24/11/2024

Đề xuất ‘quản’ livestream

Đề xuất ‘quản’ livestream

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 được coi là siết chặt quản lý với các hoạt động livestream, kiếm tiền trên mạng xã hội, buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ những quy định của Việt Nam.

Đề xuất quản livestream - Ảnh 1.

Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) vừa đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, gây chú ý với những quy định được coi là siết chặt quản lý với các hoạt động livestream, kiếm tiền trên mạng xã hội, buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ những quy định của Việt Nam.

Hoạt động video phát trực tuyến (livestream) trên mạng xã hội đã mở ra cơ hội rất lớn cho nhiều người mua, bán hàng qua mạng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội hiện nay.

Miếng bánh thơm!

Hơn một năm qua, dịch bệnh COVID-19 hoành hành đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình buôn bán của cửa hàng quần áo trẻ em của chị Mỹ Uyên (quận Tân Bình, TP.HCM). Tuy nhiên, nhờ mở cửa hàng trên mạng xã hội Facebook và thường xuyên livestream đã giúp chị bán được rất nhiều hàng.

Chị Uyên là một trong rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã chuyển đổi cửa hàng từ ngoài đời (offline) lên mạng (online). Trong đó, mạng xã hội Facebook là nơi được đông đảo cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn để “đặt” cửa hàng.

Song song với việc chạy quảng cáo, đăng nội dung thu hút khách, những buổi livestream trở thành “món” không thể thiếu trong việc “chốt đơn”.

Và không chỉ những cá nhân, doanh nghiệp bán hàng, ngay cả những dịch vụ khác như chơi game cũng được chuyển tải qua hình thức livestream trên mạng.

Tuy nhiên, việc livestream trên mạng xã hội dẫn đến rất nhiều hệ lụy tiêu cực như: bán hàng lậu, hàng cấm; lừa đảo; khiêu dâm; xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức; truyền bá tin giả.

Cuối tháng 6 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã thực hiện cuộc “tổng tấn công” quy mô lớn vào 8 kho hàng tại Hà Nội, Hưng Yên, thu giữ 40 tấn hàng với hàng trăm ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được kinh doanh chủ yếu thông qua livestream…

Bên cạnh đó, các câu chuyện livestream “bóc phốt” ồn ào trong giới nghệ sĩ gần đây cũng mang đến rất nhiều thông tin nhiễu loạn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác…

Livestream, tham gia hoạt động có doanh thu phải báo với bộ?

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã đề xuất chỉ các mạng xã hội đã được Bộ TT-TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Và điều kiện để các mạng xã hội nói chung và các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội cho phép các tài khoản, trang, kênh tại Việt Nam được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức là các tài khoản, trang, kênh này đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT-TT. Hiện nay mọi tài khoản đáp ứng điều kiện của các mạng xã hội đều có thể livestream và bật kiếm tiền.

Cũng theo dự thảo dù livestream hay không, các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với bộ.

Những tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thông báo thông tin liên hệ với bộ, nhưng nếu muốn livestream hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì phải thông báo.

Quy định cho thời hạn để gỡ bỏ nội dung vi phạm đối với video livestream cũng thấp hơn các nội dung vi phạm khác. Trong khi với các thông tin vi phạm pháp luật nói chung, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng phải tiến hành gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của Bộ TT-TT thì đối với livestream vi phạm pháp luật phải được thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của bộ.

Tạo môi trường sạch trên mạng xã hội

Về quy định các tài khoản mạng xã hội phải đăng ký thông tin liên hệ về Bộ TT-TT mới được cho phép livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu, ca sĩ Thái Thùy Linh – một nghệ sĩ thường xuyên sử dụng tính năng livestream trên Facebook và YouTube – nói nếu chỉ phải gửi thông báo thông tin liên hệ về bộ một lần thì cô ủng hộ quy định này và cho rằng quy định như vậy “quá tốt”, góp phần giảm bớt rác trên mạng xã hội cũng như những hiện tượng “gây rối trật tự” trên mạng xã hội.

Theo nữ ca sĩ, nhiều người nghĩ mạng xã hội chỉ là ảo, là cõi tự do nên hành xử quá vô pháp, nhưng mạng xã hội lại có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thực, thậm chí những hành xử không tốt trên mạng xã hội có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực gấp nhiều lần. Do đó, khi một người đăng ký thông tin lên Bộ TT-TT thì sẽ có ý thức hơn với hành vi của mình.

