Kịch bản điều trị 100.000 ca Covid-19 tại TP.HCM
Kịch bản điều trị 100.000 ca Covid-19 tại TP.HCM
Theo kế hoạch thu dung và điều trị Covid-19 trong tình hình dịch bệnh bùng phát lan rộng trên địa bàn, Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra kịch bản ‘tháp 5 tầng’ với quy mô dự tính điều trị cho 100.000 ca F0.
Mô hình “tháp 5 tầng”
Theo mô hình này, tầng 1 là cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức. Các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định, không béo phì được cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn.
Để thực hiện chức năng theo dõi, chăm sóc sức khỏe và phát hiện kịp thời người bệnh chuyển sang có triệu chứng nặng, các cơ sở này sẽ được bổ sung các trang thiết bị cơ bản như: bình ô xy, dụng cụ để thở, máy đo độ bão hòa ô xy trong máu ngoại vi (SpO2), máy thở đơn giản, dụng cụ cấp cứu cơ bản và cơ số thuốc điều trị cơ bản (hạ sốt, polyvitamin, thuốc kháng viêm dạng uống, thuốc kháng đông sử dụng trước khi chuyển viện các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng…).
|
Các cơ sở này có nhiệm vụ sàng lọc người bệnh Covid-19 không có triệu chứng với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện để đưa về giám sát y tế tại nhà/nơi lưu trú theo quy định; chăm sóc và điều trị ban đầu các trường hợp có triệu chứng nhẹ; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến tầng 1 sẽ thu dung khoảng 50% trong tổng số trường hợp F0. Mỗi quận, huyện tối thiểu có ít nhất từ 1.500 – 2.000 giường.
Tầng 2 là các bệnh viện dã chiến (BVDC) thu dung điều trị Covid-19. Các trường hợp F0 mới được phát hiện trong cộng đồng, được sàng lọc và chuyển đến từ các cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức. Các BVDC này được bổ sung nguồn ô xy lỏng với dụng cụ, trang thiết bị thở ô xy, máy HFNC (máy thở ô xy dòng cao), máy thở đơn giản, máy đo SpO2, máy chạy thận nhân tạo (tại một số BV), monitor theo dõi sinh hiệu, máy X-quang di động và cơ số thuốc điều trị cơ bản (hạ sốt, polyvitamin, thuốc chống đông…), thuốc điều trị một số bệnh nền phổ biến (tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim…).
BVDC có nhiệm vụ điều trị các trường hợp Covid-19 có triệu chứng, và điều trị các bệnh lý nền kèm theo; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến tầng 2 sẽ thu dung khoảng 27% trong tổng số trường hợp F0. Tầng này có 32.000 giường.
Tầng 3 là các BV điều trị các trường hợp có triệu chứng. Đây là những BV đa khoa hạng 2 được chuyển đổi công năng trở thành BV điều trị Covid-19 chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng. Các BV ở tầng này sẽ được bổ sung các trang thiết bị, dụng cụ thuốc như BVDC thu dung điều trị Covid-19 nhưng với cơ số thuốc điều trị nhiều loại hơn cho nhiều loại bệnh lý nền đi kèm.
BV điều trị Covid-19 có nhiệm vụ điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền. Hồi sức cấp cứu (thở máy) một số trường hợp chuyển biến nặng. Xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến tầng 3 sẽ nhận khoảng 10% trong tổng số trường hợp F0. Tầng này sẽ có 31 BV công và tư với 9.695 giường.
Theo Sở Y tế, đây là tầng đang gặp nhiều khó khăn do quá tải, tăng thêm BV cho tầng 3 là giải pháp ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Trước mắt, ngành y tế sẽ chọn và nâng cấp một vài BVDC của tầng 2 lên tầng 3, cụ thể là BVDC số 6 sau khi lắp đặt thêm ô xy lỏng và bổ sung các trang thiết bị, thuốc và nhân lực cần thiết đã chuyển thành BV điều trị Covid-19.
Theo kịch bản của Sở Y tế TP.HCM, khi số lượng F0 là 50.000 ca thì tầng 1 sẽ tiếp nhận 25.000 ca, tầng 2 tiếp nhận 13.500 ca, tầng 3 là 5.000 ca, tầng 4 là 4.000 ca và tầng 5 tiếp nhận 2.500 ca.
