26/12/2024

TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16: Người dân cần lưu ý gì?

TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16: Người dân cần lưu ý gì?

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến dân sinh khi TP.HCM áp dụng giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 9.7 đã được lãnh đạo TP, đại diện một số sở, ngành giải đáp.
Từ hôm nay, người dân ra đường trong trường hợp không chính đáng sẽ bị xử phạt /// Ảnh: Độc Lập
Từ hôm nay, người dân ra đường trong trường hợp không chính đáng sẽ bị xử phạt ẢNH: ĐỘC LẬP
Tối 8.7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về các biện pháp triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên địa bàn bắt đầu từ 0 giờ ngày 9.7.

Người dân nên ở trong nhà

Ông Đức cho biết tinh thần chung là thực hiện giãn cách theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố – tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố – tổ nhân dân, khu phố – ấp cách ly với khu phố – ấp, xã – phường – thị trấn cách ly với xã – phường – thị trấn, quận – huyện và TP.Thủ Đức cách ly với quận – huyện và TP.Thủ Đức. TP.HCM chỉ duy trì hoạt động dịch vụ thiết yếu và hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn. Các dịch vụ ăn uống mang về, đại lý vé số và người bán vé số dạo trên địa bàn phải tạm ngưng.
Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ hoặc làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao. Khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
Các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Cụ thể, các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu…); ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… được tiếp tục hoạt động.
Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước, TP.HCM chuyển sang phương thức làm việc tại nhà thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Các cuộc họp tại cơ quan công sở phải dừng triệt để; chỉ duy trì các cuộc họp chống dịch, cuộc họp để xử lý vấn đề cấp bách của đơn vị, khi tổ chức không quá 10 người tham dự.
Nhiều quán ăn tại TP.HCM đã chủ động đóng cửa trước ngày giãn cách

Nhiều quán ăn tại TP.HCM đã chủ động đóng cửa trước ngày giãn cách  ẢNH: LÊ NAM

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Ông Đức cho biết trước đây TP.HCM đã dừng hoạt động ăn uống tại chỗ tại các cơ sở kinh doanh, nên nay dừng hoạt động ăn uống mang về thì các cơ sở này phải dừng hoạt động. Về hoạt động vận tải, xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống phải dừng hoạt động, các loại hình vận chuyển hàng hóa bằng ô tô và mô tô giao hàng vẫn được hoạt động, phải tuân thủ các quy định phòng dịch.
Các cửa hàng tạp hóa kinh doanh dịch vụ thiết yếu vẫn được hoạt động. “Tạp hóa bán đồ thiết yếu cho nhu cầu hằng ngày, hiệu thuốc được duy trì nhưng nếu tạp hóa bán nồi niêu xoong chảo thì phải dừng hoạt động trong 2 tuần”, theo ông Đức. Hoạt động phát cơm từ thiện vẫn được hoạt động nhưng phải đảm bảo ngăn nắp, trật tự, giãn cách, không tụ tập quá 2 người, tuân thủ biện pháp phòng dịch.

