24/11/2024

Học cách thích nghi để cùng vượt qua

Học cách thích nghi để cùng vượt qua

Khoảng giữa tháng 6, anh N.T.M (28 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) được thông báo dương tính Covid-19 do tiếp xúc gần với một đồng nghiệp là F0.
 /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock
Anh M. là nhân viên hành chính của một bệnh viện lớn tại TP.HCM và phải tiến hành cách ly tập trung tại chính khu điều trị của bệnh viện này.
Sau thời gian cách ly và điều trị theo quy định, anh M. xét nghiệm PCR 2 lần âm tính liên tục. Hiện tại, anh đã được về tự cách ly tại nhà.
Anh M. chia sẻ, do đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi trước đó và cơ thể đang khỏe mạnh, không có bệnh nền nên anh M. cũng không quá hoang mang.
Trong quá trình cách ly tập trung, anh M. cho biết gần như ai cũng có một số bất tiện khách quan, như diện tích sinh hoạt, không gian vận động hạn chế hơn bình thường, giữa cái nóng gay gắt của mùa hè nhưng không thể dùng điều hòa mà phải mở cửa sổ, bật quạt để hạn chế mầm bệnh… Tuy nhiên, với anh M., việc dần thích nghi để vượt qua giai đoạn khó khăn này là điều không khó.
“Tôi nghĩ ra cách vận động là thường xuyên đi qua đi lại, tập các bài tập không tốn nhiều diện tích trong khu vực của mình, ví dụ plank, gập bụng… Nếu trời nóng quá không ngủ trưa được thì tìm việc gì đó làm để cơ thể không ì ạch. Đồng thời, cố gắng ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi đúng giờ đúng giấc để mau chóng khỏi bệnh”, anh M. nói.
Anh L.T.Đ (27 tuổi, ngụ Bình Dương) trở thành F1 khi một đồng nghiệp có biểu hiện sốt, tự đi xét nghiệm rồi nhận kết quả dương tính.
Ngay sau đó, anh Đ. được triển khai cho tự cách ly tại nhà vì đáp ứng đủ điều kiện, theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Trong thời gian tự cách ly tại nhà, anh Đ. cũng không sử dụng máy lạnh, mở cửa bật quạt để thông thoáng. Để giải trí và vận động, anh Đ. chơi trò xoay khối rubik, đá bóng vào tường nhà…
Một trường hợp khác là anh T.N.H (30 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hiện là kỹ sư xây dựng, từng là F2 và cách ly tại nhà. Để thích ứng với trạng thái chưa từng trải qua, anh H. lựa chọn những giải pháp tích cực như đọc sách, lên mạng tìm học các kiến thức còn thiếu, nghiên cứu các kênh đầu tư tài chính
“Theo tôi, để giúp người dân vượt qua tâm lý lo lắng, hoang mang trong thời gian cách ly, hệ thống y tế và chính quyền nên truyền tải nhiều hiểu biết tích cực và cách ứng phó phù hợp với các trường hợp lây nhiễm cộng đồng”, anh H. nêu ý kiến.
TRÀ LINH
TNO