26/12/2024

15 ngày giãn cách, TP.HCM cần làm gì để khống chế, dập tắt dịch COVID-19?

15 ngày giãn cách, TP.HCM cần làm gì để khống chế, dập tắt dịch COVID-19?

15 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 (áp dụng từ 0h ngày 9-7) sẽ là cơ hội “sống còn” để TP.HCM phối hợp đồng loạt các giải pháp mạnh nhằm khống chế, đi đến dập tắt dịch COVID-19.

 

15 ngày giãn cách, TP.HCM cần làm gì để khống chế, dập tắt dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Từ 0h ngày 9-7 TP.HCM chính thức giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trong 15 ngày. Đây được xem là cơ hội để TP kiểm soát tình hình dịch bệnh đang bùng phát – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tính đến sáng 8-7 TP.HCM có 8.385 ca COVID-19. Với sự hiện diện của biến thể Delta (xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ) có đặc tính lây nhiễm mạnh, tác nhân gây bệnh giờ đây đã có ở khắp thành phố và số ca bệnh trong các vùng cách ly, phong tỏa ngày càng tăng nhanh…

Chỉ thị 16 không phải là “liều thuốc tiên”

Khác hẳn với các đợt dịch trước, diễn biến của đợt dịch lần này ở TP.HCM chưa lúc nào “hạ nhiệt”. “Chặt đứt” chuỗi lây nhiễm này lại phát sinh chuỗi mới; kéo theo đó là số ca mắc và tử vong tăng cao. Trong vòng 24 giờ (từ 6h ngày 7-7 đến 6h ngày 8-7) TP.HCM ghi nhận 1.284 ca mắc.

Từ một vài địa phương ban đầu, dịch gần như tràn khắp thành phố với 20/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Hầu hết các bệnh viện đều có COVID-19 “ghé thăm”.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), nguyên nhân của sự bùng phát dịch không kiểm soát này là do chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh.

Biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha khoảng 60%. Tỉ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn so với người nhiễm biến thể Alpha. Nghiên cứu cũng cho thấy ca mắc biến thể Delta có thể lây nhiễm mạnh hơn và lâu hơn.

15 ngày giãn cách, TP.HCM cần làm gì để khống chế, dập tắt dịch COVID-19? - Ảnh 2.

Loại bỏ nguồn lây bằng xét nghiệm tầm soát là giải pháp được đưa ra và đẩy mạnh trong vòng 15 ngày tới – Ảnh: NHẬT THỊNH

Trước xu hướng số ca bệnh trong cộng đồng tăng hằng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám các cơ sở y tế với tổng số ca phát hiện là 976 ca, cao điểm ngày 6-7 là 212 ca, cho thấy tác nhân gây bệnh đã có ở khắp thành phố và số ca bệnh trong vùng phong tỏa ngày càng tăng nhanh.

Thành phố cần phải có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh.

Khẳng định chỉ thị 16 không phải là “liều thuốc tiên” đẩy lùi dịch bệnh, ông Phan Văn Mãi – phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM – đề nghị các địa phương, các ngành quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tổ chức thực hiện triệt để chỉ thị 16 để sau 15 ngày thành phố sẽ kiểm soát được dịch bệnh; không để tình hình này kéo dài ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

15 ngày giãn cách, TP.HCM cần làm gì để khống chế, dập tắt dịch COVID-19? - Ảnh 3.

Phát phiếu để người dân ra vào chợ Thảo Điền (TP Thủ Đức) – Ảnh: NHẬT THỊNH

Và những cơ hội trông thấy!

15 ngày giãn cách theo chỉ thị 16 chính là cơ hội cho TP.HCM chống dịch. Vậy những cơ hội đó là gì và TP.HCM sẽ làm gì để có thể tận dụng được cơ hội đó? HCDC đề ra một số giải pháp để tận dụng thời cơ như sau:

– Giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh (chủng Delta): Với việc ngừng triệt để các cơ sở hoạt động không thiết yếu; hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập trên 2 người tại nơi công cộng; hạn chế sự lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khác… sẽ là cơ hội làm giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh, đặc biệt là chủng Delta có tốc độ lây lan mạnh.

Loại bỏ (làm giảm) nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, bằng việc: 

– Truy vết, xét nghiệm nhanh, tìm nguồn F0 và cách ly F1 sớm: Hiện TP.HCM có 2.000 đội lấy mẫu, trong đó 1.200 đội chính và 800 đội dự phòng. Tổng công suất lấy mẫu ước đạt 1,3 triệu/mẫu ngày. Về năng lực xét nghiệm, công suất đạt 400.000 mẫu gộp/ngày.

Thành phố cũng thành lập Trung tâm điều phối xét nghiệm để điều phối tổ chức lấy mẫu, nhập dữ liệu vào hệ thống phần mềm, vận chuyển và điều phối mẫu đến các phòng xét nghiệm, khắc phục sự tương thích giữa các phần mềm trả kết quả của các phòng xét nghiệm…

Đặc biệt, đây là thời điểm TP.HCM sẽ thí điểm triển khai test nhanh ở các khu công nghiệp, do các doanh nghiệp tự chi trả.

– Lặp lại xét nghiệm ở những vùng có nguy cơ cao như khu vực phong tỏa xét nghiệm 2-3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao xét nghiệm 5-7 ngày/lần để loại bỏ nguồn lây trong cộng đồng. Trong vòng 15 ngày, TP.HCM quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu toàn thành phố.

Làm giảm yếu tố nguy cơ bằng việc tăng cường quản lý, giám sát phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp; các chợ truyền thống, siêu thị, các chợ đầu mối; khu nhà trọ.

Trong thời gian này, TP.HCM sẽ thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động vừa cách ly vừa sản xuất.

Mở rộng khu cách ly tập trung thành phố lên 30.000 giường, song song thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà theo phương thức cách ly tập trung 14 ngày và 14 ngày còn lại theo dõi sức khỏe tại nhà.

15 ngày giãn cách, TP.HCM cần làm gì để khống chế, dập tắt dịch COVID-19? - Ảnh 4.

TP.HCM sẽ thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động vừa cách ly, vừa sản xuất – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Sở Y tế TP.HCM, qua 4 đợt tiêm chủng có 985.077 người được tiêm, trong đó có 943.215 mũi 1 và 41.862 mũi 2.

Hiện TP.HCM đã có kế hoạch tổ chức vắc xin đợt 5 với 100.000 liều do Bộ Y tế phân bổ. Đây là biện pháp lâu dài, đặc biệt là đối với các biến chủng có tốc độ lây lan nhanh cũng như phòng ngừa phát sinh các chủng đột biến mới.

HOÀNG LỘC
TTO