TP.HCM thông qua việc cách ly F1 tại nhà

Ngày 8.7, UBND TP.HCM có công văn gửi các sở, ban ngành, UBND TP. Thủ Đức và quận, huyện về việc triển khai thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 (gọi tắt là cách ly F1 tại nhà) theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo đó, đối tượng áp dụng là người được xác định tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 (F1), có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính với Covid-19 (trong khi chờ thực hiện xét nghiệm RT-PCR). F1 này thuộc một trong các nhóm sau: người tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 nhưng không thường xuyên; người làm việc cùng phòng với ca bệnh nhưng vị trí làm việc cách xa trên 2 m và không có sự tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh, người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người tàn tật… cần sự chăm sóc hỗ trợ. Ngoài ra, người tiếp xúc gần đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính với Covid-19, được chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về cách ly tại nhà.
Theo UBND TP, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, yêu cầu đối với F1 cách ly tại nhà, người ở cùng nhà thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế . Về việc lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian cách ly F1 tại nhà, UBND TP yêu cầu thực hiện ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày đầu, ngày 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly hoặc ít nhất 2 lần vào thời điểm ngày thứ 20 và 28 (đối với các đối tượng đã cách ly tập trung đủ 14 ngày về cách ly tại nhà)…
Song song đó, UBND TP.HCM cũng giao Sở Y tế mở rộng các khu cách ly tập trung đạt công suất 50.000 giường và đảm bảo an toàn, phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly; triển khai kế hoạch đáp ứng điều trị khi TP.HCM có 20.000 ca mắc Covid-19…
Duy Tính – Hân Hồ – S.Đ
Trong văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 ban hành trưa 8.7, UBND TP.HCM yêu cầu UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24 giờ, không để xảy ra tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.
Tại họp báo, PV Thanh Niên đặt vấn đề: Người dân ra đường trong trường hợp nào thì được coi là cần thiết và chính đáng? Và cần mang theo giấy tờ gì? Ông Đức cho biết người dân chỉ được ra đường để giải quyết các nhu cầu thiết yếu; nếu không lý giải được mục đích của việc di chuyển thì không được phép. TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo Nghị định 117/2020, áp dụng tương tự như trước đây về điều khoản như: không tuân thủ 5K, không đeo khẩu trang. Thẩm quyền xử phạt gồm: chủ tịch UBND cấp xã, Chánh thanh tra Sở Y tế, trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng công an cấp tỉnh… Theo trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng CSGT TP.HCM, lực lượng công an, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sẽ kiểm tra, xử phạt các trường hợp ra ngoài mà không có lý do chính đáng. Riêng câu hỏi người dân cần mang theo giấy tờ gì để chứng minh là cần thiết và chính đáng mà PV Thanh Niên đặt ra, chưa được lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Phòng CSGT TP.HCM giải đáp.

Phương tiện nào được hoạt động?

Về nhu cầu thiết yếu, người dân có thể mua sắm thông qua 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, trên 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và hơn 28.000 điểm bán tại các địa phương; đồng thời đẩy mạnh mua sắm trực tuyến của 17 siêu thị, hệ thống phân phối lớn; tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương, khuyến cáo người dân cần bình tĩnh mua sắm, không nên dự trữ thực phẩm.
Về vấn đề hoạt động vận tải trong thời gian giãn cách, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết theo quy định của Bộ Y tế, người dân từ TP.HCM về các tỉnh khác sẽ bị cách ly 7 ngày. TP.HCM đã có nhiều nỗ lực phối hợp, trao đổi với 7 tỉnh để thống nhất quy trình, hạn chế tối đa ách tắc giao thông, ách tắc hàng hóa để duy trì hoạt động thiết yếu. Hiện đội xe của các doanh nghiệp quan trọng như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh chở rau củ quả từ Đà Lạt, miền Tây đã đạt được thỏa thuận “luồng xanh”, hàng hóa lưu thông nhanh chóng, hạn chế ùn tắc.
Cụ thể hơn, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho hay các hoạt động vận tải hành khách công cộng, kinh doanh ô tô phải dừng toàn bộ, kể cả xe liên tỉnh đi đến TP. Cơ quan chức năng sẽ lập danh sách các phương tiện theo nhóm: nhu yếu phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thực phẩm… xe đưa rước công nhân, xe ra vào cảng biển liên tục, xe tải quá cảnh qua TP.HCM (không được dừng lại). Riêng xe chở hàng thiết yếu thuộc nhóm đối tượng ưu tiên thì Sở GTVT TP.HCM tiếp nhận danh sách phương tiện, tài xế cố định để cấp thông báo cho phép lưu thông bằng mã QR, gắn phía trước xe ô tô. Khi đi qua các chốt kiểm soát dịch thì sẽ được đi vào làn ưu tiên để phương tiện qua nhanh, không ùn ứ tại chốt và không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu. Theo quy định của Bộ Y tế, cả tài xế và nhân viên theo xe phải có xét nghiệm âm tính Covid-19. “Sở đã làm thủ tục ưu tiên cấp mã QR cho khoảng 700 xe”, ông Lâm nói.
SỸ ĐÔNG
TNO