23/11/2024

Cách giữ hơi thở để có giấc ngủ ngon

Cách giữ hơi thở để có giấc ngủ ngon

Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người gặp phải tình trạng mất ngủ do căng thẳng và lo lắng quá mức. Trong số các phương pháp trị mất ngủ, đáng chú ý gần đây có một khái niệm thường được nhắc đến là “thiền ngủ”.
Tư thế thiền buông thư /// SHUTTERSTOCK
Tư thế thiền buông thư  SHUTTERSTOCK
Vậy bản chất của phương pháp này là gì? Làm sao để có được giấc ngủ ngon thông qua cách điều tiết hơi thở?

Mối quan hệ giữa thiền và giấc ngủ

Theo HLV Nguyễn Hoàng Lộc (Trung tâm đào tạo HLV yoga và thiền Trái Tim Vàng, TP.HCM), phương pháp “thiền ngủ” mà nhiều người đang nhắc tới có thể là “thiền buông thư” (có thể hiểu là buông bỏ và thư thả). Đây được xem là phương pháp thiền đơn giản, chỉ cần nằm xuống, quan sát hơi thở rõ ràng để đi về trạng thái thở tự nhiên.
Tuy nhiên, HLV Hoàng Lộc chia sẻ: “Nếu gọi đây là phương pháp “thiền ngủ” thì chưa thật sự đúng đắn, bởi bản chất của thiền là sự “tỉnh thức”. Trong khi “buông thư”, người tập thiền vẫn cần tỉnh thức và nhận biết”.
HLV Lộc nói thêm: “Cũng cần hiểu đầy đủ rằng thiền có thể giúp đem đến giấc ngủ ngon. Nền tảng của buông thư là hơi thở. Khi hơi thở về trạng thái tự nhiên, cơ thể sẽ ngủ được. Tuy nhiên, khi nói về giấc ngủ, không nên tiếp cận ở góc độ thiền mà nên tiếp cận ở góc độ hơi thở”.
Do đó, HLV Lộc cho biết mọi người cần đi sâu vào khái niệm thở và cách thở tự nhiên. Đồng thời, khi mới thực hành, chúng ta không nên ép tâm trí vào bất kỳ khuôn khổ nào, cần để cho tâm trí được tự nhiên và tránh gắng việc hành thiền với sự mong cầu nhất mực như: “thiền để chữa bệnh”, “thiền để ngủ ngon”… mà tự gây căng thẳng cho bản thân.
Ngoài ra, HLV cũng lưu ý, giống như yoga, thiền là một môn thiên về sức khỏe. Do đó, người mới thực hành nên có một người hướng dẫn để đảm bảo an toàn, đặc biệt là những trường hợp có vấn đề về cột sống như bị lệch vẹo, gù lồi…

Cách để ngủ ngon hơn

HLV Hoàng Lộc cho biết: Thông thường, khi làm việc, chúng ta thường hít vào và căng ngực lên, sau đó thở ra, phình bụng to ép ngực lại. Đó là thở ngược. Trạng thái thở tự nhiên (có thể quan sát được ở trẻ sơ sinh) là bụng căng phồng lên khi hít vào và từ từ hạ xuống khi thở ra.
Đối với thiền buông thư, chúng ta sẽ tập được cách quay về với trạng thái thở tự nhiên, từ đó giúp thả lỏng cơ thể, thoải mái tâm trí và dễ ngủ. Tuy nhiên, với những người chưa có điều kiện bắt đầu tập thiền, có thể áp dụng cách điều tiết hơi thở và một số động tác sau đây để ngủ ngon hơn.
Cụ thể, HLV Lộc chia sẻ: “Trước khi ngủ, có thể khởi động nhẹ nhàng bằng một số bài tập yoga cho vùng thân trên. Sau đó, nằm xuống và không nghiêng sang một bên, mà nên nằm ngửa, thả lỏng tay chân. Tiếp theo, đặt bàn tay phải lên rốn, bàn tay trái đặt vào giữa ngực. Có thể kê gối cho khuỷu tay không bị nặng. Cuối cùng, giữ tư thế của hai bàn tay như trên và hít thở tự nhiên. Tư thế này sẽ tạo ra sự liên kết năng lượng giữa vùng bụng và tim, giúp cơ thể và tâm trí được thư giãn”.
“Ngoài ra, chúng ta có thể dùng thêm gối ôm hoặc cuộn khăn để lót dưới khớp gối. Cách làm này sẽ giúp lưng dưới không bị võng, giữ cột sống được thẳng”, HLV Lộc nói thêm.
Bài tập yoga cho vùng thân trên
1. Ngồi lên đệm hoặc ghế để có thể dựng thẳng cột sống. Hít vào bằng cách rướn nhẹ cằm lên. Thở ra bằng cách cúi nhẹ cằm về sát cổ. Hít-lên, thở-xuống khoảng 12 lần với cường độ chậm và nhẹ. Khi thực hiện, cần đi đúng 1 làn hơi. Mỗi động tác phải nhất quán với 1 luồng hít hoặc thở.
2. Hít vào rồi quay nhẹ đầu cổ sang trái, cùng lúc đó thở ra. Tiếp tục hít vào, quay đầu cổ về chính diện rồi quay tiếp sang phải, thở ra. Thực hiện mỗi bên trái/phải 10 lần.
3. Vươn thẳng 2 tay lên cao. Giữ tay song song với mang tai trong khoảng 30 giây đến 1 phút. Cùng lúc, hít thở đều.
THANH LƯƠNG
TNO