25/12/2024

Sẽ ứng phó mức cao hơn Chỉ thị 16?

Sẽ ứng phó mức cao hơn Chỉ thị 16?

Ngày 20.7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 78 yêu cầu các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng có thể giãn cách ở mức cao hơn đối với địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp…
Nhiều nơi tại Q.Tân Bình, TP.HCM tăng cường siết chặt việc kiểm soát đi lại để đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16 /// ẢNH: ĐỘC LẬP
Nhiều nơi tại Q.Tân Bình, TP.HCM tăng cường siết chặt việc kiểm soát đi lại để đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16 ẢNH: ĐỘC LẬP
Vậy áp dụng mức cao hơn Chỉ thị 16 là như thế nào?

TP.HCM: chuẩn bị các biện pháp áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường

Tối 21.7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và giải đáp nhiều vấn đề mà người dân, doanh nghiệp quan tâm. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 20.7 – 6 giờ ngày 21.7), TP ghi nhận 5.840 ca dương tính trên địa bàn; trong đó gần 90% ca bệnh trong khu phong tỏa, cách ly. Hiện TP.HCM đang điều trị cho 33.838 bệnh nhân (BN) Covid-19; có 587 BN xuất viện ngày 21.7.
Số ca dương tính hằng ngày ở TP.HCM vẫn ở mức cao ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Số ca dương tính hằng ngày ở TP.HCM vẫn ở mức cao ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Trao đổi với báo chí, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin số ca dương tính hằng ngày vẫn tăng cao nên ngành y tế đánh giá đỉnh dịch có thể chưa đạt và diễn biến phức tạp trong những ngày tới. Trong 3 tình huống mà TP.HCM đề ra vào tuần trước, đối chiếu với thời điểm hiện tại thì phù hợp với tình huống 2, đó là dịch bệnh chưa được kiểm soát nên phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp. Hiện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đang chuẩn bị các biện pháp áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường.
Cụ thể, công tác tuyên truyền, vận động, giám sát người dân và tổ chức thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn sẽ được đặt lên hàng đầu với mục tiêu đảm bảo giãn cách triệt để giữa nhà với nhà, người với người trong gia đình nhằm hạn chế việc tiếp xúc và lây lan mầm bệnh. Bởi theo đánh giá của ngành y tế, hiện mầm bệnh còn rất nhiều trong cộng đồng. Về giải pháp cụ thể, ông Mãi cho biết đối với một số khu vực nguy cơ cao, đông dân cư như nhà trọ công nhân, người lao động chưa đảm bảo yêu cầu giãn cách thì TP.HCM sẽ áp dụng biện pháp giãn dân phù hợp để giảm mật độ, hạn chế tiếp xúc. “Cần thực hiện thật sự triệt để trong 7 – 10 ngày tới để ngăn chặn mầm bệnh lây lan, có thể đạt đỉnh trong thời gian này để sau đó triển khai các biện pháp kiểm soát”, ông Mãi nói.
PGS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), gợi ý nếu thực hiện cao hơn Chỉ thị 16, có thể cấm thêm các hình thức ra ngoài đường, cấm thêm một số loại hình hoạt động, tùy theo từng địa phương.
Liên Châu
Sau 13 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng với nhiều nỗ lực nhưng chưa thể kiểm soát dịch bệnh, ông Mãi cho biết TP.HCM phải tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh giống như 18 tỉnh thành ở khu vực phía nam.
Lãnh đạo TP.HCM cũng cho hay, trong thời gian tới sẽ tập trung vào phân tầng, quản lý, chăm sóc điều trị F0 theo mô hình 4 tầng; đảm bảo hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhất là khu phong tỏa, gia đình khó khăn cần tăng cường hơn. Cùng với đó, TP tập trung bảo vệ và mở rộng vùng xanh (vùng an toàn dịch bệnh) bên cạnh thu hẹp vùng đỏ (khu vực nguy cơ rất cao) trên bản đồ Covid-19.
Về phương án sản xuất an toàn, ông Phan Văn Mãi nói thời gian qua TP.HCM đưa 2 phương án sản xuất an toàn, nhưng quá trình chuẩn bị còn gấp nên cả 2 phương án khi triển khai xuống các doanh nghiệp có những điểm không an toàn. TP.HCM đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp và thống nhất trong thời điểm này thì an toàn là trước hết; đồng thời sẽ có những điều chỉnh trong thời gian tới nhằm tìm biện pháp an toàn nhất để sản xuất, trong đó tính đến phương án sản xuất an toàn trong thời gian dài, có thể phải đến hết năm 2021.
Nhiều nơi tại Q.Tân Bình, TP.HCM tăng cường siết chặt việc kiểm soát đi lại để đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16 ẢNH: ĐỘC LẬP

