23/11/2024

Chúng ta đã biết gì về biến thể mới Lambda?

Chúng ta đã biết gì về biến thể mới Lambda?

Một số nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy biến thể Lambda có thể làm tăng khả năng lây nhiễm. Chưa có bằng chứng biến thể này làm giảm hiệu quả của vắc xin COVID-19.

 

Chúng ta đã biết gì về biến thể mới Lambda? - Ảnh 1.

Biến thể Lambda (màu vàng) được nhận diện lần đầu tiên ở Brazil – Ảnh: NIAID

Biến thể mới Lambda là một chủng đột biến của virus gốc SARS-CoV-2.

Từ ngày 14-6, biến thể này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào danh mục biến thể cần chú ý (VOI), tức thấp hơn các biến thể cần quan tâm (VOC) như biến thể Delta.

Đến nay chỉ có số ít nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về biến thể Lambda. Do đó cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa mới biết biến thể này độc hại đến đâu.

Lambda từ đâu đến?

Theo WHO, biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên ở Lima (Peru) vào tháng 8-2020. Biến thể còn được gọi là C37 hoặc “biến thể núi Andes”.

Tại Peru, biến thể Lambda nhanh chóng chiếm đa số các ca mắc COVID-19 (81% tổng số trình tự gene đã phân tích từ tháng 4-2021).

Sau đó, biến thể Lambda đã phát tán đáng kể ở khu vực Nam Mỹ (Chile, Ecuador, Argentina, Brazil) và hiện nay đã hiện diện tại khoảng 30 quốc gia.

Pháp đã phát hiện ca nhiễm biến thể mới Lambda đầu tiên vào đầu tháng 5-2021. Anh đã đưa ra cảnh báo về biến thể mới này vào đầu tháng 7-2021.

Theo trang web Infection Control Today, tại Mỹ ca đầu tiên nhiễm biến thể Lambda được phát hiện trong bệnh viện ở Houston vào cuối tháng 7-2021.

Chúng ta đã biết gì về biến thể mới Lambda? - Ảnh 2.

Biến thể Lambda chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 ở Peru – Ảnh: AP

Lambda có lây nhiễm và gây tử vong cao hơn không?

Cơ quan Y tế công cộng Pháp đánh giá hiện vẫn còn thiếu nhiều dữ liệu về tác động của biến thể Lambda đối với sức khỏe cộng đồng cũng như tính cạnh tranh của biến thể Lambda đối với các biến thể khác, đặc biệt là các biến thể trong danh mục VOC.

Theo một số nghiên cứu ban đầu trong ống nghiệm, biến thể Lambda mang hai đột biến T76I và L452Q có khả năng làm tăng khả năng lây nhiễm so với chủng gốc SARS-CoV-2.

TS vi sinh vật Pablo Tsukayama người Peru giải thích: “Chúng tôi chưa biết chính xác liệu biến thể Lambda có khả năng lây nhiễm cao hơn hay gây tử vong nhiều hơn không. Chúng tôi biết rất ít về ảnh hưởng xảy ra khi các đột biến kết hợp tác động đến sinh học của virus”.

Chúng ta đã biết gì về biến thể mới Lambda? - Ảnh 3.

Nhân viên y tế đến quần đảo Uros (Peru) tiêm vắc xin Sinopharm ngày 7-7-2021 – Ảnh: AFP

Lambda có kháng vắc xin không?

Biến thể Lambda còn mang ba đột biến RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa sau khi nhiễm và sau khi tiêm các loại vắc xin Pfizer, Moderna và Sinovac-CoronaVac.

Dù vậy, không có bằng chứng cho thấy biến thể Lambda ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của vắc xin.

Đối với hai loại vắc xin Pfizer và AstraZeneca, tại Chile hai loại này ít được sử dụng nên không đủ dữ liệu để biết liệu biến thể Lambda có kháng vắc xin hay không.

TS Pablo Tsukayama giải thích: “Chúng ta cần thêm dữ liệu dựa trên hiện tượng nhiễm virus trong ống nghiệm, trên mô hình động vật và thử nghiệm trung hòa. Cần nhớ hiện nay các vắc xin đều đủ khả năng bảo vệ chống lại các biến thể đã biết”.

Đối với vắc xin Sinovac-CoronaVac của Trung Quốc, nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Chile đã quan sát thấy đối với những người đã tiêm hai liều, biến thể Lambda đã làm tăng khả năng lây nhiễm và thoát khỏi kháng thể trung hòa do vắc xin tạo ra.

Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy biến thể Lambda không gây tác động nào đáng kể đến hiệu quả của thuốc điều trị bằng hỗn hợp kháng thể đơn dòng của Công ty Regeneron.

HOÀNG DUY LONG
TTO