24/12/2024

Khoẻ mạnh tại nhà: Những lưu ý cho người bệnh ung thư trong mùa dịch Covid-19

Khoẻ mạnh tại nhà: Những lưu ý cho người bệnh ung thư trong mùa dịch Covid-19

Người bệnh bị ung thư thuộc nhóm nếu nhiễm Covid-19 thường sẽ diễn tiến nặng hơn so với những bệnh nhân khác, do: lớn tuổi, đang trong quá trình điều trị ung thư hoặc thường có những bệnh lý nội khoa mãn tính đi kèm.
BS CKII. Lâm Quốc Trung tư vấn cho người bệnh /// BVCC
BS CKII. Lâm Quốc Trung tư vấn cho người bệnh  BVCC
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống y tế trên toàn cầu và hệ quả dẫn đến nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị người bệnh ung thư.

Khi lưu trú tại cộng đồng người bệnh ung thư cần chú ý điều gì?

Người bệnh ung thư cũng như người thân trong gia đình cần tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế:
• KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
• KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt, vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
• KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách trên 2 mét khi tiếp xúc với người khác.
• KHÔNG TỤ TẬP nơi đông người.
• KHAI BÁO Y TẾ: thực hiện khai báo y tế hằng ngày
Khỏe mạnh tại nhà: Những lưu ý cho người bệnh ung thư trong mùa dịch Covid-19 - ảnh 1

Người bệnh ung thư cũng như người thân trong gia đình cần tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế  SHUTTERSTOCK

Liệu tôi có thể ngưng hoặc trì hoãn hoá trị trong mùa dịch Covid 19 không?

Về mặt chứng cứ khoa học, hiện tại có rất ít bằng chứng để đưa ra đề nghị thay đổi kế hoạch hóa trị cho những bệnh nhân ung thư. Do đó, bác sĩ cần cân nhắc trên từng người bệnh cụ thể về nguy cơ tái phát hoặc tiến triển bệnh từ việc trì hoãn hay ngưng hoá trị so với lợi ích về hạn chế sự lây nhiễm của Covid-19. Việc quyết định có nên trì hoãn điều trị hay không phụ thuộc vào mục tiêu điều trị, số chu kỳ hoá trị người bệnh đã hoàn thành, sự đáp ứng điều trị và tác dụng phụ mà người bệnh gặp phải trong quá trình điều trị…

Dưới đây là một số thay đổi trong kế hoạch điều trị mà bác sĩ có thể áp dụng cho bạn:

• Đối với những trường hợp hóa trị duy trì, người bệnh đáp ứng tốt thì tạm ngưng hóa trị có thể là một lựa chọn.
• Một số người bệnh có thể được chuyển từ hóa trị đường tĩnh mạch sang hóa trị đường uống để giảm tần suất người bệnh đến bệnh viện.
• Người bệnh đang sống tại những khu vực cách ly hoặc trung tâm ung thư đang bị phong tỏa, người bệnh có thể được cho nghỉ ngơi khoảng 2 tuần hoặc được cuyển đến một trung tâm/bệnh viện khác không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để điều trị được liên tục.
• Một số trường hợp bác sĩ có thể sử dụng thêm các thuốc kích thích tăng trưởng bạch cầu cũng như kháng sinh dự phòng để làm giảm các biến chứng liên quan đến nhiễm Covid-19.

Tôi đang điều trị ung thư hoặc đang theo dõi sau điều trị ung thư, vậy tôi có được chích vaccine COVID-19 không?

• Thực tế, số lượng bệnh nhân ung thư đang điều trị trong các thử nghiệm lâm sàng của vaccine Covid-19 chưa đủ lớn, dẫn đến dữ liệu về hiệu quả và sự an toàn của vaccine Covid-19 còn hạn chế. Do đó, việc kết luận vaccine Covid-19 không an toàn cho người bệnh ung thư là không hợp lý.
• Các hướng dẫn thực hành lâm sàng tại châu Âu, Mỹ đều khuyến cáo người bệnh ung thư nên chích vaccine Covid-19 khi có sẵn.
• Đối với những bệnh nhân có hệ miễn dịch bị ức chế sau hoá trị có khả năng đáp ứng miễn dịch với vaccine Covid-19 có thể kém hơn so với dân số chung trong cộng đồng.
• Một lưu ý quan trọng là những thành viên trong gia đình, những người chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng cần phải được chích ngừa vaccine Covid-19.

Nếu tôi có các triệu chứng như sốt, ho, cảm cúm…, tôi nên liên hệ với ai?

Nếu bạn đang trong quá trình điều trị ung thư, bạn nên liên hệ với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn và đặt lịch hẹn tái khám. Nếu bạn đang theo dõi sau điều trị, bạn nên liên hệ với y tế tại địa phương để được hướng dẫn loại trừ khả năng nhiễm Covid-19.
Trước khi tái khám khoa Hóa trị, tôi có cần phải lưu ý những gì trong mùa dịch?
• Trước khi tái khám, người bệnh cần liên hệ trước với bệnh viện, khoa phòng hoặc bác sĩ điều trị để được hướng dẫn. Quy trình tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân tại bệnh viện và kế hoạch điều trị hóa trị của người bệnh có nhiều thay đổi để thích nghi với tình hình diễn biến của dịch Covid-19.
• Tại bệnh viện, người bệnh và người nhà cần có thái độ chủ động phòng chống lây nhiễm dịch bệnh như: Luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập nơi đông người, thường xuyên vệ sinh tay bằng nước sát khuẩn.
N.P
TNO