Khi số lượng F0 tăng lên 80.000 ca thì tầng 1 tiếp nhận 40.000 ca, tầng 2 là 21.600 ca, tầng 3 là 8.000 ca, tầng 4 là 6.400 ca và tầng 5 là 4.000 ca.
Khi số lượng F0 tăng lên 100.000 ca, thì tầng 1 sẽ tiếp nhận 50.000 ca, tầng 2 là 27.000 ca, tầng 3 là 10.000 ca, tầng 4 là 8.000 ca và tầng 5 là 5.000 ca.
Về nhân lực, căn cứ vào tình hình bệnh của F0 sẽ được phân bổ phù hợp. Theo đó, cứ 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng chăm sóc 50 – 100 ca F0 tại tầng 1, 25 ca F0 tầng 2, 20 ca F0 tầng 3, 10 ca F0 tại tầng 4 và 5 ca F0 tại tầng 5. Trong kịch bản này, TP.HCM huy động tối đa nhân vật lực của y tế tư nhân.
Tầng 4 là BV điều trị Covid-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Đây là những BV đa khoa, chuyên khoa hạng 1 (và một vài BV hạng 2 nhưng phát triển chuyên khoa khá mạnh) được chuyển đổi công năng trở thành BV điều trị Covid-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Ngoài việc cần thêm các trang thiết bị như tầng 3, các BV này cần được bổ sung máy thở chức năng cao, máy lọc máu liên tục. Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh có triệu chứng nặng theo phác đồ của Bộ Y tế. Các BV này điều trị các trường hợp mắc Covid-19 nặng do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm, hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục) các trường hợp nặng. Dự kiến tầng 4 sẽ thu dung khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0. Tầng 4 sẽ có 18 BV cả công và tư với tổng cộng 6.631 giường.
Tầng 5 là BV hồi sức Covid-19, được trang bị phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch. Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc cho điều trị người bệnh có triệu chứng nặng và nguy kịch theo phác đồ của Bộ Y tế. Dự kiến tầng 5 sẽ thu dung khoảng 5% trong tổng số trường hợp F0. Có 6 BV sẽ phụ trách tầng 5: BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới, BV Hồi sức Covid-19, BV Quân y 175, BV Nhân dân Gia Định. Tổng cộng 2.000 giường.
Đã có 10.699 người khỏi bệnh xuất viện
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến chiều 24.7, TP.HCM đang điều trị 37.407 bệnh nhân (BN) dương tính, trong đó có 619 BN nặng đang thở máy và 12 BN can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Tính cộng dồn đến nay có 496 BN tử vong.
Một tín hiệu khá lạc quan là đã có 10.699 người khỏi bệnh xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc BVDC thu dung điều trị số 2 (2.500 giường, tại khu tái định cư P.Tân Thới Nhất, Q.12), cho biết đi vào hoạt động từ ngày 5.7, đến nay BV đã cho xuất viện hơn 1.600 BN và đang tiếp tục nhận BN mới. Qua thực tiễn tiếp nhận BN Covid-19, bác sĩ Dũng cho biết cần tập trung theo dõi BN trong những ngày đầu nhiễm bệnh, đặc biệt là các ngày thứ 5, 6, 7. Nếu qua được các ngày này, bệnh không nặng thì sẽ khỏe lại. BV hiện tại đang ổn định và y bác sĩ, nhân viên cũng đã thuần thục với công việc.
24 bệnh viện tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người lớn tuổi
Ngày 24.7, ngày thứ 2 TP.HCM đồng loạt tiêm gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19 trên địa bàn. Những đối tượng ưu tiên như trẻ tuổi, khỏe mạnh được tiêm ở các điểm tiêm cộng đồng. Những người trên 65 tuổi, có bệnh mạn tính được tiêm tại 24 bệnh viện (BV) để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Sở Y tế chỉ đạo các BV tổ chức tiêm chủng cho tất cả người mắc bệnh (thận mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), người có tình trạng béo phì… Thông tin tiêm chủng được cập nhật vào phần mềm hệ thống tiêm chủng quốc gia.
