23/01/2025

Tổng lực chi viện y tế cho phía nam

Tổng lực chi viện y tế cho phía nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn trương hơn nữa trong việc chi viện y tế kịp thời cho các địa phương phía nam đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.
TP.HCM hỏa tốc xây dựng, vận hành các trung tâm hồi sức cấp cứu để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
TP.HCM hỏa tốc xây dựng, vận hành các trung tâm hồi sức cấp cứu để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng  ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Chiều qua (1.8), Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tăng cường nhân lực y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Văn bản nêu rõ trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường kịp thời nhân lực chống dịch cho các địa phương có số ca nhiễm rất cao như: TP.HCM và một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang…, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan y tế địa phương nâng cao năng lực, tham gia lực lượng chi viện theo sự điều động của Bộ trưởng Bộ Y tế.

TP.HCM có thêm 4 trung tâm hồi sức Covid-19

Bộ Y tế thành lập tại TP.HCM 4 trung tâm Hồi sức cấp cứu (HSCC) mới, tổng quy mô 2.000 giường; thêm Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 có sẵn 1.000 giường, tổng cộng 3.000 giường. Chiều 1.8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đến thăm làm việc tại BV dã chiến (BVDC) thu dung điều trị Covid-19 số 16 tại Q.7, đây là 1 trong 4 trung tâm HSCC Covid-19 được thành lập cấp tốc mà Bộ Y tế thực hiện tại TP.HCM.
Theo TS-BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu A9 BV Bạch Mai, BV được Bộ Y tế giao nhiệm vụ rất quan trọng là thực hiện Trung tâm HSCC 500 giường. Hiện đã khảo sát toàn bộ thực trạng BVDC số 16 và còn rất nhiều công việc triển khai. Về nhân sự để vận hành hệ thống HSCC là rất nhiều, đặc biệt là chuyên gia hồi sức, truyền nhiễm, chống nhiễm khuẩn… BV Bạch Mai đã sẵn sàng lực lượng chi viện cho BV này. “Tổng số nhân viên BV sẽ có 400 bác sĩ và 1.000 điều dưỡng và các lực lượng khác là 500 người. Bên cạnh đó, ô xy và hệ thống khí là rất quan trọng với HSCC, hệ thống này không chỉ đòi hỏi nhiều mà còn trung tâm hóa, được cung cấp từ một nguồn từ ngoài vào nhằm tránh cho việc thay ô xy nhiều lần, tránh tiếp xúc không cần thiết với môi trường nhiều vi rút. Ô xy và khí nén trung tâm là vô cùng quan trọng. Hiện BV có sẵn nhưng chưa đủ và cần làm lớn hơn, hiện đã có nguồn cung đầy đủ”, ông Sơn nói.
Thiết bị y tế do Bệnh viện Bạch Mai chuyển bằng tàu hỏa từ Hà Nội đến TP.HCM phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng Ảnh: M.Thanh

Thiết bị y tế do Bệnh viện Bạch Mai chuyển bằng tàu hỏa từ Hà Nội đến TP.HCM phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng  ẢNH: M.THANH