Là chủ một cửa hàng thời trang ở Hà Nội, Ngọc Ân khi được biết quy định mới trong dự thảo cũng ủng hộ và cho rằng điều này là cần thiết để góp phần loại bỏ bớt những kinh doanh gian dối, đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng nhưng những người kinh doanh trung thực.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, luật sư Lê Thành Kính, giám đốc điều hành Công ty luật Lê Nguyễn, cho rằng “dự thảo là cần thiết, trong đó đáng chú ý là việc bổ sung quy định về cơ chế quản lý đối với cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, cũng như yêu cầu giấy phép thiết lập mạng xã hội đối với mạng xã hội có lượng tương tác lớn”. Tuy nhiên, theo ông Kính, dự thảo cần tính đến tính khả thi của các quy định pháp luật khi áp dụng đối với công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam.

Ngoài ra, ông Kính cũng băn khoăn: “Dù chúng ta đã có khá đủ các quy định pháp luật về bảo vệ nhân thân, đời tư, danh dự của tổ chức, cá nhân, nhưng khi xảy ra sự việc vi phạm pháp luật trên mạng xã hội thì phản ứng của các cơ quan nhà nước quá chậm chạp, liệu nghị định sửa đổi, bổ sung lần này có giúp hạn chế được những thiếu sót đó không? Việc bổ sung giấy phép, thông báo hoạt động của các nhà mạng cung cấp dịch vụ cũng phát sinh thêm “giấy phép con”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển thương mại điện tử ở nước ta”.

Phải quản lý để biết ai, ở đâu…

Ông Lưu Đình Phúc – cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) – cho biết dự thảo mới đang trong quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện. Việc quy định chủ tài khoản mạng xã hội cần thông báo thông tin liên hệ tới Bộ TT-TT mới được livestream theo ông là một thủ tục gửi thông báo có mẫu sẵn rất đơn giản. Còn quy định những người mở kênh kiếm tiền trên mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube… phải thông báo mình là ai, ở đâu để cơ quan quản lý biết là cần thiết.

74% người dùng Việt xem video trên Facebook

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Facebook, 68% người dùng Việt Nam xem video ít nhất một lần mỗi ngày. Trung bình mỗi người dùng dành khoảng 1 giờ cho mỗi lần xem video trên mạng xã hội. Có tới 97% người dùng Việt nhận biết Facebook là một nền tảng video. 74% người dùng lựa chọn xem video trên Facebook bởi vì “tôi có thể xem video trên Facebook mọi lúc, mọi nơi”. 63% cho biết “tôi xem video trên bảng tin mỗi khi tôi truy cập vào Facebook”.

ĐỨC THIỆN

Quản lý livestream bán hàng: quá mới

Tuy các dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) đã xuất hiện từ lâu, nhưng hình thức bán hàng thông qua livestream chỉ mới nổi lên thời gian gần đây, đặc biệt trong đại dịch COVID-19. Bằng chứng là trong một bài viết đăng tải vào tháng 9-2020, Hãng tin Bloomberg thời điểm đó chỉ nhận định bán hàng qua livestream như một mô hình kinh doanh “mới nổi” và có tiềm năng rất lớn.

livestream 11-7 1(read-only)

Trung Quốc là quốc gia đi đầu về hình thức livestream bán hàng – Ảnh: AFP

Tại các nước phương Tây, việc quản lý livestream hầu như chỉ tập trung vào việc quản lý nội dung và bản quyền trên các nền tảng công nghệ. Điển hình, báo cáo do Hãng luật Reed Smith (Mỹ) công bố hồi tháng 4-2020 ghi nhận việc chia sẻ lợi nhuận hay hoa hồng sẽ do người bán thỏa thuận trực tiếp cùng nhà cung cấp nền tảng livestream như YouTube, Facebook hay Amazon.

Trung Quốc hiện được xem là quốc gia tiên phong trong việc quản lý hoạt động bán hàng qua livestream. Trung Quốc hồi đầu năm nay đã tung ra một loạt quy định mới để quản lý các trang livestream thương mại, có hiệu lực từ ngày 25-5.

Cụ thể, cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu các nền tảng livestream thiết lập hệ thống nội bộ để đánh giá người dùng dựa trên các thông số như lượt xem và giao dịch thanh toán. Các nền tảng này cũng buộc phải tạo ra các biện pháp quản trị rủi ro để chống các chiến lược quảng cáo bất hợp pháp, trong đó gồm giới hạn lượt truy cập hay đóng livestream.

Bên cạnh đó, các nền tảng livestream tại Trung Quốc phải xác định danh tính của các chủ livestream trước mỗi đợt lên sóng và kêu gọi các nền tảng thực hiện các bước cần thiết để bảo mật thông tin cá nhân của người dùng, đồng thời cấm trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi tổ chức livestream bán hàng.

NGUYÊN HẠNH

THIÊN ĐIỂU – ĐỨC THIỆN
TTO