Cấy phân vào người có thể chữa Covid-19?

Cấy phân vào người có thể chữa Covid-19?

Phương pháp cấy ghép hệ vi sinh vật trong phân (FMT) đã tình cờ giúp 2 bệnh nhân mắc Covid-19 hồi phục nhanh và giảm thiểu các triệu chứng nặng, mở ra một hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học.
Hình minh họa vi khuẩn clostridioides difficile /// Ảnh chụp màn hình Live Science
Hình minh họa vi khuẩn clostridioides difficile ẢNH CHỤP MÀN HÌNH LIVE SCIENCE
Phương pháp cấy ghép hệ vi sinh vật trong phân (FMT) là cấy phân của một người khỏe mạnh vào ruột của bệnh nhân có bệnh lý về đường ruột, chẳng hạn như nhiễm vi khuẩn Clostridium Difficile (hay còn gọi là C-Difficile hoặc C. diff). Vi khuẩn có lợi từ phân của người cho có thể giúp cơ thể người nhận chống lại nhiều bệnh gây ra các vấn đề như tiêu chảy hoặc hội chứng ruột kích thích.
Gần đây, hai bệnh nhân nhập viện ở Ba Lan vì nhiễm trùng do vi khuẩn đã được điều trị bằng phương pháp FMT. Cả hai sau đó đều có kết quả dương tính với Covid-19, nhưng các triệu chứng không trở nặng dù họ đã mắc bệnh nền. Các tác giả của nghiên cứu giải thích có thể phương pháp FMT giúp tăng cường phản ứng miễn dịch và ngăn chặn bệnh chuyển biến nặng hơn.
Theo Live Science, bệnh nhân đầu tiên trong nghiên cứu là một người đàn ông 80 tuổi đang điều trị viêm phổi và nhiễm trùng máu. Ông cũng tình cờ bị nhiễm C. diff và được chữa trị bằng phương pháp FMT. Sau đó, ông có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và bắt đầu điều trị bằng cách nhận huyết tương có kháng thể Covid-19 và thuốc remdesivir kháng virus.
Theo các nhà nghiên cứu, remdesivir có thể giúp cải thiện sức khỏe sau trung bình 10 ngày và tác dụng của huyết tương chỉ trong mức hạn chế. Đáng ngạc nhiên, chỉ 2 ngày sau khi được cấy ghép phân, các triệu chứng Covid-19 đã biến mất và thậm chí bệnh viêm phổi của ông cũng không trở nặng.
Bệnh nhân thứ hai là một thanh niên 19 tuổi, bị viêm loét đại tràng và đang được điều trị bằng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch. Sau khi được đưa vào bệnh viện vì tái phát C. diff, người này đã được cấy ghép phân và dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
Khoảng 15 giờ sau, bệnh nhân phát sốt và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tuy vậy, người này chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ dù trước đó đã bị suy giảm miễn dịch và chưa được điều trị Covid-19.
Các tác giả viết: “Kết luận chính của chúng tôi từ những trường hợp này là phương pháp FMT có vẻ an toàn và có hiệu quả tương đương trong điều trị nhiễm trùng C. diff tái phát ở bệnh nhân mắc đồng thời Covid-19”.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ liệu FMT có tác động đến diễn biến lâm sàng của Covid-19 hay không. Phương pháp FMT có thể đã giúp cả hai bệnh nhân mắc Covid-19 không chuyển biến nặng dù họ đều mang các yếu tố nguy cơ dễ phát bệnh nặng. Tuy nhiên, ngay cả ở những người có các yếu tố nguy cơ, tình trạng Covid-19 cũng thường không trở nặng, vì vậy cả hai bệnh nhân này có thể đã tình cờ bình phục.
Nghiên cứu này chỉ phân tích kết quả của hai bệnh nhân nên rất khó để xác định liệu phương pháp FMT có thật sự ảnh hưởng đến tình trạng bệnh Covid-19 hay không và các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch nghiên cứu mở rộng.
HẠ HÁI
TNO