“Sáng 1.8, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo UBND TP và thống nhất các hạng mục cần cải tạo bổ sung, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Trong vòng 48 – 72 giờ tới, các hạng mục này hoàn thành để có thể đưa vào sử dụng tiếp nhận bệnh nhân HSCC”, ông cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo trong 48 giờ phải đưa vào sử dụng ngay Trung tâm HSCC 500 giường này, càng nhanh càng tốt, nhận bệnh ngay. Trung tâm sẽ được trang bị khoảng 600 máy thở. Bộ trưởng Long chỉ đạo phải đào tạo nhân lực tại chỗ để phối hợp thực hiện. BV Bạch Mai tối thiểu phải đưa vào 30% quân số. Bộ trưởng Y tế sẽ điều động thêm nhân lực từ một số tỉnh phía bắc vào.
“Thuốc men, trang thiết bị y tế, Bộ đảm bảo đầy đủ, hoặc mua hoặc lấy từ kho. Tất cả cơ sở tiếp nhận bệnh nhân phải có hệ thống telehealth (khám, chữa bệnh từ xa), phải sàng lọc bệnh nhân; đừng để bệnh nhân nhẹ chiếm giường bệnh nhân nặng; bệnh nhân nặng chuyển nhẹ thì chuyển xuống tuyến thấp hơn”, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Y tế, quan điểm lớn nhất và mục tiêu lớn nhất của Bộ và TP.HCM là giảm tử vong với người nhiễm Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Do đó, Bộ Y tế thành lập thêm 4 trung tâm HSCC bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại TP.HCM. Theo đó, BV Bạch Mai quản lý BVDC số 16 với 2.300 giường, trong đó 500 giường HSCC, 2 ngày nữa hoạt động. BV Việt – Đức chuẩn bị Trung tâm HSCC 500 giường tại BVDC số 13 (H.Bình Chánh) và BV T.Ư Huế thành lập Trung tâm HSCC 500 giường tại BVDC số 11 (TP.Thủ Đức), cả 2 trung tâm này 5 ngày nữa đi vào hoạt động.
Bộ Y tế cũng giao BV Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 ngay từ hôm nay (2.8), ban đầu với 70 giường tại BV Quốc tế City. Tại BV Quốc tế City sẽ có 500 giường hồi sức, trong những ngày đầu hoạt động quy mô 200 giường. Tại đây, BV Đại học Y Dược đảm nhiệm chuyên môn, điều hành, quản lý, cử chuyên gia đến… Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo các BV có phương án chuẩn bị giường sản để tiếp nhận các thai phụ nhiễm Covid-19 để làm sao cho mẹ tròn con vuông tại chỗ.
Tại cuộc kiểm tra, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các bộ phận liên quan của TP.HCM phụ trách những nội dung liên quan đến việc thiết lập các trung tâm HSCC này cần tinh giản ngay thủ tục hành chính, tích cực nhất, thiếu gì thì bổ sung nhanh nhất để các trung tâm đón nhận ngay bệnh nhân nặng, rất nặng vào điều trị.

Y bác sĩ về địa phương “cắm chốt”

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cùng với chi viện tổng lực cho TP.HCM, Bộ Y tế cũng đã huy động tổng lực các BV T.Ư, cử y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên cùng các thiết bị, phương tiện bảo hộ… cho các tỉnh phía nam phòng chống dịch.
Tại Tiền Giang, cùng với điều động nhân lực của BV Hữu nghị và Trường đại học Y Thái Bình vào hỗ trợ địa phương nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19 nặng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng giao Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Trung Cấp, chuyên gia hàng đầu về điều trị bệnh nhân Covid-19, tham gia phối hợp cùng các chuyên gia do Bộ Y tế điều động vào Tiền Giang, sớm cùng tỉnh rà soát ngay lại tình hình điều trị, tập huấn lại về chuyên môn cho toàn tuyến rồi báo cáo với Bộ Y tế để nhanh chóng điều động kịp thời nhân lực điều trị cho tỉnh.

Trung tâm hồi sức cấp cứu Covid-19 sẽ có gì?

