23/01/2025

Chán nản, căng thẳng vì ở mãi trong nhà, làm gì để vượt qua khủng hoảng?

Chán nản, căng thẳng vì ở mãi trong nhà, làm gì để vượt qua khủng hoảng?

Đại dịch COVID-19 như là một sang chấn nghiêm trọng tác động đến tâm lý con người, khiến người ta dễ mắc các rối loạn về tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn.

 

 

 

Chán nản, căng thẳng vì ở mãi trong nhà, làm gì để vượt qua khủng hoảng? - Ảnh 1.

Kết nối xã hội thông qua các kênh trực tuyến với bạn bè hoặc người thân là một trong những cách giúp mọi người vượt qua khủng hoảng tâm lý trong thời gian giãn cách xã hội – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch do TS Lê Minh Công – phó trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cùng với các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, tâm thần vừa lập đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Thường gặp nhất là lo âu, trầm cảm

Theo TS tâm lý học lâm sàng Lê Minh Công, hiện nay số người tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý ngày càng tăng. Mỗi ngày trung bình có từ 10-15 trường hợp đăng ký tìm sự hỗ trợ từ các nhà chuyên môn liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Cùng với đó là những biểu hiện và tình trạng về sức khỏe tâm thần tương đối đa dạng, với nhiều mức độ khác nhau và đa dạng độ tuổi từ trẻ em cho tới người lớn. Tuy nhiên có thể nhận thấy liên quan đến stress, trầm cảm, lo âu… là những nhóm vấn đề mà thường có nhu cầu hỗ trợ cao nhất.

ThS Nguyễn Công Bình – phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức, trưởng nhóm điều phối dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch – nhận định: “Phần lớn bị ảnh hưởng do tác động bởi dịch COVID-19, khi họ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khủng hoảng, như mất việc làm, đối mặt với những lo lắng quá mức về tình hình dịch bệnh, về kinh tế, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ, hay mất các kết nối xã hội”.

Chị N.T.H. (TP.HCM) cho biết gần đây chị thường xuyên bị căng thẳng mệt mỏi, đôi lúc cãi nhau mất kiềm chế, và hay suy nghĩ lung tung, buồn rồi lại khóc.

“Dạo gần đây tôi hay bị sợ tối. Trong đầu tôi cứ sinh ra 1 vật gì đó khiến tôi luôn lo sợ, tối nào cũng vậy. Rồi tôi hay bị đau đầu, ăn cơm cũng không thấy ngon miệng”, chị H. chia sẻ với các chuyên gia.

Còn chị T.A. – giáo viên ở TP.HCM – cũng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Chị T.A chia sẻ mình không kiểm soát được cảm xúc, luôn trong tình trạng căng thẳng, chán nản, bi quan… kéo dài rất lâu.

“Gần đây nhịp tim tôi thường nhanh, thở dốc. Đụng đến việc gì tôi đều lo lắng thái quá, thường xuyên mất ngủ. Tôi rất mong muốn tìm được cách điều tiết cảm xúc ổn định, để bớt lo âu, điều phối được mọi việc và tự tin hơn với mọi việc”, chị T.A. bày tỏ.

Tái phát bệnh vì giãn cách xã hội

Cách đây khoảng hơn một năm, anh P.Q. (TP.HCM) được chẩn đoán mắc rối loạn ám ảnh nghi thức khá nặng. Sau thời gian dùng thuốc và điều trị bằng liệu pháp tâm lý theo chỉ định của nhà tham vấn, tình trạng bệnh có tiến triển rất tốt.

“Nhưng hiện tại, sau hơn 2 tháng giãn cách xã hội, tôi cảm thấy bản thân đang có dấu hiệu tái phát. Tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi các tin tức dịch bệnh, khó chịu khi không ra khỏi nhà”, anh Q. cho biết.

Trong khi đó, bạn N.N.P. cũng thường xuyên cảm thấy lo âu, dễ kích động, căng thẳng và cảm xúc dễ thay đổi theo hướng tiêu cực. P. cho biết tình trạng kéo dài hơn 6 tháng qua, chưa từng đi khám ở đâu.

Nữ sinh này tâm sự: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, suốt thời gian dài em phải ở nhà học online. Thi ĐH xong, xem kết quả không như mong đợi. Ba mẹ có thái độ chỉ trích, em bị kích động gần như cãi nhau. Mỗi lần kích động, buồn, em sẽ đi xem phim, đọc truyện buồn để được khóc”.

“Chúng ta đang giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Việc ở trong nhà lâu cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới người dân như thiếu nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu, khó khăn trong việc đảm bảo chăm sóc y tế và thuốc men, hay gặp khó khăn khủng hoảng về vấn đề tài chính… Đây là những yếu tố gây nguy cơ gặp các vấn đề như stress, lo âu, trầm cảm, cáu kỉnh, sợ hãi, thất vọng, mất ngủ, gia tăng sử dụng chất kích thích và bạo lực gia đình…”, BS Nguyễn Văn Hòa cho biết.

5 việc cần làm để vượt qua khủng hoảng

TS Lê Minh Công đưa ra lời khuyên cho mọi người cần làm trong thời gian này:

– Hạn chế vào các trang mạng và để lại các bình luận tiêu cực. Hãy mang đến các bình luận tích cực và chia sẻ thông tin hữu ích để tinh thần chúng ta tốt hơn.

– Hãy xây dựng thói quen tốt và thực hành một cách thường xuyên: ăn đủ và đúng, ngủ đúng giờ và đủ, vận động thể chất, đọc một cuốn sách hay, nói chuyện với bạn bè qua Zoom, Zalo… Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…

– Kết nối xã hội thông qua các kênh trực tuyến với bạn bè hoặc người thân.

– Tham gia vào một chương trình đào tạo hữu ích nào mà trước đây chưa có thời gian làm nó.

– Nếu không thể chống đỡ khủng hoảng, cần nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia.

Mời bạn chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online cách nâng chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, bạn bè khi ở nhà mùa dịch, từ việc học tập, thể thao, giải trí… Bài viết không quá 800 chữ, có thể kèm ảnh và video. Email gửi về [email protected]. Bạn đọc vui lòng cung cấp thông tin tài khoản và mã số thuế để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
TRẦN HUỲNH
TTO