Chúa Nhật XVIII TN B 2021: Sống hào hùng
Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về một việc thường làm trong đời sống hằng ngày: ăn uống, nhất là trong đại dịch Covid-19 khó khăn này. Cha ông chúng ta vẫn dạy “ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn”. Nhưng vì nhiều người chưa hiểu sống là gì, sống như thế nào mới đáng ăn, nên cũng ít người biết ăn là gì và ăn như thế nào mới đáng sống.
Chúa Nhật XVIII TN B 2021
Sống hào hùng
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về một việc thường làm trong đời sống hằng ngày: ăn uống, nhất là trong đại dịch Covid-19 khó khăn này. Cha ông chúng ta vẫn dạy “ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn”. Nhưng vì nhiều người chưa hiểu sống là gì, sống như thế nào mới đáng ăn, nên cũng ít người biết ăn là gì và ăn như thế nào mới đáng sống.
1. Sống là gì?
Từng giây phút ta đang sống, nhưng nếu ai hỏi “sống là gì, sống để làm gì, sống như thế nào mới đáng”, thì ta cũng không dễ trả lời.
Sự sống là một cái gì hiển nhiên, không cần giải nghĩa hay minh chứng, vì nó đang ở trong ta và trong mọi sinh vật quanh ta, dù ta thấy hay không thấy được chúng. Một người bạn vừa mới cười nói với ta, ta biết bạn ấy đang sống. Bẵng đi một tuần, ta nghe tin người ấy chết vì một căn bệnh hay do một tai nạn nào đó, ta biết rằng người đó đã chết.
Người ta chẳng thấy những con virus Corona bằng mắt thường, nhưng biết chúng đang sống và làm xáo trộn đời sống của cả thế giới. Tính đến hôm nay, 3/8/2021, theo thống kê của Worldmeters, cả thế giới có hơn 200 triệu người nhiễm bệnh; 4,24 triệu người đã chết và hơn 180 triệu người hồi phục.
Sự sống là một cái gì lạ lùng, thiêng liêng, cao quý và là một thực tại nhiệm mầu cần chúng ta khám phá không ngừng. Từng ngọn cỏ, cánh hoa, con bướm đã làm mê mẫn biết bao nhà bác học. Từng tế bào trong con người ta vô cùng phức tạp cho đến nay y học vẫn chưa khám phá hết. Và dù thấy rõ sự vận động của vật chất, nhưng chưa nhà bác học nào xác định được sự sống ở đâu trong cơ thể con người.
Tuy nhiên, nhiều người khác lại coi thường sự sống vì thấy nó có vẻ tạm thời, mong manh, vô nghĩa và thậm chí phi lý. Chỉ cần một làn gió nóng thổi qua, bông hoa tươi đẹp kia cũng héo tàn. Chỉ cần một phút lơ đễnh, ngủ gật của tài xế, cả chuyến xe bị tai nạn, khiến nhiều người chết, bị thương. Một bác sĩ trẻ tương lai đang rộng mở, đột ngột qua đời vì nhồi máu cơ tim. Nhiều người cho rằng sự sống vô nghĩa nên chẳng cần học hành, làm việc mà chỉ cần ăn uống, vui chơi cho thoả thích, vì chắc chắn mọi người đều phải chết, phải bỏ lại tất cả để đi vào cõi bất định, hư vô.
Nhà ái quốc Phan Bội Châu đã gửi lời tâm huyết cho những người này qua bài “Sống” của ông:
Sống tủi làm chi đứng chật trời?
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến,
Sống chịu ngu si để chúng cười,
Sống tưởng công danh không tưởng nước.
Sống lo phú quý, chẳng lo đời,
Sống mà như thế, đừng nên sống!
Sống tủi làm chi đứng chật trời!
Có nhiều người hiện nay nghĩ rằng sống là để học hành, có bằng cấp và cố gắng tìm được việc làm ổn định, nhờ đó có điều kiện để ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà cao cửa rộng với chiếc xe đời mới. Tất cả ý nghĩa đời sống của họ chỉ tập trung vào cái bụng để ăn chơi chứ không phải là cái đầu để suy tư. Họ giống như người Do Thái trong Bài đọc I (x. Xh 16,2-15) nói với ông Moise và ông Aaron: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi chết đói cả lũ ở đây!”. Họ sẵn sàng sống kiếp nô lệ để được ăn ngon, hơn là được tự do mà bị đói khổ.
Cái đói và nỗi sợ hãi trong cơn dịch bệnh Covid-19 cũng đã khiến hàng trăm ngàn người dân tạm trú ở TP.HCM vội vã rời khỏi Sài Gòn trong tháng 7 vừa qua bằng bất cứ phương tiện nào, khiến dịch bệnh lan tràn khắp nước, nhất là các tỉnh gần kề. Công lệnh hoả tốc “ở yên tại chỗ” của Chính phủ ngày 2/8/2021 đã ngăn ngừa thảm hoạ này. Họ không tin vào phép lạ của tình yêu, không tin vào tình yêu hào phóng, bao dung của người Sài Gòn.