Nhiều nơi tại Q.Tân Bình, TP.HCM tăng cường siết chặt việc kiểm soát đi lại để đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16 ẢNH: ĐỘC LẬP

Một số tỉnh có thể áp dụng mức cao hơn
Đồng Tháp được xem là một trong những tỉnh có tình hình dịch Covid-19 phức tạp nhất ĐBSCL. Tính đến 17 giờ ngày 21.7, toàn tỉnh có 1.580 ca mắc, 35 ca tử vong. Việc thực hiện Chỉ thị 16 tại đây được siết chặt. Theo đó, từng xã, huyện đều thành lập các chốt kiểm dịch tại địa bàn giáp ranh, khi đi qua phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính hoặc phải có giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị.
Tại buổi họp giao ban phòng, chống dịch bệnh chiều 21.7, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhấn mạnh tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng yêu cầu tinh thần thực hiện cao hơn. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh tiến hành kiểm tra, nếu thực hiện không nghiêm thì phê bình, xử lý.
Tại Vĩnh Long, tính đến sáng 21.7, toàn tỉnh ghi nhận 458 ca nhiễm Covid-19, nhiều nhất là H.Long Hồ (155 ca). Tỉnh đã kích hoạt thêm 2 bệnh viện dã chiến (BVDC) ở H.Mang Thít và H.Tam Bình quy mô 500 giường. Đến nay tỉnh kích hoạt 3 BVDC, có thể điều trị cùng lúc 1.000 ca Covid-19.
Chiều qua, trao đổi về việc áp dụng Nghị quyết 78 của Chính phủ, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện tỉnh đang chờ hướng dẫn theo từng tiêu chí, sau đó mới có thể xem xét áp dụng.
Về vấn đề này, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho rằng: “Hiện tỉnh đã thực hiện phong tỏa khu vực hẹp ở những nơi có liên quan ca bệnh, đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thời gian tới, nếu trường hợp xã, phường nào có nguy cơ lớn thì sẽ đề xuất phong tỏa rộng hơn”.
Trong khi đó, ngày 21.7, trả lời PV Thanh Niên, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện tình hình của địa phương chưa cần áp dụng giãn cách xã hội cao hơn Chỉ thị 16.
Trước đó, ngày 20.7, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định tăng thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 1.8 (Đồng Nai đã áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 9.7, thời hạn 15 ngày) nhằm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, tiến tới khống chế, giảm thiểu các nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng.
Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, phân tích hiện toàn tỉnh đã áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên người dân chưa thực hiện nghiêm, vẫn có tình trạng đi ra ngoài khiến giãn cách có thể không đạt hiệu quả cao như mong muốn. “Bây giờ chỉ cần nâng lên mức cao hơn tức là phong tỏa, theo tôi nếu áp dụng thì nên tiến hành ở 4 địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ lan rộng trong cộng đồng là TP.Biên Hòa, các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Nhơn Trạch”, ông Bình nói.

Sẵn sàng đáp ứng khi dịch gia tăng tại các địa phương

Ngày 21.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP đề nghị khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm BN Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động… với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.
Các địa phương phải chuẩn bị ngay phương án huy động toàn bộ các BV tuyến quận, huyện; BV chuyên khoa, đa khoa tỉnh; BV tư nhân, BV của các bộ, ngành, trường đại học… để thu dung và điều trị cho nhóm BN vừa và nặng. Phải lắp bổ sung đủ hệ thống cấp ô xy, có sẵn sàng các bồn chứa ô xy lỏng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này. Chủ động rà soát và bảo đảm nhân lực; danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, ô xy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu; thiết bị, kít xét nghiệm; và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch gia tăng tại các địa phương.
Liên Châu – L.Hảo
THANH NIÊN
TNON