23/01/2025

Hiểu đúng về chỉ số SpO2

Hiểu đúng về chỉ số SpO2

Vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo về các thiết bị đo SpO2 giúp bản thân ‘nhận biết mình có mắc Covid-19 hay không’. PV Thanh Niên đã liên hệ bác sĩ để có câu trả lời chính xác về vấn đề này.
Chỉ số SpO2 ở người bình thường /// LƯƠNG NGỌC
Chỉ số SpO2 ở người bình thường LƯƠNG NGỌC
Th.S-BS Dương Minh Ngọc, công tác tại bộ môn nội, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: SpO2 (viết tắt của cụm từ Saturation of Peripheral Oxygen) là độ bão hòa ô xy trong máu ngoại biên. Việc đo SpO2 là để giúp người mắc Covid-19 nhận biết sớm dấu hiệu chuyển nặng, chứ không phải để một người nhận biết liệu mình có mắc Covid-19 hay không.

SpO2 không phải là dấu hiệu nhận biết người mắc Covid-19

Phân tích thêm về SpO2, BS Ngọc cho hay: “Cơ thể cần ô xy là điều chắc chắn, và làm thế nào biết được nồng độ ô xy trong máu? Trong y học có một vài cách để đo nhưng thường xâm lấn và chỉ cho biết tại một thời điểm. Một phương tiện khác không xâm lấn, có thể theo dõi ô xy liên tục là máy đo nồng độ ô xy trong máu ngoại vi”.
Để đến được các mô, ô xy sẽ được vận chuyển bởi phân tử hemoglobin có trong hồng cầu. Độ bão hòa ô xy trong máu là phần trăm phân tử hemoglobin trong máu động mạch được bão hòa với ô xy và đọc là SaO2, thay đổi từ 0 – 100%. Bình thường, người khỏe mạnh có SaO2 thay đổi từ 94 – 100%. SpO2 là độ bão hòa ô xy trong máu ngoại biên, được đo bằng dụng cụ đo ô xy theo xung mạch. Cấu tạo dụng cụ đo ô xy theo xung mạch gồm nguồn phát ánh sáng (ánh sáng đỏ và hồng ngoại) và cảm biến nhạy ánh sáng. Vị trí đo hầu hết là ở đầu chi như ngón tay, ngón chân hay ở tai. Máu, mô và xương hấp thụ nhiều ánh sáng, tuy nhiên một số vẫn đi xuyên qua được tới bên kia. Ở vị trí đối diện, có đầu dò nhạy ánh sáng sẽ hấp thụ những ánh sáng này. Cảm biến sẽ đo lường lượng ánh sáng đỏ và hồng ngoại được nhận bởi đầu dò và tính toán số lượng đã được hấp thu. Số lượng ánh sáng được nhận bởi đầu dò sẽ chỉ ra lượng ô xy gắn với hemoglobin trong máu.
Tóm lại, SpO2 là cách đo lường SaO2 trong máu mà không cần phải lấy máu. Có thể dùng SpO2 để theo dõi tình trạng ô xy trong máu ở hầu hết các tình huống cấp cứu nội viện, ngoại viện…, hay tại nhà.
Đối với người mắc Covid-19 đang cách ly điều trị tại nhà, đo SpO2 nhằm mục đích xác định bệnh nhân có suy hô hấp giảm ô xy máu không, cũng là một cách theo dõi để xác định mức độ nặng của bệnh và có cần phải đi cấp cứu không.
Theo đó, bác sĩ Ngọc nhắc lại, đo SpO2 chỉ là phương tiện để đánh giá tình trạng ô xy trong máu, không phải là cơ sở để chẩn đoán cơ thể có mắc Covid-19 như thông tin trên mạng xã hội đăng tải. Giá trị bình thường ở người khỏe mạnh từ 94 – 100%. Nếu thấp hơn 94%, cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nên chọn máy đo của các hãng sản xuất uy tín

Để có giá trị SpO2 chính xác, cần chọn vị trí thích hợp để đo. Đó là vị trí được tưới máu tốt, không cử động nhiều (vì gây nhiễu), thoải mái với người bệnh và dễ dàng sử dụng. Nên tránh các ngón tay, ngón chân được sơn móng. Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cụ thể của nhà sản xuất có trong tờ thông tin đi kèm với máy đo để có kết quả đo chính xác.
Trên thị trường có nhiều dụng cụ dùng để đo SpO2. Dụng cụ chuyên dụng trong y tế có giá không rẻ. Các máy đo cầm tay nhỏ gọn, giá thành rẻ hơn, phù hợp dùng tại nhà. BS Ngọc khuyến cáo người dân nên chọn máy đo của các hãng sản xuất có uy tín. Trên điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh… cũng có các cảm biến để đo lường SpO2, tuy nhiên tính chính xác chưa rõ, chỉ nên dùng để tham khảo.
LƯƠNG NGỌC
TNO