chưa hiệu quả, khiến mầm bệnh vẫn lây lan”. Theo ông Phu, để kiểm soát dịch, cần thực hiện phong tỏa chặt chẽ, giãn cách xã hội thật nghiêm. Tại “vùng đỏ” cần dập dịch triệt để, bảo vệ hiệu quả “vùng xanh”; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bao phủ rộng.
Qua 2 chuyến công tác tại Bình Dương về phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tháng 7 vừa qua, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng cho rằng: “Bình Dương gia tăng ca mắc Covid-19 do thời gian đầu thực hiện giãn cách chưa thực sự nghiêm. Trong khi đó, khu nhà trọ và một số nơi ở chật hẹp, ở sát nhau, tăng nguy cơ lây nhiễm. Hiện Bình Dương đang tiến hành chiến lược xét nghiệm đồng bộ kết hợp kháng nguyên nhanh để nhanh chóng đưa F0 ra khỏi cộng đồng”.

Đến 30.8 Bình Dương cơ bản phải kiểm soát được dịch

Chiều 5.8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bình Dương. Phó thủ tướng cho biết so với lần kiểm tra trước, đến nay công tác phòng chống dịch tại Bình Dương đã có những điều chỉnh, chấn chỉnh, chuyển biến tốt hơn. Tuy nhiên, Bình Dương phải tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 tăng cường, “ai ở đâu thì ở tại đấy”; trong thời gian này cần quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, đời sống của người dân; cố gắng chậm nhất có thể đến 30.8 cơ bản phải kiểm soát được dịch. Phó thủ tướng yêu cầu Bình Dương triển khai nhanh việc tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân và CN lao động; nâng cao năng lực lấy mẫu xét nghiệm và tăng công suất xét nghiệm để phát hiện “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng; có thể xét nghiệm sàng lọc, quét nhiều lần để truy tìm F0 trong cộng đồng, đặc biệt là trong các khu nhà trọ. Phó thủ tướng cho rằng nếu cần thiết có thể đưa toàn bộ một khu vực dân cư hoặc khu nhà trọ đi cách ly tập trung để sàng lọc cho đến khi không còn F0 trong khu vực đó mới đưa người dân trở lại sinh sống. Về công tác điều trị, Phó thủ tướng cho rằng ở “tầng 3” điều trị F0 bệnh nặng vẫn còn hạn chế, thiếu máy móc, trang thiết bị. Do đó, đề nghị Bộ Y tế và Bình Dương triển khai nhanh việc mua sắm trang thiết bị y tế để phục vụ công tác điều trị F0 bệnh nặng, giảm thiểu tử vong.
Theo báo cáo cùng ngày của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bình Dương, dự báo trong 2 tuần tới số ca nhiễm có thể tăng đến 30.000 ca do tỉnh đang thực hiện xét nghiệm trên diện rộng cho 1,8 triệu dân. Để đảm bảo năng lực đáp ứng cho công tác phòng chống dịch, Bình Dương đề ra một số giải pháp trọng tâm như: thực hiện chốt chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những “vùng xanh” an toàn. Tăng công suất lấy mẫu, xét nghiệm để sớm phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch “vùng đỏ” thành “vùng xanh”. Khảo sát, đầu tư mở rộng các khu cách ly đáp ứng từ 50.000 – 100.000 chỗ.
Mở rộng các khu điều trị F0 từ 20.000 – 30.000 giường. Huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch; tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm phòng chống dịch…
Đ.T
ĐỖ TRƯỜNG – LIÊN CHÂU  – VÂN ANH
TNO