Duy Tính
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc BVDC thu dung điều trị số 1 (ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết BV có quy mô gần 4.000 giường và tiếp nhận gần 4.000 BN. Hiện BV đã cho xuất viện hơn 2.000 BN, có ngày xuất viện từ 500 – 700 BN. Nhưng số BN xuất viện, thì số BN mới nhập vào liền. Theo bác sĩ Trường, tình hình tiếp nhận, điều trị và sinh hoạt của BN ổn định. Với những ca chuyển nặng thì hội chẩn tuyến trên để điều trị hoặc chuyển viện.
Mới nhất là BVDC thu dung điều trị Covid-19 số 5 quy mô 1.000 giường (The Garden Mall, Q.5) vừa đi vào hoạt động 2 ngày qua, nhiều BN đã được chuyển đến. Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Giám đốc BVDC số 5, cho biết BV chỉ tiếp nhận BN nhẹ. Tuy nhiên cũng đã lên phương án làm 30 giường hồi sức để cấp cứu cho những BN chuyển nặng.
Kêu gọi mọi lực lượng y tế giúp TP.HCM chống dịch
Chiều 24.7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, kiêm Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, đã có thư ngỏ huy động lực lượng y tế mọi thành phần tham gia chống dịch Covid-19.
Trong thư, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết sự bùng phát dịch Covid-19 do biến chủng Delta tại TP.HCM trong thời gian qua đã gây ra những tác động mạnh đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của TP.HCM và gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Hiện tại nhờ nỗ lực của TP.HCM và sự chi viện của cả nước, các hoạt động kiểm soát và khống chế dịch bệnh đang được tích cực thực hiện, nhưng sự phát tán của vi rút SARS-CoV-2 vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn và quá tải.
Do đó, bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học TP.HCM, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP.HCM.
“Với trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần tương thân tương ái và tấm lòng thương yêu đồng bào, chúng ta hãy cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh”, thư kêu gọi viết.
Để tham gia vào những hoạt động này, người tình nguyện có thể đăng ký với Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế TP.HCM theo số điện thoại 028 39309967 hoặc 0907 574269.
Duy Tính
BVDC thu dung điều trị số 12 tại khu R5, chung cư tái định cư Thủ Thiêm, P.An Khánh (TP.Thủ Đức) cũng vừa đi vào hoạt động, quy mô 4.000 giường. Trong khi đó, BVDC do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư xây dựng tại Q.7 cũng đã hoàn thành nhiều block và bắt đầu tiếp nhận bệnh. BVDC tại xã Bình Hưng, H.Bình Chánh (cũng do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xây dựng để hỗ trợ TP.HCM) đã bắt đầu dựng khung nhà tiền chế và sẽ nhận bệnh trong thời gian sớm nhất.
Theo Sở Y tế, hiện TP đã có 13 BVDC, trong đó 12 của TP và 1 của Quân khu 7, tổng số khoảng 32.000 giường, đang sử dụng 26.957 giường.
17.583 bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi
Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 24.7 có 7.968 ca mắc mới, trong đó 31 ca nhập cảnh và 7.937 ca ghi nhận trong nước, tại 35 tỉnh, thành, gồm: TP.HCM 5.396 ca; Long An (604); Bình Dương (785); Đồng Nai (221); Tiền Giang (220); Tây Ninh (132); Khánh Hòa (104); Đồng Tháp (75); Bà Rịa-Vũng Tàu (71); Bến Tre (61); Đà Nẵng (36); Bình Thuận (31); Đắk Lắk (27); Vĩnh Long (25); Cần Thơ (23); Vĩnh Phúc (21); Phú Yên (17); Kiên Giang (14); Bình Định (12); Hậu Giang và Hà Nội mỗi địa phương 9 ca; Ninh Thuận (8 ); An Giang (7); Hưng Yên, Quảng Ngãi và Đắk Nông mỗi nơi 4 ca; Quảng Nam (3); Hà Nam, Bạc Liêu, Hà Giang, Lâm Đồng, Nghệ An và Cà Mau mỗi tỉnh 2 ca; Gia Lai và Thừa Thiên-Huế mỗi nơi 1 ca. Có 2.428 ca/7.937 ca ghi nhận trong cộng đồng.
Cũng theo Bộ Y tế, từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 90.934 ca mắc, trong đó có 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước; 17.583 ca được điều trị khỏi, riêng ngày 24.7 có thêm 2.047 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Có 130 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU (hồi sức tích cực) và 17 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO (tim phổi nhân tạo).
Liên Châu
DUY TÍNH
TNO