Thiên Chúa đã hiểu thấu nỗi sợ hãi về cái chết và khát vọng sống của con người. Ngài đã đáp lại bằng việc ban Manna và thịt chim cút cho họ ăn thoả thích như một dấu hiệu mời gọi họ tìm kiếm một sự sống cao quý hơn. Đó là sự sống trong tự do và tình yêu mà chỉ Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, mới có thể đem lại cho tất cả những ai tin vào Người.
2. Sống trường sinh
Qua bài Tin Mừng (x. Ga 6,24-35), Đức Giêsu vạch trần thái độ sống để ăn của người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông”.
Đây cũng là lời mời gọi của Đức Giêsu gửi đến tất cả chúng ta trong thời đại này: nhiều người ra sức làm việc, kiếm thật nhiều tiền để hưởng thụ cuộc sống. Họ đi tìm của ngon vật lạ, ăn những món đặc sản trong nước hay ngoài nước để chứng tỏ mình là người sành điệu, lịch lãm. Mỗi bữa ăn của họ có thể nuôi sống hàng trăm người nghèo đói.
Chúng ta biết rằng cơ thể người lớn trung bình mỗi ngày chỉ cần số lương thực sản xuất ra khoảng 2.300Kcl, có khoảng 20 đơn chất, mà 4 chất chính là Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ chiếm tới 96% trọng lượng cơ thể (x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, 2015, tr. 350-361). Dù của ngon vật lạ có là “bát bửu” của Trung Quốc như nem công, chả phượng, tay gấu, lưỡi chim sẻ… thì chúng cũng chỉ đánh lừa vị giác, khứu giác của ta mà thôi. Một khi đồ ăn đi vào dạ dày rồi, tất cả đều chuyển hoá thành những chất đơn giản. Vì thế, ta đừng đi tìm ăn những đặc sản mà cần phải biết ăn theo khoa học để có sức khoẻ dồi dào.
Câu hỏi của người Do Thái cũng là vấn đề đáng cho chúng ta quan tâm, nhất là trong mùa dịch bệnh này: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”. Trong thời gian phải tuyệt đối ở yên trong nhà để tránh lây nhiễm, nhiều người chỉ biết lướt web, xem tivi, hết ăn lại ngủ và thấy rất căng thẳng vì những tin tức trái chiều, giả dối, tiêu cực. Không ít người bị suy nhược vì lo sợ, bất an, khó ngủ, dẫn đến trầm cảm. Một ít người tích cực hơn tham gia các đội tình nguyện viên phục vụ cộng đồng, nấu cơm từ thiện, hay tìm hiểu, học hỏi một kỹ năng nào đó.
Đức Giêsu không đòi hỏi người Do Thái phải làm việc này, việc nọ, phải tuân giữ giao ước 10 điều răn hay làm việc bác ái nào đấy. Người chỉ nói rằng: “Việc Thiên Chúa muốn các ông làm là tin vào Đấng Chúa sai đến”, là Đức Giêsu. Người đã làm phép lạ hoá bánh cá ra nhiều như dấu hiệu để dẫn họ vào đời sống mới, trở thành con người mới “là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,24). Những bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên phục vụ trong các bệnh viện, các cơ sở cách ly tập trung, bỏ lại gia đình, đi vào tâm dịch ở Tp.HCM, Bình Dương, Biên Hoà là những mẫu gương sống hào hùng. Dù hầu hết chẳng biết Đức Giêsu là ai nhưng họ đã tin tưởng vào tình yêu, phục vụ sự sống của con người. Như thế là họ đã gắn bó với Người rồi vì Đức Giêsu chính là tình yêu, là sự sống (x. Ga 11,25).
Trong tình hình hiện nay, nhiều người chúng ta đang lo lắng không biết mình được tiêm vaccine của hãng nào, hầu như ai cũng mong mình được loại vaccine tốt. Mong muốn và nỗi lo đó là chính đáng, vì trong cơn đại dịch này, con người càng biết quý trọng sự sống hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quá hoang mang lo lắng, vì đối vớiThiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống, dù là vaccine nào thì đó cũng chỉ là vật chất giới hạn trước sự sống kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa ban cho con người.
Ngày hôm qua tôi nhận được lời kêu cứu của các bác sĩ trẻ đang phục vụ trong các bệnh viện dã chiến ở Tp.HCM cũng như ở Đồng Nai và Bình Dương. Họ đang thiếu thuốc chữa các bệnh thông thường cho cả chục ngàn người trong các bệnh viện và khu cách ly tập trung. Các bệnh nhân ở đó đau bụng, tiêu chảy, sốt và nhiều chứng bệnh khác. Chính quyền địa phương và Bộ Y tế cũng đã giúp đỡ, nhưng không thể đáp ứng đủ trước nhu cầu quá lớn hiện nay. Chúng tôi ước mong các nhà thuốc hãy quảng đại gửi thuốc đến các nơi này. Người Sài Gòn yêu thương và sẵn lòng chia sẻ để tất cả đồng bào được an toàn và khoẻ mạnh vào thời kỳ khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử của những người mở đất phương Nam.
Lời kết
Hiểu được sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của con người, chúng ta muốn sống hào hùng, quảng đại như các bậc tổ tiên anh hùng của đất nước. Chúng ta muốn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu vì chỉ có Người mới giúp cho ta tìm được nguồn sống vĩnh hằng để sống hào hùng như Người.
HKK