Theo lịch trình, tối nay (2.8) các thiết bị y tế hiện đại đủ cho khoảng 100 giường hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng sẽ đến TP.HCM và sẽ được lắp đặt tại Trung tâm HSCC tại BVDC số 16 tại Q.7. Toàn bộ trang thiết bị này được chuyển giao từ Trung tâm HSCC đặt tại BV Tâm thần tỉnh Bắc Giang trong đợt chống dịch vừa qua.
Toàn bộ số thiết bị trên gồm 20 máy thở, máy thở chức năng cao, 15 máy thở ô xy dòng cao, 45 monitor theo dõi ca bệnh, 80 máy tiêm điện, 80 máy truyền dịch, 1 máy lọc liên tục, 1 máy siêu âm màu, 1 máy sốc tim, 1 máy ép tim lồng ngực, 1 máy sinh hóa tự động, phân tích máu tự động… phục vụ điều trị các bệnh nhân nặng.
Cùng với kho dã chiến đặt tại TP.HCM có 2.000 máy thở và số lượng lớn phương tiện bảo hộ, khẩu trang, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường thêm hàng ngàn thiết bị gồm máy thở, monitor, bơm truyền dịch, bơm tiêm điện… Trong đó có các nguồn huy động từ các tập đoàn, đơn vị tài trợ đàm phán, mua sắm và chuyển đến các tỉnh phía nam.
Liên Châu
Tại Long An, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo tỉnh Long An đã trực tiếp đi khảo sát địa điểm sẽ thiết lập Trung tâm HSCC quy mô 500 giường, đặt tại Nhà khách Tổng liên đoàn Lao động (P.3, TP.Tân An). Bộ sẽ điều nhân lực và trang thiết bị đồng hành cùng tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng có phương án về điều động nhân lực, huy động trang thiết bị, vật tư y tế cho trung tâm, để thiết lập xong là đưa vào hoạt động ngay.
Trước đó, từ ngày 1.7, Tổ công tác của Bộ Y tế do TS Hoàng Quốc Cường, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, làm tổ trưởng gồm 6 thành viên là các chuyên gia về lĩnh vực dịch tễ, điều trị, xét nghiệm… của các BV/viện trực thuộc Bộ Y tế đã về “cắm chốt” tại Long An. Ngoài ra, đoàn công tác gồm 80 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm… giàu kinh nghiệm trong điều trị Covid-19 của tỉnh Bắc Giang cũng đã đến hỗ trợ Long An chống dịch từ ngày 20.7. Trong khi đó, BV Lão khoa T.Ư hỗ trợ tại Đồng Tháp, Bệnh viện 103 hỗ trợ TP.Cần Thơ.
Cũng trong sáng 1.8, BV K T.Ư (Hà Nội) tiếp tục xuất quân đợt 2 đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía nam. Theo PGS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K, 11 cán bộ y tế tham gia đoàn công tác lần này là bác sĩ, điều dưỡng tinh nhuệ chuyên ngành HSCC. Đoàn tăng cường cũng mang theo máy thở, monitor, máy truyền dịch vào Đồng Nai, cùng với BV Phổi T.Ư tham gia công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Tại Đồng Nai, Trung tâm HSCC điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô 500 giường cũng do BV Phổi T.Ư và BV E thiết lập tại BV đa khoa Thống Nhất.

Công tác phòng chống dịch đã đi đúng hướng

Ngày 1.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá về tổng thể công tác phòng chống dịch đã đi đúng hướng, có kết quả bước đầu nên cần tiếp tục phát huy để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn. Các biện pháp tăng cường được người dân ủng hộ nên càng phải quyết tâm, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao hơn nữa để không phụ lòng tin của người dân. Đến nay, các biện pháp đã vào nề nếp, bài bản, hiệu quả hơn, chính quyền địa phương và các đơn vị đã chủ động phối hợp khi ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Trong từng khu dân cư, khu cách ly, vai trò tự quản của người dân mở rộng và quyết liệt hơn.
Về tình hình dịch trên địa bàn, Bí thư Nên đánh giá đã cơ bản kiểm soát được các ca lây lan mới, hầu hết F0 ghi nhận trong khu phong tỏa cho thấy việc thực hiện giãn cách trong khu dân cư đã phát huy hiệu quả tích cực. Một trong các nhiệm vụ then chốt nhất, là tập trung quản lý, theo dõi, tư vấn hướng dẫn, vận chuyển điều trị F0 theo các quy trình, quy định đã đề ra.
Cùng ngày, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết từ đề nghị của tỉnh, có thêm khoảng 200 y bác sĩ sắp được Bộ Y tế điều động từ phía bắc vào hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Số y bác sĩ này sẽ tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các BVDC.
Hiện Đồng Nai đã có 8 BVDC đi vào hoạt động với quy mô 4.000 giường và 4 BVDC khác với quy mô 5.000 giường đang được cấp tốc thành lập. Theo ông Vũ, ngoài nhân lực, Đồng Nai hiện cũng rất cần Bộ Y tế hỗ trợ thêm máy xét nghiệm Covid-19 để có thể truy vết nhanh, phong tỏa kịp thời các ổ dịch.
THANH NIÊN
TNO